Thi đua yêu nước có vai trò động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy họ vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.
Thi đua yêu nước thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người, mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho cách mạng nước nhà. Thi đua yêu nước là động lực khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tạo ra hoạt động tự giác, biến những điều tưởng chừng không thể làm được trở thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chủ tịch đã nói: Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người.
Thi đua là trường học phổ biến kinh nghiệm, làm xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sỹ, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong toàn quốc, có tác động nêu gương, thúc đẩy nhiệt tình cách mạng của quần chúng, có sức mạnh cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên, cải tạo con người. Các phong trào ấy đã đi vào lịch sử với niềm tự hào vô hạn, trở thành trường học cách mạng sống động, rèn luyện và đào tạo ra những con người xứng đáng là lực lượng anh hùng trong thời đại anh hùng.
Thi đua yêu nước góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Các phong trào thi đua yêu nước khơi dậy ý thức tự giác, tích cực của mọi người, là động lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn.
Phong trào thi đua yêu nước là hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; cải tiến kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất; hướng quần chúng hành động theo đúng định hướng nhằm đạt các mục tiêu đề ra.Thi đua yêu nước nhằm bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc ta và làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.
Các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua không chỉ góp phần rất quan trọng thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị - xã hội của đất nước, làm thay đổi bộ mặt đất nước mà còn nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng đạo đức, nếp sống mới, đề cao phẩm chất con người mới.
Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu sẽ được tổ chức vào ngày 10/8/2015 tại Trung tâm Hội nghị văn hóa tỉnh, với 500 đại biểu tiêu biểu đại diện cho các phong trào thi đua yêu nước trong toàn tỉnh về dự Đại hội.
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ được tổ chức vào quý IV năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội; diễn ra trong 2 ngày, dự kiến có khoảng 2000 đại biểu, trong đó có 1800 đại biểu chính thức và 200 đại biểu khách mời.
Mục đích, ý nghĩa của Đại hội thi đua yêu nước của tỉnh và của toàn quốc lần này là đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016-2020. Biểu dương kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực trong 5 năm qua. Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sĩ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc; qua đó, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới góp phần tổ chức thành công Đại hội XII Đảng bộ tỉnh; Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; nâng cao chất lượng các phong thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Xây dựng nông thôn mới”. Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Không khí làm việc, thi đua sôi nổi của công nhân trên Công trình
thủy điện Lai Châu phấn đấu vượt tiến độ, chuẩn bị phát điện
Tổ máy số 1 vào cuối năm 2015
Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ IV, hướng tới Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IX diễn ra đúng vào dịp Kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2015); toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thi đua lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Hòa chung niềm tự hào to lớn, chúng ta càng hiểu rõ hơn giá trị, lợi ích của thi đua yêu nước; nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa, vai trò của thi đua, yêu nước vì sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh Lai Châu; vì sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.