Cách đây 69 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, sau 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Cát-xtơ-ri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Tập đoàn cứ điểm “một pháo đài bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa thực dân bị tiêu diệt hoàn toàn.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất, chói lọi nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Chiến thắng này góp phần quyết định đập tan hoàn toàn dã tâm xâm lược của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, buộc chúng phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, kết thúc chiến tranh ở Đông Dương.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh là đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ tự lực cánh sinh, đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, ý chí chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa kiểu cũ của chủ nghĩa đế quốc. Đây cũng là chiến thắng của tình đoàn kết chiến đấu bền chặt, thủy chung, son sắt giữa quân đội, nhân dân 3 nước Đông Dương và sự đoàn kết, giúp đỡ, ủng hộ của các nước anh em và bạn bè quốc tế. Góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại.
Trong suốt cả cuộc kháng chiến, nhất là ở những thời điểm có tính bước ngoặt quan trọng của cuộc chiến tranh, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn nắm vững lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, phát động cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, xây dựng và sử dụng lực lượng vũ trang cách mạng làm nòng cốt; đánh địch bằng cả sức mạnh của thời đại ngày nay trong sự kết hợp chặt chẽ với kinh nghiệm truyền thống của dân tộc, của nhân loại; đánh địch bằng sức mình là chính, đồng thời tranh thủ tối đa sự ủng hộ mọi mặt của các nước xã hội chủ nghĩa và bè bạn khắp 5 châu; chủ động tạo nên sự chuyển hóa căn bản về thế và lực, làm cho sức ta càng đánh càng mạnh và đẩy quân địch vào tình thế ngày càng khốn đốn, phải đầu hàng vô điều kiện.
Chiến thắng Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: Các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi. Chân lý đó đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc. Chiến thắng này đã làm thay đổi cục diện thế giới, khẳng định sức mạnh chính nghĩa của Việt Nam, của Nhân dân yêu chuộng hòa bình, độc lập trên thế giới.
Trong thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc Lai Châu vinh dự, tự hào bởi chiến dịch diễn ra trên địa bàn tỉnh và với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” tỉnh đã huy động sức người, sức của, tham gia phục vụ chiến dịch, góp phần giải phóng quê hương. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh Lai Châu đã có 700 cá nhân, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng Bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.
Kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Lai Châu được hoàn toàn giải phóng, trải qua 69 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên Lai Châu luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động, gần dân, sát cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời luôn gương mẫu, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, nên có sức lôi cuốn, động viên đông đảo nhân dân tham gia các phong trào cách mạng sâu rộng. Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng Lai Châu chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, nhất là sau gần 20 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới. Trong bối cảnh tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy truyền thống Điện Biên phủ Anh hùng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kinh tế phát triển nhanh, tốc độ tăng GDP bình quân hằng năm đạt trên 11%; thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 đạt trên 2.000 tỷ đồng, gấp 80 lần so với năm 2004; tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đạt 41 triệu đồng; đã có 2 huyện, thành phố và 39 xã hoàn thành và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống Nhân dân các dân tộc được nâng cao cả về vật chất và tinh thần. Quốc phòng - an ninh được xây dựng vững chắc, chủ quyền biên giới Quốc gia luôn ổn định và được giữ vững, quan hệ đối ngoại được mở rộng. Chính trị ổn định, khối đoàn kết toàn dân được tăng cường. Bộ máy Đảng, chính quyền, đoàn thể lớn mạnh, trưởng thành; năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu quả hoạt động của chính quyền, đoàn thể được nâng lên. Lai Châu đã từng bước vượt qua tình trạng đặc biệt khó khăn và tình trạng kém phát triển, đang tiến lên từng bước vững chắc, đến nay cơ bản nhiều chỉ tiêu phát triển đạt mức trung bình so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.
Phát huy tinh thần cách mạng tiến công của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết các dân tộc, khơi dậy khát vọng xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc; bảo đảm quốc phòng, an ninh vững chắc, giữ vững chủ quyền biên giới Quốc gia; quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”./.