Phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực kinh tế phát triển mạnh, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Tiểu biểu như các phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Thi đua thâm canh, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi”; “Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo”; “Chung tay xây dựng nông thôn mới”... Các phong trào này không ngừng được nhân rộng, xuất hiện nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân, đảm bảo an ninh lương thực, từng bước cung cấp hàng hóa nông sản ra thị trường. Trên lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có các phong trào tiêu biểu như: “Thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “năng suất, chất lượng, hiệu quả và đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động”; “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật...”, thu hút được đông đảo cán bộ, công nhân viên chức, lao động tích cực tham gia, và đạt được hiệu quả thiết thực trong lao động, sản xuất. Các phong trào thi đua đã tạo nên sự phát triển rõ nét trên lĩnh vực kinh tế của tỉnh: Tốc độ tăng trưởng GRDP 7,4%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng xác định, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 3,4 lần so với năm 2010; thương mại, dịch vụ tăng nhanh, bình quân 20%/năm; hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện.
Phong trào thi đua yêu nước trên lĩnh vực văn hóa - xã hội tạo ra những chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng lên nhờ thực hiện tốt các phong trào “Dạy tốt, học tốt” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương tự học và sáng tạo”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”... Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn, giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có bước chuyển biến; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, giữ vững chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Trong lĩnh vực y tế, phong trào chăm sóc bảo vệ sức khoẻ Nhân dân, thi đua rèn luyện và thực hiện 12 điều y đức, thực hiện mục tiêu chương trình y tế quốc gia… đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân và cộng đồng. Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”... diễn ra sôi bổi, rộng khắp, được đông đảo tầng lớp Nhân dân đồng tình, tích cực hưởng ứng tham gia. Đặc biệt phong trào thi đua trên lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội được triển khai rộng khắp, sát thực và mang lại kết quả rõ nét, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ trên 47% năm 2010 xuống còn khoảng 21%.
Các phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang nhân dân luôn được quan tâm, triển khai sôi nổi và đạt chất lượng, hiệu quả cao. Từ những phong trào thi đua đã góp phần xây dựng lực lượng vũ trang của tỉnh vững mạnh về chính trị, tư tưởng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, biên giới quốc gia.
Đại diện các tập thể nhận Bằng khen của UBND tinh
tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ III
Phong trào thi đua xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đã tạo nên những chuyển biến tích cực trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị, tư tưởng với trọng tâm là học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh găn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng; chú trọng phát triển đảng viên, tổ chức đảng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; đội ngũ cán bộ các cấp được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và có bước phát triển; hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở được tập trung xây dựng, củng cố, hiệu lực, hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên; hoạt động cải cách hành chính được đẩy mạnh. Nhờ đó, Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ tiếp tục được nâng lên; hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường; giữ vững và phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc.
Cùng với phong trào thi đua, công tác khen thưởng của tỉnh có những bước tiến bộ theo hướng bám sát về tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng; các nghị định, thông tư và các văn bản thi hành. Quy trình xét đảm bảo công khai, dân chủ, kịp thời, đúng người, đúng thành tích, động viên kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc. Khen thưởng đã hướng về cơ sở, chú trọng hơn đến khen người trực tiếp lao động sản xuất. Đặc biệt, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo khen thưởng kịp thời các thành tích đột xuất, tập trung vào những cá nhân làm việc trực tiếp, chiếm 70% trong tổng số cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Tuy nhiên, phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng tỉnh vẫn còn một số mặt cần phải rút kinh nghiệm. Một số phong trào thiếu chiều sâu, chưa thường xuyên liên tục; phong trào thi đua yêu nước ở một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Có rất nhiều phong trào thi đua được phát động, nhưng việc triển khai thực hiện còn mờ nhạt, hiệu quả thấp; thiếu kiểm tra, thiếu sơ, tổng kết kịp thời để nhân các điển hình tiên tiến, những gương người tốt, việc tốt ra diện rộng. Công tác thi đua khen thưởng có mặt chưa dân chủ, khách quan và công bằng; khen, chê chưa đúng mức, thiếu kịp thời, nên hạn chế tác dụng là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chưa thực sự là biện pháp hữu hiệu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa.
Thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới (ảnh: TP)
Để phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua khen thưởng tỉnh trong giai đoạn tới được thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực, thực sự là biện pháp để xây dựng văn hóa, con người Lai Châu, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thiết nghĩ công tác thi đua, khen thưởng cần phải bám sát các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng các cấp và lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cấp, mỗi ngành là nội dung chủ yếu của việc phát động phong trào thi đua yêu nước và đăng ký giao ước thi đua. Phong trào thi đua yêu nước phải thiết thực, đăng ký giao ước thi đua không phô trương, hình thức. Công tác khen thưởng phải được bình chọn, công khai, công bằng, dân chủ, khách quan từ cơ sở, khen, chê phải đúng mức, kịp thời. Phát động phong trào thi đua phải gắn với kiểm tra, sơ, tổng kết để nhân các điển hình tiên tiến ra diện rộng. Quan tâm đúng mức tới việc tuyên truyền, gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị, từ đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập, chiến đấu, thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực xã hội khác./.