Lai Châu: Xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới
Thứ tư - 28/03/2018 04:311.4040
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đạt được những kết quả tích cực.
Bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 11/11/2008 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới; lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, học tập, tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức phong phú: hội nghị báo cáo viên các cấp, trên các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt câu lạc bộ văn học, nghệ thuật (100% các chi, đảng bộ trong toàn tỉnh đã triển khai, quán triệt, học tập với trên 97% lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và quần chúng Nhân dân tham gia học tập), góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên, đội ngũ văn nghệ sỹ và Nhân dân các dân tộc về vai trò quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Quan tâm đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất, bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, thôn bản, tổ dân phố và một số thiết chế văn hóa khác phục vụ đời sống tinh thần của Nhân dân (đến nay toàn tỉnh có 75 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, đạt 69%; 625 nhà văn hóa thôn, bản, khu phố, đạt 53,6%; 05 sân vận động, 97 nhà luyện tập thể thao, 19 sân quần vợt, 17 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo; 01 nhà bảo tàng tỉnh; 01 thư viện tỉnh, 06 thư viện cấp huyện); quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật (tỉnh có 02 công trình văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu: Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc tỉnh Lai Châu, biểu tượng văn hóa Lai Châu). Thường xuyên kiện toàn, bổ sung, quy hoạch đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, nghệ thuật đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định và có tính kế thừa, chú trọng lựa chọn, bố trí cán bộ trẻ, có năng khiếu và được đào tạo cơ bản về chuyên môn (trong số 112 hội viên được kết nạp mới, trình độ chuyên môn: đại học: 65 hội viên, cao đẳng: 16, trung cấp: 19); trình độ lý luận chính trị: cao cấp: 12, trung cấp: 16, sơ cấp: 8; đảng viên: 70).
Thường xuyên sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách đãi ngộ, chế độ nhuận bút, thù lao, hỗ trợ hội viên, cộng tác viên trong sáng tác văn học, biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ sĩ cao tuổi, các nghệ nhân, những người có nhiều cống hiến, đóng góp cho hoạt động văn học, nghệ thuật của địa phương nhằm khuyến khích, động viên kịp thời các văn nghệ sỹ tích cực sáng tác, thể nghiệm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của mỗi người dân trong tham gia hỗ trợ, cung cấp tư liệu cho hội viên văn học, nghệ thuật sáng tác; khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động văn học, nghệ thuật (từ năm 2008-nay tổ chức 2 đợt “Giải thưởng Văn học, nghệ thuật Lai Châu”: Lần I, năm 2012 có 30 tác phẩm đạt giải; Lần II, năm 2017 có 41 tác phẩm đạt giải; đăng cai tổ chức Liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2009, Triển lãm mỹ thuật khu vực II Tây Bắc-Việt Bắc lần thứ 21 năm 2016).
Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và bố trí nguồn kinh phí để thực hiện; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng tư tưởng chính trị đối với hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật. Hằng năm Tỉnh ủy, các huyện ủy, thành ủy tổ chức gặp mặt các văn nghệ sỹ nhân dịp đầu xuân năm mới để động viên, khuyến khích; cử cán bộ tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ văn hóa, văn nghệ do Trung ương, tỉnh tổ chức (từ 2008-2017, tổ chức 62 lớp tập huấn, bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ kết hợp với thực tế sáng tác cho 1.186 lượt hội viên; tổ chức 10 trại sáng tác với 266 lượt văn nghệ sĩ tham gia).
Hoạt động nghệ thuật góp phần xây dựng, củng cố nền tảng tinh thần của xã hội
Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về văn học, nghệ thuật nhất là công tác định hướng, thẩm định nội dung các chương trình văn hóa, văn nghệ phục vụ các sự kiện kỷ niệm, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, địa phương; kiểm duyệt, thẩm định nội dung các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật tham gia xét hỗ trợ hoàn thiện, in ấn và tham gia xét “Giải thưởng văn học-nghệ thuật Lai Châu”; quản lý, duy trì hoạt động của các chi hội văn học-nghệ thuật, các chi hội chuyên ngành theo chức năng gắn với tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương; tạo điều kiện cho các tác giả, tác phẩm tham gia triển lãm khu vực và toàn quốc.
Quan tâm củng cố, phát triển đội ngũ văn nghệ sỹ (hiện toàn tỉnh có 192 hội viên hoạt động trong lĩnh vực sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn học, nghệ thuật), đã có nhiều tác phẩm âm nhạc, hàng nghìn bức ảnh trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, được sử dụng đăng tải trên các báo, tạp chí địa phương, Trung ương, triển lãm khu vực và toàn quốc (từ năm 2009-2017, có 25 tác phẩm của 11 tác giả thuộc các thể loại văn học, nhiếp ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, văn nghệ dân gian đạt giải tại khu vực, bộ, ngành, hội trung ương); kịp thời đề nghị Trung ương xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân (tỉnh có 04 nghệ nhân được công nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú, trong đó có 01 nghệ nhân được phong tặng); chú trọng xây dựng, phát triển đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở nhằm lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân (toàn tỉnh có 787 đội văn nghệ quần chúng ở các thôn, bản, khu phố, trong đó trên 80% đội văn nghệ quần chúng được hỗ trợ kinh phí hoạt động 2 triệu đồng/năm).
Chú trọng công tác củng cố, kiện toàn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý hội văn học-nghệ thuật các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới (hiện nay Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh có 13 chi hội trực thuộc, trong đó 07 chi hội cấp huyện, 04 chi hội chuyên ngành Trung ương và 02 chi hội chuyên ngành địa phương; 05 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian). Đẩy mạnh việc bảo tồn, phổ biến, giới thiệu văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc; tổ chức 07 lớp truyền dạy dân ca, 04 lớp truyền dạy trò chơi dân gian và hát đồng dao, 03 lớp truyền dạy cách sử dụng nhạc cụ; triển khai thực hiện 02 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mảng tỉnh Lai Châu”, “Nghiên cứu, giữ gìn và phát huy truyền thồng văn hóa góp phần hạn chế ảnh hưởng tuyên truyền đạo trái pháp luật vào cộng đồng dân tộc Dao ở tỉnh Lai Châu”. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án của Chính phủ về hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các hội văn học-nghệ thuật địa phương (từ năm 2018-2017: có 270 tác phẩm, công trình của 231 tác giả được hỗ trợ hoàn thiện; 56 tác phẩm, công trình của 56 tác giả được hỗ trợ in ấn, xuất bản).
Tuy nhiên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện một số mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết 23-NQ/TW của một số cấp ủy chưa thực sự được quan tâm thường xuyên, chất lượng, hiệu quả có mặt còn hạn chế; công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng còn ít; sự quan tâm hỗ trợ, động viên các nghệ nhân, văn nghệ sỹ của một số địa phương và cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật ở cơ sở còn thiếu; một số giá trị văn hóa, nghệ thuật dân gian đang bị mai một, thất truyền; một số cán bộ lãnh đạo, quản lý, tham mưu trên lĩnh vực văn nghệ chưa đáp ứng yêu cầu; hoạt động lý luận, phê bình, sáng tác văn học, nghệ thuật vẫn còn nhiều hạn chế.
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên cần phải thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp như: Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành chức năng đưa nhiệm vụ phát triển văn hoá, văn học, nghệ thuật thành các chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương hằng năm. Đổi mới cơ chế, chính sách, tăng kinh phí đầu tư cho văn học, nghệ thuật, xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật; có cơ chế thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình văn học, nghệ thuật dân gian. Tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý về văn học, nghệ thuật; bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, đặc trưng của văn học, nghệ thuật cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của hội văn học-nghệ thuật các cấp; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ văn nghệ sỹ; quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng những người có năng khiếu, tài năng sáng tạo văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ cao tuổi có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, trao truyền cho đội ngũ trẻ kế cận. Xây dựng và phát triển các phong trào văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy văn học, nghệ truyền thống của dân tộc; tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi, hội thảo, triển lãm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật dân gian, giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiếu số; tăng cường giới thiệu, công bố, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có chất lượng cao tới công chúng./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế