Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược được Đảng ta xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020. Đảng ta coi đây là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững. Thực hiện đường lối của Đảng, những năm qua tỉnh ta tập trung cho nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đã đạt được những thành tựu quan trọng, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Trước yêu cầu phát triển mới, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII tiếp tục xác định nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm và cũng là một trong 3 chương trình trọng điểm - tạo động lực cho quá trình phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo.
Một quốc gia hay một địa phương (cụ thể là một tỉnh) muốn phát triển thì cần phải có các nguồn lực của sự phát triển như: tài nguyên thiên nhiên, vốn, khoa học - công nghệ, con người… Trong các nguồn lực đó thì nguồn lực con người là quan trọng nhất, có tính chất quyết định sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia hay một tỉnh. Một địa phương dù có tài nguyên thiên nhiên phong phú, máy móc kỹ thuật hiện đại nhưng không có nguồn nhân lực - những con người có trình độ, có đủ khả năng khai thác các nguồn lực đó thì khó có khả năng có thể đạt được sự phát triển như mong muốn.
Tiếp cận dưới góc độ của Kinh tế chính trị có thể hiểu: Nguồn nhân lực là tổng hoà thể lực và trí lực tồn tại trong toàn bộ lực lượng lao động xã hội của một quốc gia, trong đó kết tinh truyền thống và kinh nghiệm lao động sáng tạo của một dân tộc trong lịch sử được vận dụng để sản xuất ra của cải vật chất và tinh thần phục vụ cho nhu cầu hiện tại và tương lai của đất nước.
Trong thời đại ngày nay, con người được coi là một “tài nguyên đặc biệt”, một nguồn lực của sự phát triển. Bởi vậy việc phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực trở thành vấn đề chiếm vị trí trung tâm trong hệ thống phát triển các nguồn lực. Chăm lo đầy đủ đến con người là yếu tố bảo đảm chắc chắn nhất cho sự phồn vinh, thịnh vượng của mọi quốc gia. Đầu tư cho con người là đầu tư có tính chiến lược, là cơ sở chắc chắn nhất cho sự phát triển bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực chính là sự biến đổi về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trên các mặt thể lực, trí lực, kỹ năng, kiến thức và tinh thần cùng với quá trình tạo ra những biến đổi tiến bộ về cơ cấu nguồn nhân lực của một quốc gia hay địa phương; hay nói cách khác, đây chính là quá trình tạo lập và sử dụng năng lực toàn diện con người vì sự tiến bộ kinh tế - xã hội và sự hoàn thiện bản thân mỗi con người.
Tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
(ảnh: TP)
Đối với Lai Châu, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những năm qua tỉnh luôn xác định nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, tạo nền tảng, cơ sở vững chắc cho sự phát triển. Giáo dục, đào tạo phát triển nhanh về quy mô và chất lượng ở tất cả các cấp học. Công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đạo tạo cán bộ, đào tạo nghề được quan tâm; 5 năm qua, tỉnh đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho trên 34 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức; đến tháng 9/2015, cán bộ, công chức có trình độ đại học trở lên đạt 69%, viên chức có trình độ đại học trở lên đạt 27,5%, tỷ lệ lao động qua đào tạo, tập huấn đạt 40,5%.
Tuy nhiên, trong giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn những mặt yếu kém được Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh thẳng thắn nhìn nhận. Chất lượng giáo dục, nhất là vùng cao, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thấp; công tác đào tạo còn nhiều khó khăn; chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề thấp, chưa gắn với giải quyết việc làm. Chất lượng nguồn nhân lực còn bất cập, nhân lực hoạt động khoa học và công nghệ còn thiếu, nhất là chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực mũi nhọn, cán bộ quản lý trình độ cao, công nhân lành nghề... Một trong các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, yếu kém của tỉnh những năm qua được Đảng bộ xác định là trình độ, năng lực của một một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế; vận dụng, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước vào tình hình thực tế địa phương, đơn vị ở cơ sở còn chậm, có việc còn lúng túng; tỷ lệ lao động được đào tạo, tập huấn nâng lên song chất lượng còn thấp, thiếu kỹ năng nghề nghiệp và tác phong lao động công nghiệp, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý ngay từ khi đào tạo, tập huấn. Đây rõ ràng là sự hạn chế trong cơ cấu nguồn lực, một yếu tố đã và đang cản trở sự phát triển của tỉnh, đòi hỏi Đảng bộ tỉnh tiếp tục phải đưa nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, chương trình trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện./.
Bài 6: Bảo đảm quốc phòng - an ninh