Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
Thứ hai - 14/11/2016 03:006250
Ngày 30/9/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Quyết định số 239-QĐ/TU về việc “Ban hành Đề án tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020”. Đây là Cuộc vận động lớn, nhằm phát huy khối đoàn kết các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đồng thuận của Nhân dân tổ chức thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIII xác định: “Phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc. Duy trì và nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới”. Nhằm cụ thể hóa mục tiêu Đại hội, kế thừa, phát huy hiệu quả Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” trong giai đoạn mới và thực hiện Đề án số 04/ĐA-MTTW-BTT, ngày 28/12/2015 của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, ngày 30/9/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020, kèm theo Quyết định số 239-QĐ/TU.
Trên cơ sở đánh giá việc tổ chức thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, chỉ rõ những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém và nguyên nhân; căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong thời gian tới, Đề án xác định mục tiêu chung là: “Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò chủ thể của người dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp để góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII”. Đồng thời, đề ra 8 nhóm mục tiêu cụ thể, trong đó nhóm thứ nhất được xác định: Xây dựng 80% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; đến năm 2020 có 35-40% xã, 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân đạt 15,5 tiêu chí/xã, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn đạt 23 triệu đồng/người/năm (tăn 2,5 lần so với năm 2015); nhóm mục tiêu thứ 3: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3-4%/năm, giảm tỷ lệ hộ cận nghèo từ 1-1,5%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng 1,5 lần so với năm 2015; nhóm mục tiêu thứ 4 được xác định là: 85% hộ gia đình, 65% thôn, bản, khu phố, 95% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa, 80% số thôn, bản, khu phố có nhà văn hóa, 65% thôn, bản có đội văn nghệ hoạt động trong năm; và các nhóm mục tiêu khác về công tác giáo dục, y tế, các vấn đề xã hội, xây dựng tổ chức MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội vững mạnh...
Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Đề án xác định 5 nội dung cần tập trung thực hiện. (1) Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng. Trọng tâm là khai thác tiềm, năng lợi thế của từng địa phương, tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy nội lực tự vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng theo hướng sản xuất hàng hóa, mở rộng sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm theo lợi thế từng vùng, các cơ quan chuyên môn hỗ trợ về kỹ thuật; vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện quy hoạch, chỉnh trang khu dân cư với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm. (2) Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, xây dựng gia đình văn hóa, phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái. Cần tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc trong tỉnh, MTTQ và các tổ chức thành viên tăng cường phối hợp với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện các phong trào, tiêu chí xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; duy trì, phát triển các hoạt động văn hóa, văn nghệ cơ sở; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc; tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các đề án, nghị quyết chuyên đề của tỉnh về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; giáo dục, đào tạo và hoạt động y tế cơ sở; tổ chức tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo...
(3) Đoàn kết tham gia bảo vệ mội trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp. (4) Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Đề án chỉ rõ phát huy tốt vai trò của các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tập trung tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động các tầng lớp nhân dân sống và làm pháp luật, xây dựng và thực hiện tốt quy ước của cộng đồng dân cư; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”; xây dựng xã, phường, thị trấn, khu dân cư lành mạnh không có các tệ nạn xã hội; chủ động nắm và giải quyết tốt những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở cơ sở không để xảy ra điểm nóng, phức tạp... (5) Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Đề án đề ra 10 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó, nhóm giải pháp được xác định quan trọng hàng đầu là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và MTTQ các cấp phối hợp đồng bộ trong thực hiện Cuộc vận động, nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai thực hiện Cuộc vận động, theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành, MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội vận động, giám sát và phản biện, Nhân dân làm chủ. Giải pháp về tuyên truyền, vận động được coi trọng với những nội dung cụ thể như: tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các cuộc vận động, phong trào về xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc, các gương điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội; bằng nhiều hình thức phong phú, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân. Chú trọng đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội. Trọng tâm là phát huy tính tự quản của cộng đồng, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, thôn, bản, tổ dân phố là địa bàn trọng yếu để tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án; đa dạng hóa các kênh nắm bắt thông tin, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, kiến nghị, phản ánh kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; thực hiện tốt phương châm: trọng dân, gần dân, đối thoại với dân, có trách nhiệm với dân. Hiệp thương phân công trách nhiệm giữa MTTQ và các tổ chức thành viên trong thực hiện Đề án. Nâng cao chất lượng tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư. Tăng cường sự phối hợp trong triển khai thực hiện Đề án, nhất là trong công tác kiểm tra, giám sát, điều chỉnh, bổ sung nội dung Cuộc vận động; gắn Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” với phong trào thi đua “Nhân dân Lai Châu chung sức xây dựng nông thôn mới” và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Xây dựng và triển khai mô hình điểm. Mỗi huyện, thành phố chọn 2 điểm chỉ đạo toàn diện từ đó rút kinh nghiệm triển khai trên diện rộng, nhằm đảm bảo Cuộc vận động được triển khai sâu rộng, thiết thực và hiệu quả.
Thực hiện có hiệu quả Đề án Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020 sẽ tăng cường củng cố và phát huy sức mạnh khối đoàn kết các dân tộc, tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn ming, giảm nghèo bền vững, củng cố niềm tin của Nhân dân các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ. Vì vậy, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, với tinh thần quyết tâm chính trị cao, nhất định Cuộc vận động sẽ thành công, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế