Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa thủy điện Lai Châu thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia
Thứ ba - 13/08/2019 23:081.3830
Sáng ngày 12/8, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu, Bộ Công an đã phối hợp với chính quyền tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Công trình nhà máy thủy điện Lai Châu vào danh mục các công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia.
Ngày 16/4/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 419/QĐ-TTg về việc đưa công trình nhà máy thủy điện Lai Châu và danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia. Theo đó, Thủ tướng giao cho Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ Công thương, Tài chính, Quốc phòng, UBND tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các bộ, ngành liên quan lập kế hoạch, xây dựng phương án bảo vệ, tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia.
Công trình nhà máy thủy điện Lai Châu có 3 tổ máy, với tổng công suất lắp đặt 1200 MW, với sản lượng phát điện trung bình hàng năm là 4,67 tỷ kWh. Công trình được khởi công ngày 05/11/2011, phát điện tổ máy số 1 vào tháng 12/2015 và khánh thành ngày 20/12/2016. Từ khi đưa vào vận hành đến nay, nhà máy thuỷ điện Lai Châu đã phát điện lên hệ thống điện quốc gia được hơn 15,1 tỷ kWh, nộp ngân sách cho tỉnh Lai Châu là 2.834 tỷ đồng tính đến hết năm 2018.
Thủy điện Lai Châu là một trong số 6 nhà máy điện lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình có vai trò quan trọng trong việc cung cấp điện năng cho các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh, quốc phòng cho các tỉnh vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài chức năng phát điện và chống lũ cho các tỉnh đồng bằng Sông Hồng, công trình nhà máy thủy điện Lai Châu còn điều phối hợp lý nguồn nước, tăng khả năng phát điện cho các công trình thủy điện bậc thang phía hạ lưu sông Đà là thủy điện Sơn La và thủy điện Hòa Bình.
Theo thông báo của Bộ Công an về việc phân công nhiệm vụ các đơn vị triển khai quyết định của Thủ tướng và Đề án đảm bảo an ninh, an toàn công trình nhà máy của UBND tỉnh Lai Châu, tổng diện tích hành lang bảo vệ nhà máy thủy điện Lai Châu là hơn 504ha, bao gồm 7 mục tiêu bảo vệ gồm: đập chính, khu vực nhà máy, khu vực vùng nước riêng thượng lưu, khu vực vùng nước riêng hạ lưu, đường dây cấp điện tự dùng cho nhà máy, đường giao thông nội bộ bờ trái, bở phải và khu nhà điều hành sản xuất và kho vật tư thiết bị.
Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh tầm quan trọng của Công trình và đặc thù ở nơi vùng sâu, vùng xa, rừng núi, giáp biên giới còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an ninh, an toàn. Công trình rất có thể sẽ là mục tiêu mà các thế lực thù địch, chống đối và các hoạt động tội phạm về kinh tế, hình sự, thâm nhập phá hoại, trộm cắp thiết bị. Bất kỳ sự cố nào gây mất an ninh, an toàn công trình nhà máy thủy điện Lai Châu, nhất là đập hồ chứa nước với dung tích lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến các công trình thủy điện ở bậc thang dưới, đến các cơ sở kinh tế và dân cư phía hạ du.
Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng việc thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền địa phương, gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn. Công ty thủy điện Sơn La và Công an tỉnh Lai Châu cần sớm bổ sung những quy chế, quy định cụ thể để căn cứ vào đó triển khai thực hiện. Ngoài ra, các lực lượng vũ trang, ngành điện, các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường phối hợp, có cơ chế trao đổi với nhau thường xuyên. Chú ý làm tốt phòng trào "vì an ninh tổ quốc", tăng cường tuyên truyền để nhân dân thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của công trình để nhân dân tham gia vào công tác bảo vệ./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế