Nữ bác sĩ tâm huyết với công tác y tế dự phòng vùng cao
Thứ năm - 09/04/2015 21:421.0470
“Những năm trước chia tách tỉnh, có lẽ chưa có một xã nào của huyện Phong Thổ cũ mà tôi chưa đặt chân tới” - Đó là chia sẻ của chị Trần Thị Liên, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh. Chính vì vậy mà đồng nghiệp thường gọi vui chị với cái tên Người phụ nữ của công tác y tế dự phòng vùng cao.
Sinh năm 1965, quê gốc tại Hưng Hà, Thái Bình, chị cùng gia đình lên xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên từ những năm 1967. Với khả năng học tốt môn sinh học, chị đã được gia đình động viên lựa chọn ngành Y. Và cái duyên Y tế Dự phòng đã chọn chị bởi lẽ sau 24 năm công tác và trải qua rất nhiều nhiệm vụ được phân công, cuối cùng chị vẫn gắn bó với Y tế dự phòng.
Chị chia sẻ với chúng tôi: “Nói đến y tế vùng cao ai cũng hiểu được khó khăn của những người thầy thuốc, nhưng với những người làm công tác y tế dự phòng thì nỗi vất vả ấy lại càng nhân lên bởi không chỉ phải “bám, nắm” cơ sở, gắn liền với làng bản vùng sâu, vùng xa, với bà con các dân tộc thiểu số, mà mỗi khi có dịch bệnh xảy ra thì dù ở đâu, bất kể thời điểm nào, thì chúng tôi lại lên đường thực hiện nhiệm vụ của mình”.
Nhớ lại chuyến đi Sì Lở Lầu vào năm 1997. Đó là chuyến công tác để chị vừa nắm bắt tình hình triển khai của anh em tại cơ sở, đồng thời kiểm tra về công tác y tế dự phòng tại địa phương. Ngày ấy, đường xá đi lại rất khó khăn, để đến được phòng khám xã Dào San, đoàn công tác phải đi từ ngày hôm trước. Sau đó đi bộ theo đường mòn từ xã Dào San tới trung tâm xã Sì Lở Lầu bắt đầu từ 6 giờ sáng mà đến 6 giờ tối mới tới nơi. 13 tiếng đồng hồ đi bộ với một người phụ nữ quả một điều đáng khâm phục. Vì vậy mà vừa tới nơi, bác Bí thư xã Sì Lở Lầu người dân tộc Mông phải thốt lên rằng: “Hôm nay được gặp lãnh đạo Trung tâm y tế tôi rất cảm động bởi đây là lần đầu tiên thấy có một nữ lãnh đạo vào được đến trung tâm xã”. Buổi tối hôm đó, gian phòng nhỏ của Trạm y tế xã đông chật kín người mà chủ yếu là cán bộ chiến sỹ đồn biên phòng đến thăm hỏi, động viên, bởi lẽ hiếm có người phụ nữ nào đủ can đảm, đủ bản lĩnh đến thế.
“Nhiều người gàn tôi là phụ nữ không đi được, nhưng bản thân lại nghĩ đàn ông mà đi được thì phụ nữ tại sao lại không. Vào đến nơi được bác Bí thư xã cùng anh chị em động viên, tôi lại lấy đó làm động lực cho những chuyến đi tiếp theo” - Chị Liên chia sẻ.
Gian nan là vậy nhưng chị và các đồng nghiệp vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc, cũng bởi công việc ấy mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều người. Các cháu nhỏ ít bị ốm hơn, bản làng bớt dịch bệnh hơn, môi trường và điều kiện sống của bà con mình ngày càng sạch sẽ, an toàn hơn.
Năm 1998, huyện Phong Thổ được Chính phủ chọn là một trong 58 huyện điểm trong cả nước triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vác xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi phòng chống dịch sởi. Chị đã đến tận nơi những xã biên giới khó khăn nhất để chỉ đạo chiến dịch và chị lại cùng Bí thư xã đến từng nhà, đặc biệt là những gia đình đông con, hiểu biết còn hạn chế.
Chị kể, những năm 1996, 1997, dịch sởi xảy ra trên địa bàn huyện Phong Thổ, đặc biệt là các xã biên giới tương đối lớn và phức tạp, số ca mắc cao và số ca tử vong cũng rất cao. Vì vậy mà chúng tôi phải đi đến từng nhà để xem thực trạng và động viên người dân đưa con đi tiêm phòng. Tôi nhớ nhất là lần đến xã Tung Qua Lìn và được đi với bác Lùng Bí thư xã. Có gia đình 1 mẹ mà tới 4 người con, đứa nào, đứa ấy đều xếp vào loại suy dinh dưỡng cao, lại không hợp tác với y bác sĩ, không chịu đi tiêm phòng, cán bộ y tế đến thì đóng cửa không tiếp. Nhưng bằng nghiệp vụ của mình, tôi đã tìm đến gặp, động viên, thuyết phục. Sau lần gặp đó, người mẹ trẻ đã tự giác đưa con đi tiêm phòng đầy đủ.
Anh Phạm Thanh Ngọc, đồng nghiệp nhận xét: Được công tác với chị Liên đến nay là 21 năm tôi nhận thấy chị là một cán bộ nữ có tinh thần, trách nhiệm cao, năng động trong công tác. Dù ở cương vị nào chị cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Với cương vị quản lý, chị luôn phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, viên chức trong đơn vị, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường của từng người; chỉ đạo mọi hoạt động trên nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, phát huy sức mạnh tập thể trong việc triển khai nhiệm vụ của cơ quan. Không chỉ vậy, chị thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm của anh em đồng nghiệp. Chị còn là người rất sâu sát với công việc, thường xuyên đi cơ sở nắm bắt tình hình và chỉ đạo sát sao. Mỗi nơi chị đến đều được hướng dẫn rất tỉ mỉ, giúp anh em vỡ vạc được nhiều điều. Nhờ thái độ đúng mực và trách nhiệm trong công việc nên chị luôn nhận được sự tôn trọng và yêu mến của anh em trong đơn vị.
Đồng nghiệp nhận xét là vậy, nhưng chị vẫn luôn nhận mình là người nghiêm khắc trong công việc. Bởi theo chị anh em muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ thì phải nghiêm khắc với chính bản thân mình. Có lẽ nhờ sự nghiêm khắc của chị mà trong những năm qua, đơn vị do chị quản lý luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh khá ổn định, các vụ dịch giảm rõ rệt qua từng năm, không có dịch lớn xảy ra, hàng năm tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm giảm dần. Chương trình tiêm chủng mở rộng, Nước sạch vệ sinh môi trường, Chương trình Hành động Quốc gia phòng chống suy dinh dưỡng, Công tác xét nghiệm, công tác Y tế lao động, hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Chia tay chị mà tôi cứ thầm mong ngày càng có nhiều bác sĩ tâm huyết, yêu nghề như chị đến với vùng cao, gắn bó với công tác Y tế dự phòng, để công tác chăm sóc sức khỏe cho bà con nhân dân ở các bản làng vùng sâu, vùng xa của tỉnh nhà ngày một tốt hơn./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế