21 năm hoạt động, các trường học sinh miền Nam là minh chứng cụ thể về tầm nhìn xa của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với chiến lược đào tạo những cán bộ "vừa hồng vừa chuyên", chuẩn bị cán bộ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước thống nhất sau này.
Bờ nam sông Đốc vào cuối năm 1954 đã chứng kiến cuộc chuyển quân lớn theo Hiệp định Geneve. Trên chuyến tàu tập kết ra Bắc ngày đó có rất nhiều trẻ em tầm 10 -15 tuổi lần đầu tiên xa gia đình. Tất cả lên đường với chung một niềm tin rằng: Đi là để trở về giải phóng miền Nam và đất nước sẽ thống nhất.
Từ năm 1954 cho đến ngày thống nhất, có 3 đợt đưa học sinh ra Bắc với quy mô lớn. Năm 1954, chủ yếu đi theo đường tập kết qua đường biển. Những năm tiếp theo đi theo đường chính thức qua Campuchia và những năm chiến tranh ác liệt học sinh ra Bắc theo đường giao liên vượt Trường Sơn.
Sau hiệp định Geneve 1954, Bác Hồ và Trung ương Đảng đã dự cảm trước về một cuộc trường chinh của dân tộc sẽ còn gian khổ, kéo dài. Quyết định đưa con em miền Nam ra Bắc học tập là sự chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho cách mạng.
32.000 học sinh theo 3 cấp học phổ thông được đào tạo tại hệ thống vườn ươm đặc biệt. Gắn bó với các trường học sinh miền Nam từ ngày đầu thành lập, ông Lê Ngọc Lập vẫn giữ rất nhiều bức thư học trò gửi cho mình. Hạnh phúc của người thầy là khi chứng kiến nhiều học sinh sau này trưởng thành trên nhiều lĩnh vực.
Ông Lê Ngọc Lập, cựu giáo viên trường Học sinh miền Nam số 8, Vĩnh Phúc cho biết: ''Đội ngũ giáo viên được chọn lọc khá kỹ. Trường học sinh miền Nam lúc bấy giờ là một mô hình ưu biệt với ba nhiệm vụ. Đó là: Nuôi tốt - Dạy tốt- Học tốt''.
Hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử ngay sau ngày đất nước thống nhất. Nhưng mô hình giáo dục đặc biệt này đã trở thành một phần của tinh thần vì miền Nam ruột thịt.
Tác giả: BBT