Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 18/01/2018 của Ban Bí thư về "tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng, nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng". Tỉnh ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng gắn với thực hiện các đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy; chỉ đạo các cấp ủy tổ chức tuyên truyền, quán triệt, học tập Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là việc quán triệt, học tập được tổ chức nghiêm túc, toàn tỉnh tổ chức 1.772 hội nghị với 82.071 lượt người tham gia học tập, trong đó đảng viên đạt 96,04%, công chức, viên chức, người lao động chưa là đảng viên đạt 92,1% và trên 46.000 quần chúng nhân dân tham gia học tập. Thông qua hội nghị học tập, quán triệt và hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của đất nước, của tỉnh góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền về tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chị thị số 20-CT/TW, đến nay công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh đạt những kết quả quan trọng, nhất là việc sưu tầm, xử lý, kiểm tra, đối chiếu, xác mình tư liệu, hệ thống hóa tư liệu, lưu trữ tư liệu phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành được đẩy mạnh, có nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2018-2022, đã có 66 công trình lịch sử được nghiên cứu biên soạn, trong đó 55 công trình đã được xuất bản, phát hành, 10 công trình hoàn thành việc biên soạn, 1 công trình đang trong quá trình biên soạn, qua đó nâng cao tỷ lệ đảng bộ các xã, phường, thị trấn đã biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương lên 36,79% và tỷ lệ các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh biên soạn lịch sử truyền thống lên 23,19%. Cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ngành tổ chức công bố, ra mắt, giới thiệu và tuyên truyền sâu rộng các công trình lịch sử mới được xuất bản, phát hành thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân và sự lan tỏa trong xã hội. Các công trình lịch sử được nghiên cưu, biên soạn công phu, đảm bảo tính khách quan, trung thực, mang nhiều giá trị lý luận và thực tiễn. Công tác thẩm định các công trình lịch sử được chú trọng thực hiện theo phân cấp, nhiều công trình đã chú ý tổng kết thực tiễn, ra bài học kinh nghiệm của địa phương, của ngành góp phần thiết thực nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, xây dựng lý luận và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử truyền thống ngành được chú trọng, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng; được lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chi bộ, hội nghị báo cáo viên, cung cấp thông tin chính thống đến đội ngũ báo cáo viên các cấp, cộng tác viên dư luận xã hội. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy hình thức tuyên truyền miệng, tuyên truyền bằng tiếng dân tộc thiểu số trong các buổi sinh hoạt đoàn thể, khu dân cư, tổ dân phố; thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã thu hút đông đảo đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia. Báo Lai Châu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đẩy mạnh uyên truyền về lịch sử Đảng, lịch sử Đảng bộ tỉnh, sự kiện lịch sử của tỉnh, giáo dục lịch sử Đảng,… Trang Thông tin điện tử Tỉnh ủy, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, các website của ngành, địa phương đã đăng tải nhiều tin, bài ảnh về công tác lịch sử đồng thời tuyên truyền qua mạng xã hội facebook, zalo, fanpage… Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường phối hợp cùng Đoàn thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang, Hội Cựu chiến binh tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ nhân các ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh bằng các hình thức sân khấu hóa, gặp mặt các nhân chứng lịch sử,…
Sở Giáo dục - Đào tạo phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành biên soạn tài liệu giáo dục địa phương đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh (đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Lai Châu) và được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021. Trường Cao đẳng Cộng đồng, Trường Chính trị tỉnh, trung tâm chính trị các huyện, thành phố, tiếp tục đưa nội dung giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử cách mạng địa phương vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng tại đơn vị; các trường phổ thông tích hợp nội dung lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ trong chương trình giảng dạy bộ môn lịch sử dân tộc, lịch sử địa phương, giáo dục công dân. Đội ngũ giảng viên, giáo viên chủ động nghiên cứu, đổi mới phương pháp giảng dạy lịch sử Đảng, áp dụng phù hợp với từng đối tượng học sinh, tổ chức tối ưu quá trình dạy học, trong đó có sự kết hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học hiện đại, nhất là sử dụng các hình thức tổ chức lớp học thực tế gắn với các hoạt động về nguồn… Qua đó, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo, say mê trong học tập và nghiên cứu lịch sử Đảng của học viên và học sinh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh Lai Châu vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: một số đảng bộ cấp huyện chậm ban hành văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị; việc sưu tầm, lưu trữ tư liệu có mặt chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng một số công trình lịch sử còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân tham gia các cuộc thi tuyên truyền, tìm hiểu thông tin về lịch sử Đảng, lịch sử đảng bộ địa phương của một đơn vị chưa hiệu quả…
Để nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong toàn tỉnh tiếp tục tập trung phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 20-CT/TW, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể nhất là người đứng đầu về tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác Lịch sử Đảng đối với công tác xây dựng Đảng trong tình hình mới; đẩy mạnh công tác sưu tầm tư liệu; tiếp tục tập trung nghiên cứu, biên soạn và xuất bản công trình lịch sử; đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử Đảng, nhất là trong thế hệ trẻ bằng các hình thức phù hợp; đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giảng dạy lịch sử Đảng, lịch sử địa phương. Hoàn thành xây dựng tài liệu giảng dạy về lịch sử Đảng trong trường phổ thông, trung tâm chính trị cấp huyện theo lộ trình; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ tham mưu công tác lịch sử; bố trí đủ nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ của công tác lịch sử Đảng./.