Tuy nhiên, trong 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí môi trường đối với tỉnh Lai Châu là tiêu chí khó với nhiều chỉ tiêu cần thực hiện để đạt theo yêu cầu, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn đã và đang có nguy cơ ô nhiễm gây bức xúc của toàn xã hội đặc biệt ở cộng đồng dân cư khu vực nông thôn.
Tiêu chí môi trường theo Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ gồm: Tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh theo quy chuẩn Quốc gia; các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; không có các hoạt động gây suy giảm môi trường và có các hoạt động phát triển môi trường xanh, sạch, đẹp; nghĩa trang được xây dựng theo quy hoạch; chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định.
Thực tế, trên địa bàn tỉnh, vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay đó là ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, nước thải trong các làng nghề thủ công, đặc biệt nhiều nơi còn tập quán chăn thả rông, nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn, chưa có hố ủ phân, nhiều hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, chất thải chưa được thu gom xử lý, việc sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật, nuôi trồng thủy sản chưa đúng quy định…
Để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt kết quả, tạo diện mạo mới, sức sống mới thì cần đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn, cần phối kết hợp đồng bộ các giải pháp. Trong đó, về công tác tuyên truyền: cần tập trung tuyên truyền sâu, rộng để nâng cao nhận thức của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường, xử lý, thu gom chất thải, rác thải, sử dụng tài nguyên rừng, tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu…
Bên cạnh đó, để thực hiện được các nội dung trong tiêu chí môi trường cần tiến hành đồng bộ các giải pháp như:
Thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, nâng cao độ che phủ của rừng góp phần điều tiết nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất. Thành lập các tổ quản lý, sử dụng nước, nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình nước sinh hoạt, thủy lợi sau đầu tư… đảm bảo đáp ứng tối đa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và nước cho sản xuất trên địa bàn.
Đầu tư, hỗ trợ Nhân dân làm chuồng trại chăn nuôi, thực hiện việc nuôi nhốt và trồng cỏ, di dời chuồng trại ra xa nhà; hỗ trợ làm nhà tiêu hợp vệ sinh; khơi thông cống, rãnh thoát nước, nơi dân cư ở thưa có thể hướng dẫn đào hố tự thấm; hướng dẫn nhân dân tự phân loại rác tại nhà, loại dễ phân hủy thì đào hố tự ủ làm phân, rác thải rắn khó phân hủy thì thu gom ra nơi quy định để xử lý; có phương án xử lý môi trường tại các lò giết mổ gia súc, gia cầm, các làng nghề, ở khu vực các chợ; các cơ sở sản xuất, chế biến, làng nghề phải ký cam kết với các cơ quan thẩm quyền đảm bảo không gây ô nhiếm môi trường; các thôn, bản thành lập các tổ, đội thu gom rác; hướng dẫn nhân dân vệ sinh cá nhân như rửa tay trước khi ăn, thực hiện ăn chín, uống sôi… nhằm hạn chế dịch, bệnh…, Cấp ủy, chính quyền các địa phương nên giao cho các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các xã, thôn bản…chủ trì việc vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện.
Sản xuất theo quy trình an toàn theo tiêu chí GAP như các mô hình trồng trọt, rau, chè, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản…, hạn chế, chống lạm dụng hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác nông nghiệp, thu gom, xử lý bao bì chứa đựng hóa chất, áp dụng các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường nhằm bảo vệ môi sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một bộ phận công trình nước sạch tại các bản
Xây dựng nghĩa trang theo quy hoạch, có Quy chế quản lý, sử dụng phù hợp, đặc biệt cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân không an táng người chết gần nhà, gần vườn theo tập quán, những nghĩa trang, nghĩa địa không đảm bảo theo quy hoạch cần đóng cửa và trồng cây xanh, cải tạo lại theo hướng Công viên nghĩa trang. Xây dựng hương ước, quy ước thôn bản để hạn chế và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu về ma chay, cưới xin và các tệ nạn xã hội khác ở địa bàn dân cư.
Đẩy mạnh việc xây dựng, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường, nhất là các Hợp tác xã dịch vụ môi trường, các tổ, đội thu gom rác, các mô hình xã hội hóa bảo vệ tài nguyên môi trường, mô hình bếp ít khói, mô hình 3 sạch ”sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ”… các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào bảo vệ môi sinh môi trường nhất là ở địa bàn nông thôn. Thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở địa bàn dân cư” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của tổ chức, cá nhân trong việc gây ô nhiễm môi trường.
Thực hiện tốt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới cũng là giải quyết vấn đề đã và đang gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, xã hội cùng chung tay bảo vệ môi trường - một trong những vấn đề sống còn của nhân loại./.