Giảm nghèo bền vững để thực hiện mục tiêu đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình khu vực miền núi phía Bắc

Thứ ba - 04/10/2016 04:07 1.231 0
Công tác xoá đói, giảm nghèo là một mục tiêu quan trọng phát triển đất nước. Với Lai Châu, từ khi chia và điều chỉnh địa giới hành chính tỉnh đến nay thì xóa đói, giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Vì vậy, tỷ lệ hộ ngèo giảm nhanh qua từng năm, nhưng khi chuyển sang giai đoạn phát triển mới, thay đổi tiêu chí đánh giá thì tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của Lai Châu lại tăng lên rất cao, tiếp tục đặt ra bài toán cho cấp ủy, chính quyền các cấp “làm thế nào để giảm nghèo bền vững?”.
Việc đưa các giống ngô mới vào sản xuất đã làm nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân
Việc đưa các giống ngô mới vào sản xuất đã làm nâng cao năng suất, sản lượng, góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo cho người dân
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đã rất quyết liệt, nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ hết sức quan trọng này. Ngay từ khi mới chia tách, Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 02-7-2004 về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm giai đoạn 2004-2010; thực hiện Nghị quyết, tỉnh ta đã cơ bản xóa được hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Bước sang nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 20/4/2011 về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011-2015; thực hiện Nghị quyết, chúng ta đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia công tác giảm nghèo; hệ thống kết cấu hạ tầng được tăng cường đầu tư. Các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề và giải quyết việc làm, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục được thực hiện có hiệu quả. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 8,2 triệu đồng năm 2010 lên 18,2 triệu đồng năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 46,78% năm 2010 xuống còn 18,75% năm 2015, bình quân giảm 5,6% năm. Kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo đã góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trên thực tế việc giảm nghèo của tỉnh nhanh nhưng chưa đảm bảo tính bền vững. Đến nay, tỉnh có 6/7 huyện thuộc danh sách 61 huyện nghèo của cả nước và có 75 xã, 617 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 thì tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh chỉ còn 18,75%, hộ cận nghèo 6,58%; nhưng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 tỷ lệ nghèo lại tăng lên rất cao, chiếm 40,4%, hộ cận nghèo 10,05%; đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số, sống ở vùng sâu, vùng xa còn cao. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất ở các xã vùng sâu, vùng xa còn thiếu; chênh lệch đời sống giữa các vùng, các nhóm dân cư chưa được thu hẹp.

Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện phát triển sản xuất nhiều vùng còn khó khăn; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số nơi chưa quyết liệt, thiếu cụ thể, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí còn chênh lệch. Các chính sách giảm nghèo hiện hành còn chồng chéo, phân tán, một số chính sách chưa khuyến khích người nghèo vươn lên thoát nghèo; một bộ phận hộ nghèo, cận nghèo có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào hỗ trợ của Nhà nước đã hạn chế đến kết quả công tác giảm nghèo trong thời gian qua.

Trước thực trạng đó, Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh tiếp tục xác định nhiệm vụ “Tập trung thực hiện giảm nghèo bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện ở các vùng nghèo, khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo; tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách hỗ trợ về đất đai, tín dụng, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, khuyến nông - lâm - ngư, tiêu thụ sản phẩm... phát triển sản xuất, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo”. Thực hiện Nghị quyết Đại hội, ngày 28-6-2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU “Về giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020”.

Với quan điểm đây là nhiệm vụ của toàn xã hội do các cấp ủy đảng trực tiếp lãnh đạo; gắn giảm nghèo với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao dân trí cho người dân; lấy hộ gia đình làm chủ thể; phát huy tính chủ động, tích cực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại của người dân vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo. Gắn giảm nghèo với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; lồng ghép các nguồn lực, quản lý thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo nhằm tạo điều kiện sinh kế, việc làm góp phần tăng thu nhập cho người nghèo để thực hiện mục tiêu thoát nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, gắn giảm nghèo với giảm các tệ nạn xã hội. Giải quyết thiếu hụt các nhu cầu cơ bản theo đề án nghèo đa chiều về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin truyền thông để người dân được tiếp cận các dịch vụ xã hội ngày càng tốt hơn. Đẩy mạnh việc phân cấp thực hiện các chính sách giảm nghèo cho cấp cơ sở. Tập trung giảm nghèo tại các huyện, các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao; các dân tộc đặc biệt khó khăn Mảng, Cống, La Hủ.
2 10 16
 
Các hạ tầng thiết yếu được đầu tư xây dựng cho các vùng nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển sản xuất của người dân

Mục tiêu cụ thể được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt ra đến năm 2020 là giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm (riêng các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên); giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1 đến 1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020; bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với năm 2015. Phấn đấu có 1 đến 2 huyện nghèo ra khỏi danh sách các huyện nghèo của cả nước; 15% số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa; trên 90% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; đáp ứng trên 85% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích lúa nước và một số loại cây trồng hằng năm. Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 70% lao động xã hội; tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 50%; mỗi năm tạo việc làm cho trên 7.000 lao động.

Tiếp cận các dịch vụ xã hội theo tiêu chí nghèo đa chiều: Trên 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 12 bác sỹ/1vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,9%; tỷ lệ giảm sinh bình quân 0,5‰/năm; trên 95% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ 8 loại vắc xin; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 20%; trên 70% số trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; trên 96% thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 96%. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học: Mầm non 37%, Tiểu học 44%, Trung học cơ sở 33%, Trung học phổ thông 39%. Hoàn thành trên 90% công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo. Trên 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch, trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 95% các hộ dân được tiếp cận thông tin thông qua các chương trình phát thanh, truyền hình, sách, ấn phẩm truyền thông.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhiệm vụ đề ra là triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập của hộ nghèo, nhất là các hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; trong đó chú trọng giải quyết, khắc phục cơ bản các nguyên nhân nghèo như thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu tay nghề, thiếu việc làm, thiếu thị trường...; gắn với hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính sách tín dụng ưu đãi, phát triển dịch vụ lâm nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp, xây ựng nông thôn mới. Tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, giải quyết cơ bản các thiếu hụt về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch vệ sinh môi trường và thông tin truyền thông cho các hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo đề án nghèo đa chiều của Thủ tướng Chính phủ: Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục các xã đặc biệt khó khăn; phát triển mở rộng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế tuyến tỉnh, huyện, trạm y tế cơ sở, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, cận nghèo; cơ bản hoàn thành chính sách về nhà ở cho hộ nghèo; tiếp tục xây mới, khắc phục sửa chữa duy tu, bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt trên địa bàn đảm bảo cung cấp nước sử dụng cho sinh hoạt của Nhân dân; đầu tư, khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hệ thống thông tin truyền thông, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của mọi người dân, nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo.

Nghị quyết cũng đề ra 6 giải pháp chủ yếu để tập trung lãnh đạo thực hiện: (1) Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Phân công nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy viên ban chấp hành, ban thường vụ chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.

(2) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức và nhiều thứ tiếng, phù hợp với phong tục, tập quán của mỗi dân tộc. Khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo.
14 9 16
 
Đồng bào các dân tộc đã từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất, mang lại thu nhập cao hơn so với trước đây

(3) Điều tra, rà soát xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo để có biện pháp hỗ trợ giảm nghèo đến đúng đối tượng. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ hộ nghèo; trong đó trọng tâm là thực hiện các chính sách tạo việc làm, tăng thu nhập, giáo dục đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí để giảm nghèo bền vững.

(4) Huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phục vụ cho công tác giảm nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác giảm nghèo. Hướng dẫn giúp hộ nghèo tiếp cận vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển sản xuất, tự vươn lên thoát nghèo. Cân đối ngân sách địa phương để thực hiện công tác giảm nghèo. Lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới, các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, đảm bảo người nghèo được thụ hưởng đúng, đủ, kịp thời các chính sách.

(5) Tăng cường cán bộ, công chức làm công tác khuyến nông, khuyến lâm và cán bộ làm nhiệm vụ giảm nghèo của huyện xuống các xã đặc biệt khó khăn, kết hợp với đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở.

(6) Thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện kế hoạch và các chính sách giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khắc phục hạn chế, yếu kém, phòng ngừa vi phạm. Tổ chức sơ kết, tổng kết, nhân rộng những mô hình, cách làm hay trong việc thực hiện công tác giảm nghèo; động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân làm tốt công tác giảm nghèo.

Để thể chế hóa Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 01-9-2016 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 31/2016/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình giảm nghèo bền vững tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020, với tổng kinh phi thực hiện khoảng gần 4,6 nghìn tỷ đồng. Chương trình được thiết kế với một hệ thống giải pháp, cơ chế, chính sách tương đối đồng bộ, khi được triển khai sẽ góp phần quan trọng cho nhiệm vụ giảm nghèo trên phạm vi toàn tỉnh, nhằm nâng cao năng lực, khả năng tiếp cận của hộ nghèo, hộ cận nghèo về các dịch vụ phát triển sản xuất, dịch vụ xã hội; đảm bảo công bằng xã hội và làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giảm chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, các dân tộc, làm cho đồng bào vững tin vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước./. 

Tác giả: Lê Công

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số: 47/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

lượt xem: 2761 | lượt tải:55

Số: 46/2024/TT-BTC

Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế

lượt xem: 2374 | lượt tải:46

Số: 72/2024/NĐ-CP

Nghị định Quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội

lượt xem: 3307 | lượt tải:92

Số: 43/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh

lượt xem: 3264 | lượt tải:65

Số: 54/2024/NĐ-CP

Nghị dịnh Quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

lượt xem: 4475 | lượt tải:158
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay32,018
  • Tháng hiện tại893,220
  • Tháng trước1,117,630
  • Tổng lượt truy cập32,784,137
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down