Methadone là chất thay thế được sử dụng trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện ở Việt Nam từ năm 2008. Methadone được sử dụng hoàn toàn qua đường uống, làm giảm thèm muốn và khóa tác động của hê-rô-in từ từ nên được coi là giải pháp an toàn cho sức khỏe của người nghiện, giúp điều trị hiệu quả, đồng thời giảm nguy cơ lây nhiễm HIV, viêm gan B, C. Đến nay, cả nước có 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai điều trị Methadone cho 21.613 người nghiện chất dạng thuốc phiện, và mới chỉ đạt 27% so với mục tiêu điều trị cho 80.000 người vào cuối năm 2015 của Chính phủ.
Lai Châu triển khai dự án điều trị bằng Methadone từ tháng 9/2013, tuy muộn hơn so với các tỉnh thành trong cả nước, song liệu pháp điều trị này đang mở ra cơ hội nâng cao chất lượng sống cho những người nghiện. Trong hơn một năm qua, toàn tỉnh đã và đang xây dựng 06 cơ sở điều trị Methadone và 17 điểm cấp phát thuốc, trong đó có những điểm thuộc vùng sâu, vùng xa như: Sin Súi Hồ, Huổi Luông (Phong Thổ); Khun Há (Tam Đường); Lê Lợi (Nậm Nhùn); Ka Lăng (Mường Tè)... Điều trị bằng thuốc Methadone cho 648 lượt người, vượt chỉ tiêu bệnh nhân được điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone năm 2014 theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg, ngày 20/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua tìm hiểu cho thấy, phần lớn người bệnh ở tỉnh điều trị bằng Methadone là người nghiện ma túy lâu năm, từng cai nghiện ma túy nhiều lần mà không thành công. Sau giai đoạn dò liều, bác sĩ chuyển người bệnh sang giai đoạn điều trị duy trì. Đến nay, nhiều người đã từ bỏ được ma túy và duy trì uống Methadone; hơn 90% số người bệnh có phản ứng âm tính với ma túy, trong đó có đến 70% số người có việc làm; người bệnh hồi phục sức khỏe và tinh thần ngày càng thoải mái và có nhiều cải thiện trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay số người nghiện ma túy của toàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, với 3.830 người, chiếm 0,9% dân số của tỉnh. Chất lượng cuộc sống của đa số người nghiện là rất thấp và nguy cơ lây nhiễm HIV cao. Tính đến tháng 10/2014 phát hiện thêm 295 ca nhiễm HIV nâng tổng số lũy tích người nhiễm HIV toàn tỉnh lên 3.137 người, trong đó còn sống và được quản lý 1.724 người. Mặt khác, chỉ tiêu Chính phủ giao cho tỉnh năm 2015 là điều trị cho trên 1.500 bệnh nhân, đây là số lượng lớn đòi hỏi toàn xã hội và ngành Y tế phải hết sức nỗ lực. Hơn nữa, theo cam kết, nguồn tài trợ này sẽ chấm dứt sau năm 2015, nghĩa là nguồn kinh phí cho chương trình sẽ giảm, nếu chúng ta không thực hiện kịp thời, để từng bước tiến tới xã hội hóa thì kế hoạch loại trừ tệ nạn ma túy ra khỏi xã hội sẽ tiếp tục gắp rất nhiều khó khăn.
Cơ sở phát thuốc Methadone xã Huổi Luông (Phong Thổ)
Vì vậy, Chỉ thị 32/CT-TTg, ngày 31/10/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1668/UBND-VX, ngày 05/11/2014 của Ủy ban Nhân dân tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành triển khai nghiêm túc, khẩn trương điều trị thay thế theo quy định tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP và Nghị quyết số 74/NQ-CP, ngày 04/10/2014 của Chính phủ: Khẩn trương rà soát, cập nhật số lượng người nghiện dạng chất thuốc phiện thực tế tại địa phương; trên cơ sở số lượng người nghiện chất dạng thuốc phiện thực tế, xây dựng kế hoạch, đảm bảo cân đối, lồng ghép triệt để cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí, chương trình để triển khai các cơ sở, điểm cấp phát thuốc điều trị bằng Methadone trên địa bàn tỉnh năm 2014-2015 đạt chỉ tiêu của Thủ tướng Chính phủ giao. Các cơ sở Methadone đã được thành lập đẩy nhanh việc tiếp nhận, điều trị bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế.
Lồng ghép hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện tại các Trung tâm Chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội các huyện, thành phố; thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma tuý của tỉnh trên cơ sở hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan; thực hiện đồng bộ các hoạt động tư vấn tâm lý, nâng cao sức khoẻ, giáo dục kỹ năng sống, học nghề và tư vấn nghề nghiệp, tạo việc làm phù hợp giúp bệnh nhân tham gia điều trị ổn định tâm lý, dự phòng tái nghiện ma tuý.
Thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhanh chóng xác nhận đơn đề nghị tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho người có nhu cầu; chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc xét chọn bệnh nhân tham gia điều trị thay thế theo quy định tại Nghị định 96/2012/NĐ-CP, bảo đảm khách quan, minh bạch, giảm thời gian chờ đợi.
Pano tuyên truyền trực quan tại các cơ sở
điều trị Methadone
Tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone đến mọi tầng lớp Nhân dân đặc biệt là nhóm đối tượng là người nghiện ma tuý và gia đình họ để tham gia chương trình điều trị. Các phương tiện thông tin đại chúng cần đổi mới phương thức truyền thông, lấy phòng ngừa là chính; tập trung vào các đối tượng có hành vi nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp truyền thông về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động tham gia và tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan để tuyên truyền, vận động người nghiện và gia đình đưa người nghiện điều trị thay thế bằng Methadone.
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone giải quyết được vấn đề kinh tế cho người nghiện và gia đình người nghiện nói riêng, các vấn đề cho xã hội nói chung. Ước tính, thay vì tốn 300 nghìn đồng/ngày để mua hê-rô-in, người nghiện chỉ cần đang ký và đến các cơ sở điều trị, điểm cấp thuốc trên địa bàn để uống thuốc hằng ngày nhằm cắt cơn nghiện. Như vậy, điều trị bằng Methadone thực sự là một mũi tên trúng nhiều đích: Vừa hạn chế tình trạng lây nhiễm HIV, giúp người nghiện từ bỏ dần ma túy, vừa nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm chi phí và gánh nặng cho gia đình cũng như giảm nguy cơ phạm pháp, ổn định trật tự an ninh xã hội.../.