Trong những năm qua, nhờ có sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân công tác phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển sản xuất, mang lại thu nhập ổn định và xóa đói giảm nghèo cho các hộ dân. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như tập quán sản xuất, hạn chế trong áp dụng khoa học - kỹ thuật để chăm sóc cây trồng, vật nuôi…; nông dân ở nhiều nơi vẫn còn chủ quan, chưa chủ động trong công tác phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng khi mùa Đông tới. Đặc biệt, bà con vẫn sản xuất và chăn nuôi theo các cách thức: Gieo mạ không che phủ nilon, gieo sạ, cấy lúa không chú ý tới thời tiết khí hậu; chăn thả gia súc tự do, không làm chuồng trại, không dự trữ thức ăn, tiêm vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi không đầy đủ… Nên hằng năm, trên địa bàn toàn tỉnh vẫn để xảy ra tình trạng hàng chục đến hàng trăm vật nuôi bị chết vì đói, rét, dịch bệnh; hàng trăm ha cây trồng không có khả năng sinh trưởng và phát triển; dẫn đến thiệt hại hàng chúc tỷ đồng, ảnh hưởng lớn cho đời sống, sản xuất của bà con nông dân.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 tình hình thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, đầu vụ và thời gian giáp Tết Nguyên đán có khả năng xảy ra rét đậm, rét hại kèm theo băng giá, sương muối. Mặt khác, tình hình dịch lở mồm, long móng gia súc; dịch cúm gia cầm có nguy cơ tái phát và có thể lây lan vào địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2014, đầu năm 2015 khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Trước thực tế đó, ngày 17/10/2014, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 14/CT-UBND về việc chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015. Chỉ thị yêu cầu: Chính quyền, đoàn thể nhân dân các cấp và các phòng, ban chuyên môn cấp huyện, cấp xã tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân kỹ thuật che phủ nilon sau khi gieo mạ; biện pháp chăm sóc, bảo vệ mạ, lúa cấy, lúa gieo sạ vụ Đông Xuân; hướng dẫn chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị dinh dưỡng thức ăn thô; thu gom, phơi khô rơm rạ sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, thân lá ngô sau khi thu hoạch ngô vụ Thu Đông làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò, ngựa thường xuyên, đặc biệt là mùa rét, bảo đảm bình quân mỗi con từ 5 - 7 kg/ngày. Đồng thời, dự trữ thức ăn tinh, khoáng chất đầy đủ để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết; xây dựng, sửa chữa chuồng trại, chuẩn bị bạt, bao tải, phên… che chắn chuồng trại trong những ngày mưa rét.
Vật nuôi cần có chuồng trại được che chắn cẩn thận (ảnh: Thanh Hoa)
Thường xuyên bám sát khu dân cư, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra trực tiếp công tác phòng, chống đói, rét, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi, nhất là những khu vực vùng cao, những nơi thường xuyên có rét đậm, rét hại những năm gần đây. Đảm bảo kịp thời việc hướng dẫn phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cũng như thông tin cảnh báo tình hình thời tiết bất lợi để Nhân dân biết và chủ động áp dụng các biện pháp phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi.
Chính quyền cấp xã, trưởng thôn, bản và thú y cơ sở tăng cường kiểm tra giám sát dịch bệnh và chịu trách nhiệm giám sát dịch bệnh ở cơ sở. Các đơn vị chuyên môn thuộc ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn Nhân dân; triển khai các biện pháp phòng, chống đói, rét, dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi; đồng thời, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, nhất là động vật làm giống nhập vào địa bàn tỉnh. Chỉ thị yêu cầu chính quyền các cấp và các ngành chức năng phải quán triệt, chỉ đạo thực hiện toàn diện, kịp thời và hiệu quả; tránh chủ quan, lơ là hoặc chỉ đạo triển khai thực hiện chưa nghiêm túc, quyết liệt.
Gieo cấy đúng lịch thời vụ, cập nhật diễn biến thời tiết
(ảnh: AT)
Các phương tiện thông tin đại chúng tích cực phối hợp với chính quyền các cấp, các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn kiến thức về các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi bằng nhiều hình thức như: Tăng cường thời lượng tin, bài, chuyên mục, mô hình, tấm gương cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền các biện pháp, kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống đói, rét, dịch bệnh để nhân rộng hoặc lồng ghép tại các buổi họp, hội nghị... Làm cho cấp ủy, chính quyền, đoàn thể Nhân dân cùng các ngành hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của UBND tỉnh, chủ động phối hợp thực hiện công tác phòng chống rét, dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2014 - 2015 trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả./.