Trên cơ sở kết quả kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và hạn chế, yếu kém trong từng lĩnh vực của quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã thống nhất đánh giá: Thứ nhất, khẳng định đã thực hiện được mục tiêu cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển: Tổng thu nhập tính theo đầu người của tỉnh (GRDP/người) tăng từ 8 triệu đồng năm 2010 lên hơn 18 triệu đồng năm 2015, vượt ngưỡng thu nhập thấp từ 750 USD trở xuống (16,5 triệu đồng Việt Nam theo tỷ giá của thời điểm hiện tại) theo Chương trình phát triển Liên Hợp quốc - UNDP. Chỉ số phát triển con người của tỉnh được nâng lên đáng kể nhờ cải thiện thu nhập, đặc biệt là những tiến bộ rõ nét trong phát triển văn hóa - xã hội: Giữ vững phổ cập giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở, hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, lĩnh vực đào tạo, dạy nghề phát triển, giảm tỷ lệ mù chữ; hệ thống y tế phát triển nhanh, chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được nâng lên, góp phần nâng cao thể trạng và tuổi thọ con người; các hoạt động văn hóa, thông tin từng bước đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất của Nhân dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông, điện, thủy lợi, nước sinh hoạt, các công trình văn hóa - xã hội, thương mại, du lịch... được quan tâm đầu tư; 100% xã có đường ô tô, điện lưới quốc gia đến trung tâm xã; 87% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, 75% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh... Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ trên 46% năm 2010 xuống còn 20,9% năm 2015.
Thứ hai, Đại hội cũng thẳng thắn nhìn nhận và kiểm điểm sâu sắc những hạn chế, yếu kém: “Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế phát triển chưa bền vững, quy mô nhỏ, hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ. Văn hóa - xã hội có mặt phát triển chậm; đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những nhân tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng có mặt còn hạn chế. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số nơi, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu; nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội có đổi mới nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu”.
Trong điều kiện đó, Đại hội đã đưa ra dự báo về những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới trong quá trình phát triển của tỉnh cho nhiệm kỳ 2015 - 2020 để quyết định cho mục tiêu và nhiệm vụ phát triển.
Về thời cơ thuận lợi: Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 được Chính phủ phê duyệt, các quy hoạch ngành, lĩnh vực đã cơ bản hoàn thành là cơ sở quan trọng cho đầu tư phát triển. Những thành tựu sau 12 năm xây dựng và phát triển đã tạo thế và lực mới cho tỉnh. Đầu tư xây dựng các công trình thủy điện; phát triển, khai thác chế biến cao su, chè phát huy hiệu quả; các tuyến giao thông từ Hà Nội lên Tây Bắc tiếp tục được đầu tư, tạo thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội giữa Lai Châu với các tỉnh trong vùng và cả nước. Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh có truyền thống đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức để xây dựng Lai Châu phát triển.
Về khó khăn, thách thức: Lai Châu vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn. Chất lượng tăng trưởng kinh tế và tích lũy nội bộ của nền kinh tế thấp, quy mô nền kinh tế nhỏ; công nghiệp, dịch vụ chưa phát triển. Hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đồng bộ, xa các trung tâm kinh tế lớn, giao thông khó khăn. Cùng với khó khăn của tỉnh vùng cao, biên giới, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thấp; một bộ phận cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ; cải cách hành chính có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương, cơ sở tiềm ẩn những nhân tố mất ổn định... là những yếu tố khó khăn, thách thức, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ là lực cản cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Một góc thành phố Lai Châu
Thông qua việc kiểm điểm, đánh giá và đúc kết một cách nghiêm túc, khoa học; đưa ra những dự báo và bám sát điều kiện thực tiễn của tỉnh, Đại hội đã nhất trí cao với chủ đề của Báo cáo chính trị và cũng là chủ đề của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Chủ đề Đại hội gồm 66 từ, là sự thể hiện khái quát nhất tinh thần cốt lõi của Nghị quyết Đại hội, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc Lai Châu từ nay cho đến năm 2020 và những năm tiếp theo. So với chủ đề của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, chủ đề Đại hội lần này có những thành tố mới: Trong phát triển kinh tế, nhiệm kỳ này Đảng bộ xác định trọng tâm là “đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn”; trong “nâng cao dân trí” được xác định là “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”; đặc biệt có thành tố mới lần đầu tiên được khẳng định dựa trên những thành tựu 30 năm đổi mới cùng đất nước, 12 năm chia tách, thành lập tỉnh là “phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”./.
Bài 2: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ