Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ của Đảng

Thứ sáu - 25/12/2020 10:19 10.984 0
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Cán bộ là gốc của mọi công việc" những năm qua, Đảng bộ tỉnh Lai Châu luôn coi trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và đạt được những kết quả quan trọng.
Lễ trao Bằng Tốt nghiệp lớp Cao cấp LLCT hệ không tập trung tỉnh Lai Châu, khóa 2018-2020
Lễ trao Bằng Tốt nghiệp lớp Cao cấp LLCT hệ không tập trung tỉnh Lai Châu, khóa 2018-2020
Trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng cán bộ và công tác cán bộ. Người cho rằng, một khi đã có đường lối cách mạng đúng thì cán bộ là khâu quyết định. Người viết: “Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ là những người đem đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo lại cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ để hoạch định chính sách cho phù hợp. Thực tế là mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Chính phủ đều do cán bộ nghiên cứu đề xuất, đồng thời cũng do cán bộ tổ chức, hướng dẫn nhân dân thực hiện. Đường lối của Đảng đúng hay sai, tổ chức thực hiện thành hay không đều phụ thuộc vào cán bộ. Động lực của mọi cuộc cách mạng là quần chúng nhân dân, mà hạt nhân chủ yếu của nó là lực lượng cán bộ. “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, chính là quan điểm về con người với tính cách vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. 

Người yêu cầu, Đảng cần tiếp tục làm tốt công tác cán bộ: từ việc xem xét, đánh giá đúng cán bộ, đến đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc, sử dụng và đãi ngộ cán bộ. Về đánh giá cán bộ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trước hết phải hiểu biết và đánh giá đúng cán bộ cả về đức và tài, về trình độ năng lực của mỗi cán bộ. Đây là công việc khó khăn, phức tạp, dễ gặp vướng mắc nhất nên không thể tùy tiện. Muốn vậy, công tác xem xét, đánh giá cán bộ phải lấy tiêu chuẩn hiệu quả, chất lượng công việc làm nền tảng. Người luôn nhắc nhở: cán bộ lãnh đạo, quản lý khi xem xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, tránh bệnh tự cao, tự đại, ưa nịnh hót, hoặc cảm tính, yêu ghét xuất phát từ lợi ích của người đánh giá; phải có phương pháp khách quan, toàn diện, xem xét cả quá trình phát triển của cán bộ. Trong quan điểm xem xét, đánh giá cán bộ, Người coi đạo đức là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức là cái gốc giúp người cán bộ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. “Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”. Về công tác huấn luyện, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Người coi đây chính là khâu có ý nghĩa quyết định đến chất lượng cán bộ. Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để làm việc nên nội dung huấn luyện phải rất cụ thể, tránh tình trạng học không thiết thực, học rồi không sử dụng được. Nguyên tắc huấn luyện là phải theo phương châm lý luận đi đôi với thực tế. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tiến hành toàn diện về chuyên môn nghề nghiệp, về lý luận, chính trị, văn hóa... Về công tác lựa chọn cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng biện pháp thi tuyển đội ngũ cán bộ, công chức; thi tuyển phải tùy theo từng ngành, từng cấp để tưng bước chuyên môn hóa được đội ngũ viên chức, làm cho họ trở thành những chuyên viên giỏi trong bộ máy Nhà nước. Về vấn đề cất nhắc, sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh coi đây là một nghệ thuật, là khâu trung tâm của công tác cán bộ. Người cho rằng, người lãnh đạo giỏi dùng cán bộ cũng như người thợ khéo dùng gỗ, phải nắm vững nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức của từng thời kỳ cách mạng, ở từng lĩnh vực khác nhau để có sự sắp xếp, điều động, điều chỉnh cán bộ cho phù hợp. Khi đánh giá đúng và bố trí công tác hợp lý cho cán bộ, phải tin cậy cán bộ, mạnh dạn giao việc để cán bộ chủ động, dám làm, dám chịu trách nhiệm; phải khéo kết hợp cán bộ ở các lứa tuổi, có trình độ năng lực, quá trình cống hiến khác nhau... 

Công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng của Đảng, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng, trong những năm qua, Tỉnh ủy, các cấp ủy, chính quyền các cấp luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo và triển khai thực hiện những quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, tư tưởng của Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ của Đảng; coi công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của tỉnh, thực hiện khá đồng bộ ở tất cả các khâu, đảm bảo dân chủ, khách quan. 

Công tác tuyển dụng được đổi mới thông qua thi tuyển cạnh tranh, đảm bảo ngành, lĩnh vực đào tạo phù hợp với yêu cầu, vị trí việc làm. Thông báo chủ trương về tuyển dụng, bố trí và sử dụng cán bộ cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, trong đó quan tâm tuyển dụng công chức, viên chức là người dân thiểu số thi tuyển công chức, viên chức các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, ngành Giáo dục và Đào tạo, Y tế; xét tuyển sinh viên cử tuyển... Các kỳ tuyển dụng thu hút rộng rãi các đối tượng tham gia dự tuyển, tính cạnh tranh cao hơn, do đó đã nâng cao chất lượng đầu vào của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. 

 Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ dần đi vào nền nếp, đúng thực chất; Tỉnh ủy chỉ đạo xây dựng quy chế đánh giá cán bộ gắn với tiêu chuẩn, trách nhiệm, chuẩn mực đạo đức ở mỗi chức danh nhằm đánh giá cán bộ một cách đúng đắn, khách quan. Kết quả đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cơ bản đã sát với kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ (90,66% hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, 8,39% hoàn thành nhiệm vụ, 0,95% không hoàn thành nhiệm vụ). Thực hiện nghiêm quy định lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước. Công tác quy hoạch cán bộ được chú trọng thực hiện đồng bộ ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã). Việc quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo cơ bản đảm bảo về số lượng, chất lượng từng bước được nâng lên; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, chất lượng ở tất cả các bước, đảm bảo số lượng, chất lượng, cơ cấu nữ, dân tộc, tuổi trẻ; gắn quy hoạch cấp ủy với chức danh lãnh đạo chủ chốt các cấp và quy hoạch chức danh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Trong nhiệm kỳ đã có 99 đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (tuổi trẻ 13,13%; nữ 23,23%, dân tộc thiểu số 38,38%); 687 đồng chí  được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cấp huyện và tương đương (tuổi trẻ 45,7; nữ 22%%, dân tộc thiểu số 38,9%); 1920 đồng chí được quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã (tuổi trẻ 62%; nữ 29,1%, dân tộc thiểu số 73,5%). Công tác bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định về phân cấp quản lý cán bộ, từng bước đồng bộ về cơ cấu; phát huy dân chủ đi đôi với đề cao trách nhiệm, thẩm quyền người đứng đầu trong lựa chọn, giới thiệu nhân sự, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; từng bước chuẩn hoá đội ngũ cán bộ của tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh giai đoạn 2015-2020. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức được đẩy mạnh với nhiều hình thức, toàn diện trên các mặt. Quan tâm củng cố hệ thống các trường, trung tâm đào tạo, thường xuyên chỉ đạo đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng. Cử cán bộ, đảng viên học cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; liên kết với các học viện, trường đại học mở các lớp đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ và lý luận chính trị. Trong nhiệm kỳ đã đào tạo, bồi dưỡng 35.950 lượt cán bộ, công chức, trong đó chuyên môn gần 700 người, lý luận chính trị trên 3.300 người. Đào tạo, bồi dưỡng gắn với quy hoạch cán bộ; tỷ lệ cán bộ, công chức có trình độ đại học và trên đại học đạt 88%, tăng 12,84%; viên chức có trình độ đại học và trên đại học đạt 51%, tăng 16,93% so với đầu nhiệm kỳ.

Công tác luân chuyển cán bộ được đẩy mạnh thực hiện, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị và khắc phục được tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, trong nhiệm kỳ các cấp đã luân chuyển trên 90 đồng chí. Cán bộ được bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, luân chuyển đã phát huy năng lực, sở trường, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách cán bộ; rà soát, điều chỉnh, bổ sung chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quản lý chặt chẽ biên chế, xác định số lượng biên chế phải giảm từng năm, đến tháng 10/2019 giảm 1.428 biên chế, đạt 6,62% so với biên chế Trung ương giao năm 2015. Tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao đạo đức, lối sống, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu, kỷ cương, kỷ luật trong thực thi công vụ, thực hiện chức trách nhiệm vụ của cán bộ; chú trọng yêu cầu rèn luyện, đào tạo cán bộ trong thực tiễn, gắn với thực hiện chủ trương tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn và từng bước bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương trong công tác điều động, luân chuyển cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, pháp luật; chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ, trước mắt tập trung vào thực hiện quy định về tuyển dụng, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện tốt chính sách cán bộ như nâng lương, giải quyết chế độ nghỉ hưu, tinh giản biên chế, chính sách hỗ trợ cán bộ đi học; thực hiện nghiêm chế độ khen thưởng, kỷ luật...

Công tác cán bộ đạt được những kết quả trên là do Đảng bộ tỉnh đã thực hiện đúng đắn những nguyên tắc về xây dựng Đảng, về công tác cán bộ, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; luôn thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ. Coi trọng việc đổi mới, trẻ hoá đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, kết hợp các độ tuổi, bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển; quan tâm đến cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc… Nhiều cán bộ được rèn luyện từ thực tiễn, không ngại khó khăn gian khổ, luôn sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, từ đó tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền có giải pháp tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo củng cố hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, thời gian qua công tác cán bộ của Đảng bộ tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém như: việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế ở một số cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; một số nơi thực hiện công tác cán bộ còn chưa đảm bảo tiêu chuẩn chức danh (thiếu ngoại ngữ, tin học...). Chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, một số nơi chưa quan tâm tạo nguồn cán bộ, cơ cấu còn bất cập, thiếu cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ. Một số cán bộ, công chức, viên chức trình độ, năng lực, trách nhiệm công vụ chưa cao,... 

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ là sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, là sự kết tinh truyền thống dùng người của ông cha ta, là đỉnh cao của “nghệ thuật” hay “phương sách” dùng người - bí quyết thành công của sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, những giá trị tư tưởng đó đã trở thành những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng. Đối với một tỉnh biên giới còn nhiều khó khăn như Lai Châu, công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, “vừa hồng, vừa chuyên” luôn là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị cần tiếp tục học tập, vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ vào tình hình thực tiễn của Đảng bộ tỉnh, trong đó tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:

Một là, Các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi đảng viên phải nhận thức một cách sâu sắc, triệt để về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đối với chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra. Vận dụng một cách sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ một cách hiệu quả, thiết thực; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị các cấp trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ.

Hai là, Tập trung sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, chức danh nghề nghiệp, vị trí việc làm và trình độ đào tạo phù hợp; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có sức khỏe tốt, trình độ chuyên môn, năng lực công tác đáp ứng yêu cầu. 

Ba là, Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ trong bộ máy chính quyền các cấp. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức gắn với bố trí, sử dụng, phát huy năng lực sở trường, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức giỏi, chuyên nghiệp đầu ngành, lĩnh vực có tư duy đột phá. Chú trọng thanh tra, kiểm tra, giám sát giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; đạo đức công vụ, văn hóa công sở của công chức, viên chức trong thi hành công vụ.

Bốn là, Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải đề cao vai trò, trách nhiệm trong nhận xét, đánh giá đảm bảo đúng thực chất, khách quan, công tâm; bố trí cán bộ phù hợp với năng lực, sở trường. Công tác tuyển dụng, lựa chọn, đào tạo đến bố trí, sử dụng cần tuân theo một quy trình thống nhất, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng Chú trọng việc luân chuyển để đào tạo, rèn luyện qua thử thách, kinh qua nhiều công việc, trọng trách, môi trường làm việc khác nhau, giúp cho cán bộ tích lũy được kinh nghiệm, bộc lộ được năng lực, tài năng, sở trường của mình. Đó cũng là là thước đo quan trọng về ý chí cách mạng, đạo đức công vụ, năng lực quản lý,... của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Năm là, Thực hiện hiệu quả các Đề án và Nghị quyết của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kết luận tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 30/9/2016 về “Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 - 2020”./.

Tác giả: Vũ Mai Lý

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số 477/CT-UBND

Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024

lượt xem: 1192 | lượt tải:56

Số: 07/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

lượt xem: 1766 | lượt tải:620

Số: 08/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển

lượt xem: 1762 | lượt tải:194

Số: 09/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

lượt xem: 2168 | lượt tải:220

Số 10/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

lượt xem: 1467 | lượt tải:187
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập229
  • Hôm nay24,146
  • Tháng hiện tại533,480
  • Tháng trước1,034,478
  • Tổng lượt truy cập27,427,736
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down