Những kết quả tích cực trong công tác bảo vệ môi trường ở Lai Châu
Chủ nhật - 11/10/2015 05:306760
Thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW (khóa IX) của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, 10 năm qua tỉnh Lai Châu đã tích cực lãnh đạo, triển khai thực hiện và đã mang lại những hiệu quả cụ thể với việc tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách; các biện pháp kinh tế, áp dụng khoa học - công nghệ trong bảo vệ môi trường; thẩm định, đánh giá tác động môi trường...
Xác định công tác bảo vệ môi trường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe và cuộc sống của Nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ngay sau khi Nghị quyết số 41- NQ/TW (khóa IX) của Ban Bí thư được ban hành, Tỉnh ủy Lai Châu đã có Chỉ thị số 23- CT/TU, ngày 11/11/2005 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41- NQ/TW của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về bảo vệ môi trường.
Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện Nghị quyết thông qua việc cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, dự án về công tác bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền và quán học tập sâu rộng nội dung nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở các cấp; chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền; gắn công tác bảo vệ môi trường với phong trào sạch bản làng, tốt ruộng nương, xây dựng nông thôn mới, thành niên xung kích tình nguyện, mùa hè xanh; đưa tiêu chí về bảo vệ môi trường vào để đánh giá thi đua hằng năm của thôn, bản, tổ dân phố và việc bình chọn gia đình văn hóa... qua đó đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân đối với công tác bảo vệ môi trường.
Sau 10 năm triển khai thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường được tỉnh áp dụng, triển khai thực hiện có hiệu quả thông qua các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công tác chỉ đạo thẩm định, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường, dự án cải tạo, phục hồi môi trường. Từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã phê duyệt 82 báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết và 10 dự án cải tạo phục hồi môi trường.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường nhằm giảm thiểu lượng chất thải công nghiệp và sinh hoạt phát sinh, hằng năm tỉnh đã triển khai ứng dụng các biện pháp xử lý môi trường thông qua việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các bãi rác tập trung; đối với chất thải y tế nguy hại tại các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều được đầu tư và vận hành lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại; đẩy mạnh các hoạt động tôn tạo cảnh quan môi trường; bảo tồn các vùng sinh thái đặc thù kết hợp với bảo tồn di sản lịch sử, văn hóa; ưu tiên hỗ trợ các hộ dân nông thôn xây dựng các mô hình điểm về nhà tiêu hợp vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, hầm Biogas xử lý chất thải chăn nuôi. Hiện nay, tỷ lệ số hộ dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh đạt 21%; tỷ lệ trạm y tế có đủ nước sạch hợp vệ sinh đạt 88,9%; tỷ lệ trường mầm non, phổ thông có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 71,4%.
Việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường tại các vùng đô thị và nông thôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo có hiệu quả. Tại thành phố và các thị trấn đều có bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh đúng quy hoạch; rác thải được thu gom và xử lý đúng nơi quy định; việc quản lý, sử dụng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, quản lý sản xuất kinh doanh nông, lâm sản được thực hiện cơ bản theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo hợp vệ sinh; công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề, cụm công nghiệp được triển khai, thực hiện khá hiệu quả. Toàn tỉnh hiện nay có 1.113 thôn, bản có nghề thủ công truyền thống như: dệt thổ cẩm, nấu rượu, rèn đúc nông cụ, mây tre đan, chế biến dong riềng... Bên cạnh đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo thông qua việc ban hành các nghị quyết, chương trình, quyết định để chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Hiện nay có 96/96 xã triển khai nội dung chương trình nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, 6/96 xã đạt tiêu chí về môi trường; 799 công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước cho 14.358 hộ dân, nâng tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh lên 73% trong năm 2014...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã được ghi nhận, công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập: Nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền và Nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động toàn dân tham gia bảo vệ môi trường hiệu quả chưa cao; việc đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được so với nhu cầu thực tại; công tác xã hội hóa bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, chưa huy động được sự đóng góp của Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường; chức năng, nhiệm vụ bảo vệ môi trường ở cấp xã, phường chưa thực sự được quan tâm.
Để công tác bảo vệ môi trường thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh thực sự đi vào cuộc sống. Trong thời gian tới, nhiệm vụ quan trong của chúng ta là tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia công tác bảo vệ môi trường; tập trung nghiên cứu, áp dụng, nhân rộng các mô hình điển hình, tiêu biểu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở các đô thị, nông thôn; tập trung đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường các cấp; tăng cường trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và giám sát môi trường; thực hiện công tác điều tra cơ bản, đánh giá quy hoạch nguồn tài nguyên thiên nhiên đất, khoáng sản, nước; đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý môi trường và tài nguyên; tăng cường công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm.
Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ có ý nghĩa rất quan trọng nhằm bảo đảm sức khoẻ và cuộc sống của Nhân dân, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, đây là một nhiệm vụ vừa phức tạp, vừa cấp bách nên cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các cấp, sự tham gia tích cực của của toàn xã hội. Chính vì vậy, mỗi người dân bằng nhận thức và những hành động cụ thể của mình hãy tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường, góp phần quan trọng để xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển bền vững, có sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bảo đảm về môi trường./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế