Kết luận giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Thứ tư - 04/05/2016 04:138790
“Bộ mặt nông thôn tỉnh Lai Châu có bước chuyển biến rõ rệt từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân...” là đánh giá của đồng chí Giàng Páo Mỷ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát ĐBQH tỉnh với UBND tỉnh và một số sở, ngành về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đoàn giám sát đã ghi nhận những kết quả xây dựng nông thôn mới mà các cấp, các ngành đạt được trong 5 năm qua. Trong giai đoạn 2011-2015, với tổng nguồn vốn 6.315.686 triệu đồng huy động lồng ghép từ các chương trình đầu tư cho nông thôn mới, toàn tỉnh có 15/96 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 605.000đồng/người/năm năm 2005 lên 9,92 triệu đồng/người/năm năm 2015, tỷ lệ giảm nghèo còn 20,48%; 96/96 xã có đường giao thông đến trung tâm xã, 815,5 km đường trục thôn, bản được cứng hóa đạt chuẩn; đến nay có 22/96 xã đạt tiêu chí giao thông, 65/96 xã đạt tiêu chí thủy lợi, 60/96 xã đạt tiêu chí về điện, 25/96 xã đạt tiêu chí về hộ nghèo, 83/96 xã đạt tiêu chí về giáo dục, 22/96 xã đạt chuẩn về cơ sở vật chất văn hóa…
Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, áp dụng cơ giới hóa nông nghiệp, bảo tồn và phát triển các làng nghề truyền thống …Xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp có sự liên kết chặt chẽ với nhau hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng nông thôn mới tạo điều kiện để các dịa phương đầu tư các công trình thiết yếu phục vụ thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…Nhìn chung, bộ mặt nông thôn tỉnh Lai Châu có bước chuyển biến rõ rệt từ hệ thống cơ sở hạ tầng đến đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, đồng chí cũng nhận định: bên cạnh đó trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Một số tiêu chí, cơ chế, chính sách do Trung ương ban hành còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Lai Châu (Tiêu chí về cơ sở vật chất văn hóa, về thu nhập, về hộ nghèo; cơ chế huy động vốn tín dụng và vốn huy động từ các loại hình khác; tiêu chí phân bổ vốn đối với từng loại xã ); một số văn bản chỉ đạo, điều hành của tỉnh ban hành chưa phù hợp với mức chuẩn theo văn bản hướng dẫn của Trung ương (QĐ số 1018/QĐ-UBND ngày 29/8/2014 của UBND tỉnh LC về việc quy định cụ thể hóa Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới và xét công nhận xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu). Công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho nhân dân trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả chưa cao, một bộ phận người dân chưa ý thức được đó là vì lợi ích của bản thân. Công tác rà soát, lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới chưa sát thực tế dẫn đến hiện tượng có xã trong quy hoạch không đạt, xã không quy hoạch lại đạt, không đảm bảo điều kiện xã đạt chuẩn nông thôn mới: yêu cầu phải có đăng ký (Huyện Sìn Hồ: xã Nậm Tăm, Nậm Mạ, Xà Dề Phìn đăng ký 2015 đạt nhưng chưa đạt; xã Chăn Nưa dự kiến đến năm 2020 đạt nhưng năm 2015 đã đạt); một số xã tuy đã được công nhận đạt chuẩn nhưng còn nợ 3 tiêu chí (xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ); một số xã có một số tiêu chí đạt thấp (giao thông, môi trường, nhà ở dân cư, y tế, cơ sở vật chất), một số tiêu chí tính bền vững chưa cao… Một số công trình được đầu tư nhưng không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp (công trình thủy lợi tại xã Mù Sang đầu tư năm 2012 nhưng không sử dụng đến)…
Đồng chí Lê Trọng Quảng - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan đã giải trình một số nội dung và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Giàng Páo Mỷ và các đồng chí trong Đoàn giám sát.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Páo Mỷ đề nghị: UBND tỉnh có kiến nghị với các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số vấn đề còn bất cập trong xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo các sở, ngành và các huyện, thành phố khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, trong đó chú trọng tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình, kịp thời phát hiện bất cập, sai sót nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo đúng quy định, tránh lãng phí nguồn lực trong giai đoạn tiếp theo./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế