Người thanh niên xung phong ngày ấy - bây giờ

Thứ bảy - 29/11/2014 20:52 1.097 0
Với nhiều người ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy”, già là lúc được nghỉ ngơi, an dưỡng, vui vầy bên con cháu, nhưng với một nữ thanh niên xung phong của một thời thì già nhưng sức chưa già, chí chưa nản. Bà là Nguyễn Thị Kim (Bản Mới, xã San Thàng) - “bà chủ” thương hiệu hoa Lan nổi tiếng nhất, nhì trong tỉnh ta từ nhiều năm qua.
Bà Kim giới thiệu vườn Lan
Bà Kim giới thiệu vườn Lan
Chân dung nữ cựu thanh niên xung phong

Lần đầu tiên gặp mặt, tôi đoán bà chừng 60 đến 65 tuổi là cùng. Không ai có thể đọc được nếp nhăn trên khuôn mặt của con người đã trải qua 72 mùa xuân của cuộc đời này. Nhìn dáng đi thoăt thoắt cùng giọng nói còn khá “đanh” khi vọng ra đón chào khách đến mua Lan, chúng tôi càng tỏ rõ sự ngạc nhiên về bà Kim. Bà có vóc người nhỏ nhắn nhưng còn rất linh hoạt, đôi mắt tưởng chừng theo thời gian sẽ bị mờ đi thì lại tỏ ra tinh tường trước các loại hoa trong vườn. Và trong lúc ngồi chờ, chúng tôi có dịp quan sát hết từng cử chỉ, thái độ giao tiếp của bà: không vồn vã, không phô trương bà nói chuyện rất nhẹ nhàng, đơn giản, nhất là khi nói về mỗi loại hoa, bà cố gắng phân tích tỉ mỉ để người mua có thời gian lựa chọn và ngắm thỏa thuê hoa. 

Sau khoảng 15 phút, người khách có vẻ hài lòng và không ngần ngại trả tiền cho giỏ hoa lan tím với giá 300 nghìn đồng. Lượt khách này chưa xong, lượt khách lại đến, bà Kim đành giao phó công việc cho anh con trai út để gặp gỡ những người “khách” chưa kịp giới thiệu tên đang ngồi chờ phía trong nhà. Cuộc gặp gỡ, nói chuyện với người cựu thanh niên xung phong này mỗi lúc một cuốn hút chúng tôi. Nhất là quãng thời gian bà còn là một cô thanh niên xung phong đầy khí thế hừng hực. Nhìn sâu vào khóe mắt đang chực trào nước mắt, chúng tôi được nghe bà kể lại: “Vào một ngày đầu năm 1964, khi ấy tôi vừa bước sang tuổi 22, cả nước đang sôi sục đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc, không ngại đường xá xa xôi hiểm trở, tôi quyết định theo chồng từ Bắc Giang lên vùng biên giới Mường Tè. Thời gian ấy, làm gì có đường mà đi như bây giờ, chỉ có đi bộ lách qua những vạt rừng sâu thôi. Lên được vài ngày, tôi gia nhập Đội Thanh niên xung phong D12 và theo bước chân họ đi phát quang cây cối, mở đường cho ngựa thồ hàng, chở lương thực cho bộ đội…”. 

Trong số 30 người của đội thanh niên xung phong ấy, cô gái Kim lúc bấy giờ được coi là thành viên lúc nào cũng nhiệt huyết và tràn trề sinh lực của lứa tuổi đôi mươi. Giao việc gì hay ai gửi gắm, nhờ vả gì bà cũng không nề hà, than vãn. Cũng bởi vậy mà có lần vì sự hăng hái, nhiệt tình ấy, cô thanh niên xung phong trẻ này suýt mất mạng trên dòng nước sâu của mùa mưa vùng Tây Bắc. Nhấp chén chè nóng, bà Kim bồi hồi nhớ: “Hôm ấy, sau khi những cơn mưa kéo dài kết thúc, tôi được phân công nhiệm vụ đi lấy nứa về làm lán trại, khi đi qua con suối sâu, vì nước dâng cao nên tôi suýt bị cuốn trôi. May thay có mấy chị em nhìn thấy đã xuống cứu, tôi mới thoát khỏi cái chết bất ngờ ấy”. Cõ lẽ hằn sâu trong ký ức của bà, đó mãi là những kỷ niệm không thể phai mờ theo năm tháng. Và cứ như vậy, ròng rã hàng mấy tháng trời chỉ ăn cơm nắm, ngủ ven rừng và đi phát lối mở đường, sức dẻo dai trong con người cô thanh niên xung phong Nguyễn Thị Kim cũng được tôi luyện thêm mỗi ngày…


Gian nan khởi nghiệp

Cuộc đời mỗi người sinh ra không phải đã là nở hoa và dễ dàng có được những thành công. Với bà Kim cũng không ngoại lệ, từ một cô thanh niên xung phong đến một công nhân giao thông (từ năm 1968 đến 1987 nghỉ hưu) đều gắn liền với phát cây, làm đường, thông đường. Dường như bao nhiêu cái gian nan, khổ cực cô gái này cũng từng nếm trải qua. Ngay cả khi trở về với cuộc sống thường ngày, cô thanh niên ngày nào vẫn chưa thoát khỏi cái gian khổ của một người “nghèo” nghề. Ngoài công việc chăn nuôi, trồng trọt nhỏ, bà Kim luôn đau đáu trăn trở tìm một công việc ổn định, giúp gia đình phát triển kinh tế. Bởi ước mơ lớn nhất của bà Kim là được sở hữu những loại hoa Lan quý và hiếm nhất của thiên nhiên nơi núi rừng Tây Bắc. Nhưng một phần vì người chồng bắt đầu đau ốm liên tục cộng với con cái đông đúc, khiến bà luôn rơi vào trạng thái bế tắc, chỉ “kịp” lo cho gia đình “ngày nào hay ngày ấy” mà không thể thành thơi nghĩ ngợi và “vươn xa” làm kinh tế. 

Gần chục năm sau, số phận thoát nghèo tưởng chừng đã đến với gia đình khi bà nhận được một giao dịch làm ăn của một người bà con quê Vĩnh Phúc đó là trồng Lan bán sang nước Pháp. Bà như được chắp thêm đôi cánh để thực hiện ước mơ ấp ủ bấy lâu của mình. Bà gom những giỏ Lan thu thập, tìm kiếm ở những người dân trong vùng, đồng thời tìm tòi học hỏi thêm những kinh nghiệm trồng Lan để phát triển tại nhà. Công việc đang thuận buồn xuôi gió thì chồng bà qua đời. Bà Kim dường như buông xuôi tất cả, phó mặc cho số phận. Ít ai nghĩ rằng bà sẽ vực dậy sau những mất mát và khó khăn gian khổ đã qua, nhưng rồi một lần nữa, bàn tay số phận lại đưa đẩy bà đến với thế giới của loài hoa Lan kỳ diệu. Bà chia sẻ: “Mỗi ngày ở nhà tự mày mò chăm sóc mấy giỏ Lan cho đỡ cô sầu cũng dần làm tôi vơi bớt nỗi nhớ ông ấy. Nhưng có lẽ động lực giúp tôi đi tiếp chính là con cái. Vì hoàn cảnh nghèo khó, đứa lớn cũng phải bươn chải kiếm sống từng ngày để phụ giúp cho gia đình, đứa bé thì non nớt, thơ dại. Bởi vậy, tôi quyết định đứng dậy, khởi động lại nghề trồng Lan của mình”. 

Hoa Lan là loài hoa kiêu sa và khó thích nghi với mọi điều kiện như những loài hoa khác, nếu chỉ nhìn qua thì thấy Lan vô cùng thân thiện với môi trường và dễ chăm sóc. Thực tế đã chứng minh khi bà Kim bắt đầu thu mua những thân Lan đầu tiên về trồng, ban đầu những mầm non của cây hoa có vẻ hưởng ứng với đời sống mới, nhưng chỉ được một thời gian, yếu ớt và chết lịm. Không bỏ cuộc, mỗi năm bà trồng một ít, vừa đi học hỏi thêm kinh nghiệm vừa tự mày mò làm thử nghiệm. Ở bất cứ nơi đâu bà thấy bán Lan là bà tìm đến đó hay vào những phiên chợ vùng cao, người dân mang xuống bà Kim cũng lùng sục mua bằng được mới thôi. Mất gần chục năm trời nữa trôi qua nhưng kỹ thuật trồng hoa Lan của bà vẫn chưa đạt. Chỉ có số ít bám trụ được, còn lại coi như mất trắng…

Và vươn xa thành công…

Trăm phương nghìn cách để tìm ra con đường trồng hoa Lan hiệu quả của người cựu thanh niên xung phong này tưởng rằng có lúc đi vào ngõ cụt thì bà Kim được mọi người giới thiệu cho một loại hoa mới dễ trồng và rất được ưa chuộng trên thị trường. Đó là hoa địa lan, loại cây chỉ cần trồng trong chiếc chậu sành, sứ với nguyên liệu chính là đất với phân trộn. Với bà Kim lúc này, con đường thoát nghèo đang từ từ mở ra. Với số vốn vay được từ Ngân hàng Chính sách là 30 triệu đồng (năm 2007 - 2008) bà đầu tư vào hơn 100 chậu địa lan. Kết quả thật bất ngờ, địa lan đã mang đến cho gia đình bà cơ hội làm giàu “có một không hai”. Cây trồng đến đâu, thích ứng đến đó, người đi qua đường nhìn vườn địa lan trổ hoa của bà cũng không khỏi trầm trồ khen ngợi. Loài cây này được phát triển dần và bà Kim đã có được số vốn không nhỏ từ đó. Điều khiến chúng tôi khâm phục hơn chính là sự kiên trì của người phụ nữ đang tuổi xế chiều này. Cái khát khao cháy bỏng được tự tay ươm những giỏ hoa Lan vẫn âm ỉ trong bà. Cái gì đến sẽ đến, thành công chỉ có được khi ta có ý chí. Lần này, chủ cửa hàng hoa địa lan không những học hỏi các kênh truyền thông thông tin, bà còn tìm đến tận những người có kinh nghiệm trồng lan để lấy kinh nghiệm thực tế. Và những giỏ hoa lan đầu tiên đã phát triển và nở rộ. 

Đến nay, khi bước chân vào ngôi nhà khang trang, không chỉ đằng trước, đằng sau mà trên cả đỉnh đồi thoải thoải của gia đình, Lan, địa lan, hài… được giăng kín với số lượng lên đến hơn 3.000 cây. Những chiếc giàn sắt, lưới bao phủ cùng hệ thống tưới, vòi phun thuốc sâu, thuốc kích thích lên tới hàng trăm triệu đồng được bà đầu tư khá cẩn thận. 80 loại hoa trong vườn có loại đến từ nước Lào, Trung Quốc như tràm hương, Long tu, thạch hộc tía…, có loại ở ngay trên vùng núi của tỉnh ta được bà dày công sưu tầm, nhân rộng thành những thương hiệu nổi tiếng. Giá bán của mỗi loại phụ thuộc vào giá trị của cây hoa, ví như Sơn Thủy tiên có giá khoảng 6 – 7 triệu đồng/chậu; lan tím khoảng 300 - 400 nghìn đồng/giỏ hay tủy từng loài bán theo vòi hoa với giá 200 nghìn/vòi… Hiện nay, thu nhập từ hoa Lan mỗi năm lên tới 100 - 200 triệu đồng. Bà đã trở thành “bà chủ” thương hiệu hoa nổi tiếng không chỉ trong tỉnh và còn lan rộng khắp trong nước. 

“Tuy tuổi đã cao nhưng niềm đam mê và sự kiên trì của bà Nguyễn Thị Kim đáng để mọi người noi theo, học tập. Đây là không chỉ là công việc làm đẹp cho xã hội, giúp bà ổn định cuộc sống, thư giãn tuổi già còn là đầu mối giúp cho nhiều lao động có thêm thu nhập ổn định. Hy vọng thương hiệu hoa của bà sẽ vươn xa, vươn cao hơn trên thị trường trong và ngoài nước”, Lê Thị Thanh Đạm - Chủ tịch Câu lạc bộ Cựu Thanh niên xung phong Thành phố Lai Châu đánh giá./.

Tác giả: Thanh Hiền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 4980 | lượt tải:107

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 4635 | lượt tải:110

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 5621 | lượt tải:158

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 5573 | lượt tải:125

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 6802 | lượt tải:256
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập86
  • Hôm nay25,513
  • Tháng hiện tại473,570
  • Tháng trước668,260
  • Tổng lượt truy cập34,865,656
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down