Những điểm mới cha mẹ cần biết về bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên
Thứ sáu - 25/09/2015 05:245240
Năm học mới 2015-2016 là năm đầu tiên bảo hiểm y tế (BHYT) học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện theo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT với nhiều điểm mới, trong đó có thay đổi về mức đóng phương thức đóng và HSSV đóng BHYT cũng được hưởng nhiều ưu đãi hơn.
Thay đổi về mức đóng và phương thức đóng
Theo quy định của Luật BHYT từ năm 2010 đối tượng HSSV có trách nhiệm phải tham gia BHYT (là đối tượng tham gia BHYT bắt buộc) không phải là tự nguyện như nhiều người nhầm lẫn. Mức đóng BHYT hàng tháng bằng 3% mức lương cơ sở, thì theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT mức đóng tăng lên 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, học sinh sinh viên đóng 70% cụ thể: Với mức đóng mới là 51.750 đồng/tháng (trước đây là 34.500đồng/tháng) trừ đi mức hỗ trợ của Nhà nước thì HSSV chỉ đóng 36.225/tháng (trước đây là 24.150 đồng/tháng), vậy mỗi tháng HSSV chỉ đóng tăng thêm so với trước là 10.300 đồng/tháng.
Theo Thông tư số 41 của liên Bộ Y tế - Tài chính, từ năm học 2015-2016 sẽ thu theo năm tài chính, tức là từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó. Năm nay là năm đầu tiên chuyển từ mức thu cũ sang mức thu mới là 434.700/năm, thu 15 tháng mức thu sẽ là 543.375 đồng (từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2016) nên nhiều phụ huynh cho rằng phí BHYT năm học này cao hơn hẳn so với năm trước. Tuy nhiên số tiền có thể chia làm nhiều lần đóng cụ thể: lần thứ nhất đóng theo 3 tháng còn lại của năm 2015; lần thứ hai đóng 6 tháng hoặc một năm đối với năm 2016 (thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT tương ứng với số tiền nộp vào quỹ BHYT); ngoài ra nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện thì có thể đóng phí một lần từ tháng 10/2015 đến tháng 12/2016 (thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/10/2015 đến 31/12/2016).
Bên cạnh việc tham gia BHYT theo nhà trường, HSSV có thể tham gia BHYT hộ gia đình theo cách có lợi hơn (chỉ áp dụng trường hợp bố mẹ không là công chức). Trong trường hợp nếu gia đình có 4 người, 2 người con đi học thì có thể lựa chọn BHYT theo hộ gia đình để được hưởng các mức đóng như sau: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 3 đóng bằng 60% mức đóng của người thứ nhất; người thứ 4 đóng bằng 50% mức đóng của người thứ nhất. Các em học sinh đóng BHYT theo hộ gia đình chỉ cần cung cấp cho nhà trường mã thẻ BHYT.
Cũng theo quy định thì các đối tượng HSSV là người dân tộc thiểu số, người nghèo, con em thân nhân Công an, Quân đội, đối tượng bảo trợ, HSSV sống ở vùng đặc biệt khó khăn được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT. Theo số liệu của BHXH tỉnh năm học 2014-2015 trong tổng số 91.499 HSSV trên địa bàn tỉnh thì có tới 81.149 HSSV đã được ngân sách Nhà nước mua thẻ BHYT (chiếm tới 88%).
Hưởng nhiều ưu đãi hơn
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, HSSV được hưởng ưu đãi các dịch vụ y tế hiện đại đó là: Được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế trường học bao gồm cả học sinh ở các trường mầm non; được hưởng 100% chi phí khi khám chữa bệnh (KCB) tại tuyến xã, phường, thị trấn hoặc chi phí dưới 15% mức lương cơ sở hiện hành (hiện tại là dưới 172.500 đồng) cho một lần KCB từ tuyến huyện trở lên; được hưởng 80% chi phí (áp dụng tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ Y tế) cho một lần KCB từ 15% mức lương cơ sở hiện hành trở lên; được hưởng 100% chi phí khi có thời gian tham gia BHYT 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (hiện tại 06 tháng lương cơ sở bằng 6.900.000 đồng).
Bên cạnh đó, Quỹ BHYT theo Luật sửa đổi, bổ sung thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi KCB. Quỹ BHYT còn thanh toán trong các trường hợp điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi, tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp… mà trước đây không được thanh toán.
Trong năm 2014-2015 đã có những học sinh trên địa bàn tỉnh phải đi điều trị tại các bệnh viện tuyến Trung ương chi phí do BHYT thanh toán lên đến hàng chục triệu đồng như: Em Phạm Nhật An lớp 2A1, trường Tiểu học số 2 được thanh toán tới 29 triệu đồng; em Lê Hà Linh, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu được thanh toán 24 triệu đồng; em Hà Thị Vân Anh, thị trấn Tân Uyên được thanh toán 23 triệu đồng... Qua đó có thể thấy, BHYT có ý nghĩa như “phao cứu sinh” nếu không may trẻ bị bệnh, gia đình sẽ có điều kiện điều trị bệnh cho con mình khỏi bệnh mà bớt đi gánh nặng tài chính.
Theo ông Nguyễn Chi Lăng, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Lai Châu: Để nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện Kế hoạch số 427/KH-UBND của UBND tỉnh về mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân trong đó có BHYT HSSV đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên toàn tỉnh; đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện việc tham gia BHYT và bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách BHYT mới, giúp phụ huynh và HSSV nâng cao nhận thức và tích cực tham gia BHYT để các cháu được chăm sóc sức khỏe một cách toàn diện tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh Lai Châu./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế