Lai Châu sau 5 năm thực hiện Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới
Thứ năm - 11/08/2016 03:556130
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Lai Châu đến năm 2020, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đã đạt được kết quả rõ nét, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, bộ mặt nông thôn từng bước được đổi mới.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 12/10/2011 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo được sự đồng thuận cao và tích cực hưởng ứng của người dân; Chương trình xây dựng nông thôn mới đã có tác động làm chuyển biến tập quán canh tác của người dân. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường trục bản, ngõ bản và đường sản xuất; bộ mặt vùng nông thôn đã có nhiều đổi mới; công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn được quan tâm thực hiện; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 9,22 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm xuống còn 22,95%; bản sắc văn hoá dân tộc được bảo tồn và phát huy; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố, an ninh trật tự được giữ vững, vai trò lãnh đạo của Đảng ở khu vực nông thôn được tăng cường. Thông qua Chương trình đã xuất hiện phong trào với nhiều điển hình tiên tiến cả ở cấp huyện, cấp xã, thôn, bản, các hộ nông dân (chủ thể của phong trào) và trên nhiều lĩnh vực (sản xuất, xây dựng hạ tầng, xây dựng nếp sống văn hóa…) đã và đang lan tỏa ngày càng sâu rộng; đạt kết quả bước đầu rõ nét, đem lại hiệu quả thiết thực cho nông dân và phong trào xây dựng nông thôn mới; là tiền đề và kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Thực hiện theo Bộ tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới: Trước thời điểm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh chưa có xã đạt các tiêu chí về: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ cấu lao động, môi trường; các tiêu chí đạt như: Thủy lợi có 33 xã, điện có 15 xã, chợ nông thôn có 6 xã, bưu điện có 20 xã, nhà ở dân cư có 2 xã, thu nhập có 4 xã, hộ nghèo có 1 xã, hình thức tổ chức sản xuất có 17 xã, giáo dục có 13 xã, y tế có 54 xã, văn hóa có 1 xã, hệ thống tổ chức chính trị có 28 xã, an ninh trật tự xã hội có 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau 05 năm thực hiện Nghị quyết, toàn tỉnh đạt bình quân 11,08 tiêu chí/xã, tăng 8,12 tiêu chí so với năm 2011; 15 xã đạt 19 tiêu chí (02 xã hoàn thành năm 2014), đạt 100% Nghị quyết đề ra, 5 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 33 xã đạt 10 - 14 tiêu chí, 43 xã đạt 5 - 9 tiêu chí, không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí. Các tiêu chí đã đạt: Quy hoạch chung 96/96 xã, giao thông 22/96 xã, thủy lợi có 65/96 xã, điện có 52/96 xã, trường học 27/96 xã, chợ nông thôn 89/96 xã, bưu điện 79/96 xã, nhà ở dân cư 24/96 xã, thu nhập 45/96 xã, hộ nghèo 25/96 xã, cơ cấu lao động 92/96 xã, hình thức tổ chức sản xuất 95/96 xã, giáo dục 83/96 xã, y tế 46/96 xã, văn hóa 65/96 xã, môi trường 15/96 xã, hệ thống tổ chức chính trị 49/96 xã, an ninh trật tự xã hội 81/96 xã.
Tuy nhiên, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Công tác phối hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể trong việc tuyên truyền, tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới có lúc, có nơi chưa đồng bộ, thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng, chính quyền cấp cơ sở còn hạn chế, nhất là việc cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Phong trào xây dựng nông thôn mới chưa đồng đều, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội nông thôn còn tiềm ẩn nhân tố mất ổn định; đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của người nông dân ở một số nơi còn khó khăn, hủ tục còn nặng nề, tập quán sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng còn lạc hậu.
Nguồn vốn thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng yêu cầu; việc huy động đóng góp từ doanh nghiệp và người dân còn nhiều khó khăn; công tác lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, chưa thực sự phát huy được các nguồn lực đầu tư.
Nguyên nhân của hạn chế xuất phát từ điều kiện tự nhiên không thuận lợi, giao thông đi lại khó khăn, một số nơi thiếu đất sản xuất, hiệu quả sản xuất thấp, biến đổi khí hậu và các dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của Nhân dân, nhất là người nghèo; cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội tuy đã được cải thiện nhưng còn thiếu và chưa đồng bộ. Công tác xây dựng nông thôn mới với khối lượng công việc lớn, liên quan đến nhiều lĩnh vực, phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm; mặt khác, hệ thống văn bản hướng dẫn của các cấp chưa đồng bộ, kịp thời, một số nội dung chưa thống nhất, một số tiêu chí chưa phù hợp với thực tế của địa phương, nên quá trình chỉ đạo, điều hành, thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng và kéo dài thời gian.
Cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và Nhân dân một số nơi nhận thức, trách nhiệm trong xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước, chưa chủ động tự vươn lên thoát nghèo và phát huy vai trò "chủ thể" của người dân. Chưa có nhiều giải pháp huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình; nguồn vốn chủ yếu là lồng ghép từ các chương trình, dự án trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức, tập thể, cá nhân được giao nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo, điều hành, triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức. Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng nông thôn mới đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xác định, trong thời gian tới Tỉnh uỷ sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp: Ban hành Nghị quyết của Tỉnh uỷ về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; HĐND, UBND tỉnh ban hành nghị quyết, kế hoạch để chỉ đạo thực hiện. Cấp uỷ, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, huy động có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cho phát triển sản xuất, bảo đảm sinh kế cho người dân; phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu như: giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, thủy lợi, nước sinh hoạt, điện, môi trường.
Trên cơ sở quy hoạch tổng thể, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với thực tiễn của địa phương; đẩy mạnh phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành sản phẩm hàng hóa chủ lực cho từng xã, từng thôn, bản gắn với việc xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm; tiếp tục đổi mới phát triển các loại hình kinh tế tập thể, kinh tế trang trại trong nông thôn; làm tốt công tác trợ giúp kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, các dịch vụ đầu vào, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng nông thôn mới ở các xã có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới cần tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, các xã đã đạt nhiều tiêu chí cần tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành.
Hoàn thiện và duy trì chuẩn hoá các trường trên địa bàn nông thôn; tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát nâng cao chất lượng giáo dục. Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh; tích cực tuyên truyền, vận động nông dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Phát triển văn hoá cộng đồng, xây dựng cộng đồng đoàn kết, không có tệ nạn xã hội, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc; xây dựng và phát triển đời sống văn hoá cơ sở; nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá ở nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc. Thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ cho người nghèo về tín dụng, y tế, giáo dục, khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Chú trọng củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chuẩn hóa cán bộ, công chức xã; xây dựng tổ chức đoàn thể thôn, bản hoạt động hiệu quả, tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Rà soát, bổ sung quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình. Giữ vững an ninh nông thôn, quản lý chặt chẽ hoạt động tín ngưỡng tôn giáo; tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng và quản lý của chính quyền cơ sở. Thực hiện tốt phong trào thi đua “Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới”, nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế