Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, diện tích tự nhiên 9.068,8 km2, với 265,165 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tỉnh có 7 huyện, 1 thành phố; 106 xã, phường, thị trấn; dân số trên 480.000 người với 20 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%. Xác định tầm quan trọng của mạng lưới y tế cơ sở là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất, bảo đảm cho mọi người dân được chăm sóc sức khoẻ cơ bản, góp phần thực hiện công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự an toàn xã hội, Tỉnh ủy Lai Châu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW phù hợp với thực tế của địa phương.
Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 06-CT/TW đến các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị xã hội, tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp, hiệu quả. 100% chi, đảng bộ tổ chức quán triệt, học tập, trên 90% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức được tham gia học tập. Kịp thời ban hành văn bản cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh để triển khai thực hiện như: Thông tri số 10-TT/TU, ngày 24/6/2002 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở; ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cấp cơ sở giai đoạn 2016 - 2020”; Kết luận số 111-KL/TU, ngày 03/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tiếp tục thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cấp cơ sở”… để triển khai thực hiện.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành ưu tiên nguồn lực để đầu tư hạ tầng y tế cơ sở, trung tâm y tế, phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã, phường, thị trấn được quan tâm đầu tư trong đó ưu tiên đầu tư cho các trạm y tế đã xuống cấp, trạm y tế đóng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Xây mới 5/8 trung tâm y tế, bàn giao đưa vào sử dụng (Mường Tè, Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Sìn Hồ), 2 trung tâm y tế đang được đầu tư xây dựng (Nậm Nhùn, Thành phố), Trung tâm y tế huyện Than Uyên được đầu tư nâng cấp, cải tạo, sửa chữa; 98/106 trạm y tế được đầu tư kiên cố hóa; 2 trạm y tế xã (Nậm Pì huyện Nậm Nhùn, Bản Lang huyện Phong Thổ) đang được đầu tư xây dựng dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng năm 2023.
Triển khai đồng bộ giải pháp đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Việc nâng cao năng lực chuyên môn và y đức của cán bộ ngành y tế được chú trọng. Công tác giáo dục y đức và quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong ngành Y tế được quan tâm thường xuyên. Trung tâm y tế tuyến huyện tích cực hỗ trợ, giúp đỡ về chuyên môn cho tuyến xã bằng nhiều hình thức gắn với thực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế (tăng cường bác sỹ tuyến trên giúp tuyến dưới), công tác chỉ đạo tuyến. Trung tâm y tế các huyện, thành phố giao trách nhiệm cho từng khoa phòng chịu trách nhiệm hỗ trợ và giúp đỡ chuyên môn cho trạm y tế xã.
Chương trình kết hợp quân dân y được triển khai có hiệu quả, nhất là các xã khu vực biên giới như (Phòng khám Đa khoa khu vực Ka Lăng, trạm y tế xã Thu Lũm, Pa Ủ, Pa Vệ Sủ huyện Mường Tè; Phòng khám Đa khoa khu vực Dào San, trạm y tế xã Pa Vây Sử huyện Phong Thổ)... Chú trọng phát triển y dược học cổ truyền (đến nay có 78 trạm y tế xã có cán bộ y học cổ truyền; 100% các trạm y tế, trung tâm y tế có mô hình vườn thuốc nam, đã sử dụng một số chế phẩm cây thuốc nam trong việc khám và điều trị bệnh cho Nhân dân).
Chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ nhân viên y tế thôn, bản thực sự là cánh tay nối dài cho hệ thống y tế cơ sở, giúp ngành Y tế thực hiện tốt công tác truyền thông, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân tại cộng đồng; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu Y tế - Dân số như phòng chống dịch bệnh, sốt rét, các bệnh không lây nhiễm, suy dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình. Toàn tỉnh có 174 cô đỡ thôn bản được đào tạo từ 3-6 tháng trở lên đang thực hiện chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em tại các bản khó khăn (từ 9/2020 chức danh cô đỡ thôn bản không còn), hiện nay còn 855 nhân viên y tế/915 thôn bản, đạt 93,44%.
Triển khai hiệu quả phối hợp của các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã với trường học trong thực hiện công tác y tế trường học và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Hằng năm, ngành Y tế và Giáo dục đã tổ chức kiểm tra y tế học đường tại các cơ sở giáo dục; thực hiện giám sát vệ sinh môi trường, nguồn nước uống, nước sinh hoạt, các điều kiện về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong nhà trường, phòng chống tai nạn thương tích, phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể và bữa ăn bán trú cho cán bộ làm công tác y tế trường học. Các cơ sở y tế đã tích cực phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, Hội Người cao tuổi cấp huyện, xã và các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền về thách thức của quá trình “già hóa dân số” đối với việc chăm sóc sức khỏe và phát huy vai trò của người cao tuổi; làm tốt các hoạt động tư vấn và khám sức khỏe và hướng dẫn người cao tuổi tự chăm sóc bản thân để nâng cao sức khỏe về thể chất và tinh thần.
Công tác cán bộ y tế, nhất là đội ngũ cán bộ ở tuyến huyện, xã, phường và thôn bản được quan tâm, phát triển về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đến nay, các trạm y tế xã, phường cơ bản đủ về số lượng cán bộ theo quy định, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tại trạm y tế (năm 2002, bình quân 4 cán bộ/trạm y tế xã; năm 2022, bình quân 6 cán bộ/trạm y tế xã). Toàn tỉnh có 855/915 thôn, bản có y tế thôn bản, trên 90% y tế thôn bản được đào tạo qua các lớp từ 3 đến 6 tháng theo chương trình của Bộ Y tế.
Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho 100% cơ sở y tế trong toàn tỉnh. Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các trung tâm y tế huyện được đầu tư, triển khai ứng dụng phương pháp hội chẩn từ xa trong chẩn đoán khám, chữa bệnh, qua đó từng bước đáp ứng được nhu cầu về cơ sở hạ tầng phục vụ chăm sóc, khám chữa bệnh cho Nhân dân. Đảm bảo nguồn tài chính cho y tế cơ sở được quan tâm, đến nay mỗi trạm y tế được cấp trung bình 114 triệu đồng/năm đối với các xã biên giới; trung bình 108 triệu đồng/năm đối với các xã vùng khó khăn; đối với các xã còn lại 96 triệu đồng/năm.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các cấp, đến nay, 8/8 huyện, thành phố đều có Trung tâm y tế đa chức năng; 106 xã có trụ sở trạm y tế xã hoạt động; số xã, phường, thị trấn đạt chuẩn y tế Quốc gia tăng lên, năm 2002 chưa có xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, năm 2005 có 7 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế, năm 2011 có 57 xã đạt chuẩn Quốc gia về y tế; năm 2022 có 94/106 xã đạt Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế, góp phần quan trọng vào hoạt động khám, chữa bệnh cho Nhân dân. Số người bệnh đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh ngày càng tăng (năm 2002, trung bình một người dân được khám chữa bệnh 0,8 lần/người/năm, năm 2022 là 2,24 lần/người/năm).
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác củng cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế, khó khăn. Hệ thống y tế chậm đổi mới, chưa thích ứng kịp với sự phát triển của nền kinh tế thị trường; chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của Nhân dân; tổ chức mạng lưới y tế cơ sở và hoạt động của hệ thống y tế dự phòng còn hạn chế. Cơ sở hạ tầng của nhiều cơ sở y tế chưa đạt chuẩn, thiếu diện tích làm việc, các chỉ tiêu về tình trạng sức khỏe dân cư đạt ở mức thấp so với toàn quốc. Nhân lực tại các trạm y tế có cơ cấu chuyên môn chưa hợp lý, thiếu bác sỹ, cán bộ dược, y học cổ truyền; chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho lĩnh vực y tế dự phòng và y tế cơ sở còn thấp.
Để tiếp tục củng cố, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, Tỉnh ủy xác định tăng cường tuyên truyền, quán triệt, học tập các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tập trung phát triển tuyến y tế cơ sở, khẩn trương đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và phòng khám Đa khoa khu vực cho các cơ sở chưa có trụ sở hoặc xuống cấp nghiêm trọng. Duy trì đầu tư xây dựng trạm y tế đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; tiếp tục triển khai có hiệu quả đầu tư cho y tế cơ sở; Tăng cường áp dụng các phương pháp khám, chữa bệnh hiện đại, kết hợp y học cổ truyền, bảo đảm mọi người dân được cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản. Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, nhất là bác sỹ cho tuyến xã và bác sỹ chuyên khoa có trình độ cao. Tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, nâng cao y đức và tinh thần phục vụ người bệnh của đội ngũ cán bộ y tế, chú trọng đào tạo cán bộ là con em các dân tộc ở địa phương./.