Lai Châu 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW về hoạt động xuất bản
Chủ nhật - 26/10/2014 23:111.6720
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW, ngày 25/8/2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động xuất bản”, hoạt động xuất bản của tỉnh đã đạt được những kết quả trên nhiều phương diện. Chất lượng nội dung, hình thức các xuất bản phẩm được nâng lên; việc xây dựng, quy hoạch ngành xuất bản được quan tâm; văn hóa đọc có bước phát triển; quản lý hoạt động xuất bản đảm bảo thường xuyên và hiệu quả.
Nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của sự nghiệp xuất bản, nên ngay sau khi Chỉ thị của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” ban hành, Tỉnh ủy đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng tổ chức nghiên cứu, quán triệt học tập Chỉ thị, nhất là các cơ quan, đơn vị liên quan đến hoạt động quản lý xuất bản, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xuất bản, in và phát hành trong toàn tỉnh và tổ chức triển khai thực hiện gắn với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị, tạo điều kiện để hoạt động xuất bản, in và phát hành phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Chất lượng nội dung, hình thức các xuất bản phẩm từng bước được nâng lên, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các đối tượng người đọc trong tỉnh. Số lượng xuất bản phẩm tăng nhanh (hàng vạn ấn phẩm của các huyện, thành phố, ban, ngành, đoàn thể tỉnh...), với sự đa dạng, phong phú về thể loại, đề tài, đảm bảo tính chính trị, tư tưởng, sinh động, hấp dẫn, nhiều loại khuôn khổ phù hợp với từng loại đối tượng, từng yêu cầu nhiệm vụ cụ thể, nổi bật là các xuất bản phẩm: các văn kiện, tài liệu nghiên cứu, học tập nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp; lịch sử Đảng bộ tỉnh, huyện, xã và lịch sử truyền thống các ngành; các ấn phẩm phục vụ công tác tuyên truyền các sự kiện kỷ niệm, nhiệm vụ chính trị của địa phương; các ấn phẩm mang tính báo chí; các loại tờ rơi, tờ gấp... góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh đến các tầng lớp Nhân dân; nâng cao dân trí; giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, thế mạnh, những nét văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Công tác xây dựng, quy hoạch ngành xuất bản được quan tâm chú trọng, ngày 30/5/2013 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 557/QĐ-UBND về “Phê duyệt quy hoạch phát triển báo chí, xuất bản tỉnh Lai Châu đến năm 2020”, với quan điểm quy hoạch nhằm định hướng phát triển hoạt động báo chí, xuất bản của tỉnh đúng định hướng, phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của tỉnh, nâng cao mức độ thụ hưởng thông tin của các tầng lớp Nhân dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 05 cơ sở in xuất bản phẩm, 06 cơ sở in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm, ngoài ra còn một số cơ sở tư nhân in gia công, in lưới và in lụa thủ công (loại hình in không phải xin giấy phép); 02 đơn vị tham gia phát hành báo chí; 02 đơn vị phát hành sách và hàng chục hộ gia đình kinh doanh tham gia phát hành sách, báo, văn hóa phẩm tổng hợp nhỏ lẻ… Giai đoạn 2005-2011, sản lượng in toàn tỉnh tăng bình quân hàng năm từ 8-10%/năm (khoảng trên 0,5 tỷ trang in); tổng sản lượng phát hành đạt 8 triệu bản sách, 2 triệu văn hóa phẩm. Các doanh nghiệp phát hành Lai Châu có tốc độ tăng trưởng khá đều (sản lượng sách tăng bình quân 3,7%/năm). Tháng 11/2013, Nhà máy in Lai Châu chính thức đi vào hoạt động với công nghệ in hiện đại, đồng bộ cả 3 khâu, góp phần nâng cao chất lượng ấn phẩm, rút ngắn thời gian phát hành, phục vụ tốt hơn nhu cầu về sách, báo, ấn bản phẩm của Nhân dân trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh có Báo Lai Châu, Tạp chí Văn nghệ, 16 ấn phẩm có tính báo chí duy trì thường xuyên việc biên soạn, in và phát hành (hàng tuần, tháng, quý).
Nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp Nhân dân được chăm lo phát triển. Tính đến năm 2013, tỉnh có 01 thư viện tỉnh, 08 thư viện huyện (dự kiến hết năm 2014 sẽ thành lập thư viện huyện Nậm Nhùn), 103 xã có tủ sách thư viện, với tổng số sách trong thư viện là 88.282 bản; trên 150 cửa hàng sách và văn hóa phẩm, cùng với 59.527 cuốn sách các loại thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, đề án được Nhà nước tài trợ (trong 02 năm 2011-2012, tỉnh đã tiếp nhận trên 130 đầu sách với hàng ngìn cuốn tài liệu từ Đề án sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn). Đã tổ chức 60 cuộc triển lãm sách, báo nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ, các sự kiện chính trị - xã hội của đất nước, của tỉnh; 05 hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách cấp tỉnh, 01 Hội thi thiếu nhi tuyên truyền giới thiệu sách cấp huyện... Hàng năm thực hiện đổi và cấp mới trên 300 lượt thẻ bạn đọc, phục vụ trên 20 nghìn lượt bạn đọc; thực hiện luân chuyển 01 lần/năm về 3 thư viện huyện và 12 tủ sách thuộc lực lượng vũ trang với khoảng 1.500 bản sách/năm.
Công tác quản lý hoạt động xuất bản, in và phát hành được duy trì thường xuyên và hoạt động có hiệu quả, ngày 17/11/2008 Tỉnh ủy đã ban hành quyết định số 1312-QĐ/TU quy định về sự phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cấp ủy Sở Thông tin và Truyền thông, cấp ủy Hội Nhà báo và các cơ quan Đảng, chính quyền trong công tác chỉ đạo, quản lý báo chí nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác báo chí, xuất bản. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Công an tỉnh tiến hành thanh tra, kiểm tra, kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm trong lĩnh vực in và phát hành; bình quân mỗi năm cấp 100 giấy phép xuất bản. Ban Tuyên giáo phối hợp với Bưu điện cùng cấp thành lập đoàn kiểm tra việc phát hành, tiếp nhận và sử dụng báo, tạp chí của Đảng theo Thông tri số 05-TT/TU, ngày 11/11/2004 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 28/12/1996 của Bộ Chính trị về việc “Mua và đọc báo, tạo chí của Đảng”, qua đó giúp cho việc phát hành, tiếp nhận các loại báo, tạp chí của Đảng được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, đủ số lượng và kịp thời.
Quan tâm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển lực lượng, đội ngũ của ngành xuất bản, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, các tác giả, cộng tác viên làm công tác biên tập, xuất bản, in và phát hành. Số lao động hoạt động trong lĩnh vực in của tỉnh giai đoạn 2005 - 2011 tăng bình quân 3-5%/năm, (tổng lao động tại các cơ sở in gần 80 lao động); lao động trong hoạt động phát hành tăng bình quân 10%/năm (năm 2011 đạt trên 200 lao động). Ngoài số lao động tại các công ty phát hành, còn số lượng rất lớn các lao động tại các cơ sở phát hành sách tại các địa phương như thư viện văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã, điểm bán sách tại các trường học.
Tuy nhiên, hoạt động xuất bản của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: quy mô, năng lực của hoạt động xuất bản chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của xã hội về các xuất bản phẩm. Hệ thống thư viện, tủ sách cơ sở thiếu đồng bộ, hoạt động chưa thường xuyên, chưa thu hút được đông đảo bạn đọc đến với thư viện. Nhiều xuất bản phẩm còn nghèo nàn, đơn điệu về thông tin, thiếu tính hấp dẫn, thể loại, cơ cấu sách chuyên đề, sách hướng dẫn thực hành, sách tra cứu chưa phong phú... nên chưa thu hút được đông đảo người đọc. Công tác xã hội hóa các nguồn lực cho hoạt động xuất bản, in và phát hành sách còn hạn chế. Công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động xuất bản, in và phát hành chưa thường xuyên, việc phát hiện và xử lý các sai phạm còn hạn chế.
Để tiếp tục thực hiện tốt những nhiệm vụ cụ thể của hoạt động xuất bản đã được xác định trong Chỉ thị 42-CT/TW, thời gian tới chúng ta cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với lĩnh vực xuất bản, in và phát hành; cần nhận thức hoạt động xuất bản không phải là hoạt động sản xuất kinh doanh đơn thuần mà là hoạt động trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa. Tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao toàn diện hoạt động xuất bản, in và phát hành, với mục tiêu coi trọng phục vụ nhiệm vụ chính trị, bảo đảm tính tư tưởng, tính khoa học, chất lượng, giáo dục, văn hóa; thường xuyên tiến hành kiểm soát, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh những cá nhân, đơn vị vi phạm. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quản lý nhà nước, chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ lý luận chính trị, phẩm chất đạo đức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý, các cơ sở xuất bản, in và phát hành. Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí, xuất bản và các ngành chức năng. Tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới xuất bản, in và phát hành, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới; chú trọng phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, phục vụ nhu cầu của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đẩy mạnh các hoạt động thông tin, triển lãm, hội chợ sách, xây dựng tủ sách gia đình, phong trào đọc sách trong Nhân dân; tăng cường công tác tuyên truyền và giới thiệu xuất bản phẩm; khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống nhà sách tư nhân, cửa hàng sách cấp huyện, thư viện, phòng đọc tại các trường học./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế