Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu theo Nghị quyết 33-NQ/TW
Chủ nhật - 04/02/2018 21:002.0480
Với mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, từng bước nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân các dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xóa đói giảm nghèo. Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực.
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền Nghị quyết 33-NQ/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn bằng nhiều hình thức: sao gửi tài liệu; tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt; hội nghị học tập, quán triệt chuyên sâu cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa; thông qua sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đoàn thể, họp bản, tổ dân phố (toàn tỉnh tổ chức 1.703 hội nghị/138.657 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân tham gia học tập), qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Lai Châu nói riêng trong giai đoạn hiện nay. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết để tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn của địa phương, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, an ninh, quốc phòng, tạo sự phát triển đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa.
Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách thông qua việc quán triệt, học tập, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Lai Châu phát triển toàn diện với ý thức tôn trọng pháp luật, hiểu biết sâu sắc và tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương. Triển khai thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thể dục, thể thao quần chúng; quan tâm giáo dục thể chất, hoạt động thể thao trong các trường học, gắn giáo dục thể chất với giáo dục tri thức, đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh; đầu tư xây dựng nhà luyện tập TDTT, sân vận động, sân bóng đá; khôi phục và duy trì các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian…từng bước đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của Nhân dân (toàn tỉnh có 307 câu lạc bộ tập luyện TDTT; trên 25% số người tập luyện TDTT thường xuyên).
Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; coi trọng việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn (bản), khu dân cư (có trên 93% thôn bản, khu phố xây dựng hương ước, quy ước và được áp dụng vào cộng đồng); thực hiện nếp sống văn minh, từng bước đẩy lùi, xóa bỏ những hủ tục, tập tục lạc hậu, tốn kém, lãng phí trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ trong các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đổi mới phong cách, tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức theo hướng gần dân, sát dân, “nói đi đôi với làm”. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; triển khai nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình, gắn với các phong trào xây dựng bản, tổ dân phố văn hóa (toàn tỉnh có 84% hộ gia đình, 79% thôn bản, khu phố, 95% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa).
Quan tâm bảo tồn và phát huy bản sắc, di sản văn hóa các dân tộc, nhất là việc mở các lớp dạy và trao truyền các làn điệu dân ca, dân vũ, sử dụng các nhạc cụ truyền thống, chữ viết (dân tộc Mông), nghề, lễ hội, trò chơi dân gian; sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể (tỉnh có 23 di tích, trong đó: 5 di tích cấp quốc gia, 18 di tích cấp tỉnh đã được xếp hạng); duy trì thường xuyên việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao các dân tộc hằng năm vào dịp Quốc khánh mồng 2/9, lễ, tết cổ truyền dân tộc. Củng cố, kiện toàn chi hội văn học-nghệ thuật (100% các huyện, thành phố đã thành lập chi hội văn học-nghệ thuật); nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác, quảng bá các thể loại văn học, nghệ thuật với chủ đề ca ngợi Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, tình yêu quê hương, đất nước; quan tâm đãi ngộ đối với các nghệ nhân, hoàn thiện hồ sơ đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân (tỉnh có 04 nghệ nhân được công nhận). Tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), 03 tỉnh Bắc Lào, nhất là giữa các huyện, xã, bản giáp biên giới Việt-Trung, các chương trình văn nghệ phục vụ các đoàn khách Trung Quốc, Lào đến thăm và làm việc tại Lai Châu.
Tăng cường đầu tư xây dựng, trang bị, nâng cấp, khai thác sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa (tỉnh có 626 xã, thôn bản, tổ dân phố có nhà văn hóa; 71% xã, thị trấn có đài truyền thanh FM); khôi phục, thành lập và phát huy hiệu quả của đội văn nghệ các thôn bản nhằm lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc (toàn tỉnh có 877 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, khu phố). Thường xuyên củng cố, kiện toàn, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, nhất là công chức văn hóa cấp xã là người dân tộc thiểu số (100% cấp xã bố trí đủ công chức văn hóa). Tăng cường thanh tra, kiểm tra nhất là việc tổ chức các hoạt động, sự kiện lễ hội, ngày hội văn hóa, kinh doanh, dịch vụ, văn hóa đảm bảo hoạt động theo quy định của pháp luật, kịp phát hiện, chấn chỉnh các vi phạm trong tổ chức việc cưới, tang, lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín, dị đoan, cờ bạc trá hình, phát tán văn hóa phẩm độc hại, lợi dụng tâm linh, ngoại cảm để trục lợi.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ một số hạn chế: Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết còn chung chung, chưa cụ thể, chưa sát với điều kiện thực tiễn của địa phương; nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò của văn hóa nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, chủ yếu coi trọng vấn đề phát triển kinh tế. Hệ thống các thiết chế văn hóa còn hạn chế, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới. Công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu; một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế; vẫn còn tình trạng tảo hôn, không đăng ký kết hôn, thách cưới cao, tổ chức đám tang rườm rà, kéo dài ngày ở mộ bộ phận Nhân dân. Việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá giá trị văn hóa trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Chưa phát huy vai trò của các chi hội văn học-nghệ thuật, chi hội văn nghệ dân gian trong việc động viên, khuyến khích hội viên tích cực tham gia sáng tác, giới thiệu, trao truyền các giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian.
Để khắc phục những hạn chế trên, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Nghị quyết 33-NQ/TW, trong đó xác định rõ quan điểm: xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình (kế hoạch) thực hiện Nghị quyết đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, có tính khả thi cao; quan tâm đầu tư, bố trí nguồn lực xây dựng, bổ sung, nâng cấp các thiết chế văn hóa, nhất là ở những địa bàn khó khăn; khai thác, phát huy các giá trị văn hóa hiện có phục vụ phát triển triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; duy trì và phát triển các câu lạc bộ, mô hình gia đình, cộng đồng, dòng họ văn hóa. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá, nhất là ở cơ sở; nâng cao năng lực trong việc tham mưu, đề xuất, thẩm định, quản lý các hoạt động văn hóa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết ở cơ sở./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế