Theo quy định của Hiến pháp năm 2013, hệ thống hành chính của Nhà nước ta hiện nay có bốn cấp, gồm: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, trong đó cấp xã (gồm xã, phường, thị trấn) được xác định là cấp cơ sở. Hệ thống chính trị cấu thành bởi ba bộ phận, gồm: tổ chức đảng, tổ chức chính quyền, tổ chức mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội. Ba bộ phận này có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và mỗi bộ phận có vai trò, vị trí riêng được thể hiện trong cơ chế tổ chức và phương thức hoạt động của từng bộ phận. Với vai trò, vị trí và tầm quan trọng của cơ sở, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, coi việc đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.
Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã chỉ rõ: “Các cơ sở xã, phường, thị trấn là nơi tuyệt đại bộ phận Nhân dân cư trú, sinh sống. Hệ thống chính trị ở cơ sở có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức và vận động Nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư”.
Thực hiện Nghị quyết của Trung ương, những năm qua, với vai trò là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị cơ sở, các đảng bộ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã nhận thức và xác định rõ vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức trong hệ thống chính trị; đồng thời đảm bảo vai trò lãnh đạo toàn diện trên mọi lĩnh vực ở cơ sở. Nhiều cấp ủy đã có sự đổi mới nội dung, quy trình và xác định được những vấn đề trọng tâm, trọng điểm trong việc ban hành các nghị quyết cũng như lãnh đạo triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Phương thức lãnh đạo của cấp ủy đã khắc phục một bước tình trạng bao biện làm thay công việc của chính quyền, hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo.
Trong tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân ở hầu hết các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật, chất lượng từng bước được nâng lên. Một số nơi đã tổ chức được các cuộc giám sát chuyên đề có trọng tâm, trọng điểm; công tác thẩm tra các báo cáo, tờ trình của Ủy ban nhân dân tại các kỳ họp của Hội đồng nhân dân đảm bảo tính khách quan, trung thực. Hoạt động của Ủy ban nhân dân đã phát huy hiệu quả công tác quản lý, điều hành theo pháp luật. Hầu hết Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn đã ban hành quy chế làm việc. Phong cách, ý thức trách nhiệm, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, nhất là cán bộ chủ chốt có sự chuyển biến tích cực theo hướng sát dân, phục vụ Nhân dân, từng bước khắc phục tình trạng sách nhiễu, phiền hà Nhân dân. Công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngày càng được thực hiện tốt hơn. Việc thực hiện pháp lệnh, quy chế dân chủ ở cơ sở đã đem lại kết quả tốt. Công tác thanh tra nhân dân ở các địa phương đã được thực hiện, kiến nghị với chính quyền giải quyết tốt các đơn khiếu nại, tố cáo, hạn chế các đơn thư tồn đọng kéo dài. Hầu hết các thôn, bản đã xây dựng được quy ước, hương ước và thực hiện có nề nếp. Công tác cải cách thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” của cấp xã đã phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời các nhu cầu về thủ tục hành chính cho Nhân dân các dân tộc.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở đã xây dựng được quy chế hoạt động, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và từng bước đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của Nhân dân. Ở nhiều cơ sở, Mặt trận Tổ quốc đã phối hợp tốt với các ngành, đoàn thể thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa; phát huy vai trò tham gia xây dựng chính quyền, thực hiện công tác giám sát, kiểm tra hoạt động của chính quyền. Hoạt động hoà giải của Mặt trận Tổ quốc ở cơ sở cũng góp phần giải quyết những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân, giảm đáng kể các “điểm nóng” và tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp.
Với nhận thức về tầm quan trọng của cán bộ, là “cái gốc của mọi công việc”, nhiều năm qua, Tỉnh ủy cũng như cấp ủy, chính quyền các địa phương trong tỉnh đã quan tâm tới công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhất là đào tạo chuẩn hoá về trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý nhà nước, nhằm đảm bảo cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Do vậy, đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của tỉnh đã được phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 6/2015, toàn tỉnh có 2.203 cán bộ, công chức cơ sở, bình quân mỗi xã, phường, thị trấn có 20 cán bộ; đồng thời đã chuẩn hoá theo quy định được trên 35% trong tổng số cán bộ, công chức( ). Công tác luân chuyển, tăng cường cán bộ cấp trên về làm bí thư, phó bí thư Đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để thay thế số cán bộ hạn chế về trình độ, năng lực hoặc đưa cán bộ chủ chốt đi luân chuyển để có thêm thực tiễn công tác, đủ điều kiện cho công tác bổ nhiệm, đề bạt đã được tích cực quan tâm...
Việc ban hành và triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện nay có mặt chưa đáp ứng yêu cầu
Tuy nhiên, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém. Chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa được xác định rành mạch, trách nhiệm không rõ ràng; nội dung và phương thức hoạt động chậm đổi mới và chưa đồng bộ, còn nhiều biểu hiện của cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp. Một số nơi sự phối hợp giữa các tổ chức trong hệ thống chính trị chưa chặt chẽ, hiệu quả hoạt động chưa cao. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn yếu, nhất là năng lực vận dụng các chủ trương, nghị quyết của Đảng và chính sách của Nhà nước vào tình hình cụ thể của địa phương. Hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền một số nơi còn thấp; trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã, nhất là các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến tháng 6-2015, toàn tỉnh vẫn còn 510 cán bộ, công chức cấp xã (chiếm 23,1%) chưa được đào tạo chuyên môn; 913 cán bộ, công chức (chiếm 41,4%) chưa được đào tạo lý luận chính trị; 1.430 cán bộ, công chức (chiếm 64,9%) chưa đào tạo quan lý nhà nước; và 1.106 cán bộ, công chức (chiếm 50,2%) mới có trình độ học vấn phổ thông Trung học cơ sở và Tiểu học( ). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở một số địa phương chưa thực sự được quan tâm; nội dung, chương trình đào tạo chưa phù hợp với công việc ở cơ sở, còn chạy theo bằng cấp. Hoạt động của các đoàn thể chính trị ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thiết thực; còn biểu hiện hành chính hóa trong hoạt động. Công tác kiểm tra nắm tình hình cơ sở ở một số địa bàn chưa thường xuyên, sâu sát, dẫn đến việc phát hiện và xử lý các vấn đề nảy sinh ở cơ sở còn bị động. Công tác phát triển đảng viên ở cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; năng lực lãnh đạo một số chi bộ ở các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn yếu. Nội dung và hình thức sinh hoạt chi bộ còn đơn điệu, việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên hằng năm chưa phản ánh đúng thực chất. Một bộ phận cán bộ, đảng viên ở cơ sở suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm. Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở còn bất cập; cơ sở vật chất và điều kiện làm việc nhiều nơi còn khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn…
Đây là những yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh; là nguyên nhân chính dẫn đến sự trì trệ, cũng như những yếu kém kéo dài ở địa phương cơ sở; làm cho tình hình kinh tế - xã hội, nhất là đời sống của đồng bào các dân tộc có phần chậm được cải thiện. Để khắc phục “điểm nghẽn” này, Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh xác định “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cấp cơ sở” là một trong ba Chương trình trọng điểm để lãnh đạo thực hiện của nhiệm kỳ./.