Nhà giáo Ưu tú Tẩn Mí Khé - người tâm huyết với giáo dục tỉnh nhà
Thứ bảy - 29/11/2014 20:511.0690
"Mình chỉ nghĩ với những tình cảm, sự tâm huyết và trách nhiệm của mình, sẽ tạo nên những nguồn động viên lớn cho các thế hệ giáo viên, học sinh". "Phần thưởng nào cũng quý, nhưng quý hơn là tình yêu thương của các bạn đồng nghiệp và sự yêu mến của các em học sinh".
Hành trình vươn tới những ước mơ
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất cách mạng Tả Phìn (huyện Sìn Hồ), 9 tuổi, em bé có dáng người nhỏ nhắn với cái tên rất lạ - Tẩn Mí Khé rời gia đình, làng bản về học tại trường cấp 1, 2 thị xã Lai Châu (cũ), (tỉnh Điện Biên ngày nay). Kể từ đây, Khé bắt đầu 1 cuộc sống mới, tự lập, bền bỉ vượt qua hoàn cảnh và vươn lên khẳng định mình. Trải qua nhiều môi trường học tập, hết cấp II, dù bố mẹ muốn cô con gái đầu ổn định công việc ở cơ quan Tỉnh hội Phụ nữ Lai Châu nhưng Khé 1 mực không nghe và quyết tâm theo học cho đến hết cấp III và ôn thi vào trường Đại học Pháp lý. Lúc bấy giờ, tỉnh đang cần giáo viên dạy tiếng Nga nên Tẩn Mí Khé được đặc cách sang học khoa tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ (Hà Nội). Với sự chăm chỉ học tập, đề ra và đạt được mục tiêu, chỉ sau 2 năm, Khé không những theo kịp với các bạn trong lớp và là 1 trong 2 sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu được chọn đi học chuyển tiếp ở nước Nga. Năm 1991, Tẩn Mí Khé tốt nghiệp ra trường, được tổ chức phân công dạy bộ môn tiếng Nga, trường cấp III (thị xã Lai Châu (cũ). Năm 1993, nhà trường tiếp tục cử cô Tẩn Mí Khé về trường Đại học Ngoại ngữ đào tạo tiếp 3 năm tiếng Anh. Ra trường, cô được điều động về dạy tại Trường Phổ thông Chuyên ban thành phố Điện Biên phủ. Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách thành 2 tỉnh Điện Biên - Lai Châu, cô giáo Tẩn Mí Khé cùng chồng lên đắp xây cho quê hương mới Lai Châu tại Sở GD - ĐT tỉnh.
Từ một học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, cô Tẩn Mí Khé đã tự vươn lên bằng chính khả năng của mình. Cô thừa hưởng sự cương nghị của bố và tư tưởng tiến bộ của mẹ. Ngày đi học xa nhà, trong cuối mỗi bức thư gửi cho con, bố cô đều viết: "5 chị em con là 5 kho báu của bố. Những gia đình khác có nhiều tiền để cho con, nhưng bố thì chỉ có "chữ" để cho các con nên Người". Và mẹ cô thì nhắc nhở con mỗi lần về thăm nhà: "Mẹ có bộ quần áo đẹp cũng chẳng biết mặc vào lúc nào vì quanh năm chân lấm tay bùn. Con học hành thành đạt, làm cán bộ nhà nước thì lúc nào cũng được mặc quần áo đẹp". Những lời dạy ấy của các bậc sinh thành như ngấm vào tâm khảm, máu thịt khiến mỗi hành động, việc làm của cô trong mọi hoàn cảnh, thời điểm đều hướng đến mục đích cuối cùng: thoát ly sự lam lũ và hướng tới 1 chân trời tri thức. Và đến bây giờ, cả 5 chị em cô đều xứng đáng là những "kho báu", cống hiến tâm sức, trí tuệ cho quê hương, đất nước ở 2 tỉnh Điện Biên, Lai Châu.
Giàu lòng nhân ái
Tôi thực sự xúc động bởi lời kể tràn đầy tình cảm của cô giáo Tẩn Mí Khé. Mỗi kỷ niệm là một nỗi buồn nhưng chính đó là động lực để những người làm quản lý giáo dục như cô nhớ đến, cảm thông, chia sẻ và có trách nhiệm phải "làm một cái gì đó" cho sự nghiệp trồng người vùng cao. "1 ngày mùa đông năm 2009, tôi cùng đoàn cán bộ của Sở GD- ĐT đem những chiếc chăn ấm đến với các em học sinh Trường Tiểu học Tủa Sín Chải (huyện Sìn Hồ). Đây là phần quà được chắt chiu từ những ngày công lao động của các thầy cô giáo trong toàn. Thấp thoáng trong làn sương, những cánh tay lạnh cóng cầm bông hoa luyx (loài hoa đặc trưng của cao nguyên Sìn Hồ) giơ lên. 2 hàng học sinh ở 2 bên đường, từng bàn chân trần run run, trên môi nở nụ cười chào đón... Tôi đã vỡ òa trong sự xúc động và thương cảm. Liệu những chiếc chăn ấm mà đoàn mang đến tặng có làm các em đủ ấm bàn chân trong suốt những ngày đông lạnh đến cắt da, cắt thịt này?" - cô Khé hồi tưởng.
Năm 2013, trong 1 lần đi công tác tại 1 trường học ở xã Pa Ủ (Mường Tè), đến thăm bữa ăn của các em học sinh bán trú, có 1 điều cô không hiểu: tại sao 1 số em được ăn món cá lại đổi lấy món trứng và cho vào 1 cái lọ, nhiều em sở hữu tới 4 - 5 quả? Băn khoăn của cô được "hóa giải" khi 1 em học sinh đứng dậy nói: "Chúng em để dành cuối tuần mang về cho bố mẹ. Ở nhà em nghèo lắm, bố mẹ chẳng bao giờ được ăn trứng". Giọng kể của cô nghẹn lại, tôi thực sự xúc động và cảm phục biết bao những tấm lòng hiếu thảo!
Đó chỉ là 2 trong rất nhiều kỷ niệm mà cô Tẩn Mí Khé đã phải tốn nhiều nước mắt khi nghĩ về. Nhiều lần đi công tác, gặp các em đi làm nương giúp bố mẹ. Được các em tâm sự rằng, nếu các em không nghỉ học ở nhà đi làm thì không có cái gì để ăn. Nhiều em cũng thẳng thắn: Ở bản em có người đi học về nhưng không xin được việc nên em có đi học rồi sau này cũng như các anh chị ấy. Ở vị trí là nhà quản lý giáo dục, khi nghe những lời tâm sự chân thành ấy, cô Tẩn Mí Khé cũng xót xa, trăn trở lắm. Nhưng khó khăn đến từ nhiều phía mà 1 cá nhân không thể lay chuyển được. "Mình chỉ nghĩ với những tình cảm, sự tâm huyết và trách nhiệm của mình, sẽ tạo nên những nguồn động viên lớn cho các thế hệ giáo viên, học sinh".
Khát vọng đổi mới
Được bổ nhiệm vị trí Phó Giám đốc Sở GD - ĐT tỉnh năm 2008, cô Tẩn Mí Khé được Ban Giám đốc giao nhiệm vụ phụ trách 2 ngành học Mầm non và Tiểu học. Ngay sau khi ở vị trí lãnh đạo, cô Khé đã chủ động sang tỉnh Lào Cai học tập chương trình dạy công nghệ giáo dục Tiếng Việt lớp 1. Đây là mô hình học tập mới, phù hợp với giáo dục vùng cao, đặc biệt là đối với các em học sinh dân tộc thiểu số chưa quen nói tiếng phổ thông. Học theo chương trình học tập mới này, sẽ khắc phục được tình trạng nói ngọng, phát âm sai chính tả và chống tái mù ở học sinh lớp 1. Tuy nhiên, "mới" thường đi đôi với "khó", thời gian đầu, việc triển khai mô hình gặp phải nhiều phản ứng trái chiều của giáo viên. Nhưng với sự quyết tâm, chỉ đạo nghiêm túc, chỉ hết học kỳ I, học sinh đã có thể đọc thông, viết thạo. Năm học 2014 - 2015 mô hình đưa vào giảng dạy tại 421 đơn vị trường Tiểu học trong toàn tỉnh với tổng số 70% học sinh lớp 1.
Trăn trở, suy nghĩ nhiều cho ngành giáo dục tỉnh nhà, trong mỗi chuyến công tác đến các tỉnh bạn, đồng chí Tẩn Mí Khé đều nêu cao tinh thần khiêm tốn học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để về triển khai tại địa phương. Mô hình trường học mới (áp dụng từ lớp 2 - 5) đã đạt được nhiều kết quả khích lệ sau 3 năm thực hiện cũng có công đóng góp rất lớn của đồng chí Khé. "Quan trọng là ý chí và lòng quyết tâm. Tôi sẽ làm được nếu tôi "muốn" làm" - cô Khé nhấn mạnh.
Hơn 20 năm gắn bó, cống hiến cho ngành giáo dục, cô Tẩn Mí Khé đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen của Đảng, Nhà nước trao tặng. Mới đây, cô còn được công nhận danh hiệu cao quý: Nhà giáo ưu tú và Huân chương Lao động của Chủ tịch nước. Cô nói: "Phần thưởng nào đối với tôi cũng quý, nhưng quý hơn là tình yêu thương của các bạn đồng nghiệp và sự yêu mến của các em học sinh"./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế