Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 04 của Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục
Ngày 20 tháng 7 năm 2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04 - NQ/TU “Về tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới” đã thực sự tạo “cú huých” thúc đẩy sự nghiệp giáo dục của tỉnh có bước phát triển mới. Tuy nhiên, sau 3 năm thực hiện bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần tập trung khắc phục, để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra. Phấn đấu đến năm 2020, chất lượng giáo dục tỉnh Lai Châu đạt mức khá trong khu vực các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.
Sau khi Nghị quyết số 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy được ban hành, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trong tỉnh đã khẩn trương, nghiêm túc tổ chức tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đồng thời cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch, quyết định để triển khai thực hiện, tạo bước chuyển quan trọng từ nhận thức đến hành động trong toàn Đảng bộ, toàn xã hội quan tâm đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của địa phương.
Kết quả sau 3 năm thực hiện Nghị quyết, hệ thống, quy mô trường lớp phát triển khá nhanh, các loại hình giáo dục và đào tạo được mở rộng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người học. Năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh có 428 trường, tăng 11 trường, trong đó có 55% số trường được học 2 buổi/ngày (vượt mục tiêu Nghị quyết 5%); với tổng số 123.641 học sinh tăng 5.488 học sinh so với năm học 2012 - 2013. Đội ngũ nhà giáo phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh có 10.852 cán bộ quản lý, giáo viên tăng 647 người so với năm học 2011 - 2012, trong đó tỷ lệ nhà giáo đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 98,5%.
Công tác xã hội hóa giáo dục có nhiều tiến bộ, các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện để người dân được học tập suốt đời được quan tâm triển khai thực hiện. Các chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ học sinh nghèo, học sinh dân tộc ít người, các đối tượng bị thiệt thòi trong xã hội được triển khai đồng bộ, tác động tích cực đến việc huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp và duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần. Năm học 2013 - 2014 toàn tỉnh huy động trẻ 5 tuổi ra lớp mẫu giáo đạt 99,1% (vượt mục tiêu Nghị quyết 0,1%); trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 98,5% (đạt); 97,8% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 (vượt 1,8%); học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 70%. Chất lượng giáo dục từng bước được nâng lên. Chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) Tiểu học - Chống mù chữ, PCGD Tiểu học đúng độ tuổi, PCGD Trung học sơ sở được duy trì tốt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 - NQ/TU của Tỉnh ủy cũng còn nhiều khó khăn, hạn chế. Cơ sở vật chất trường lớp học tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Một số công trình, lớp học của một số trường đã xuống cấp chưa được đầu tư sửa chữa kịp thời, một số trường đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ. Điều đáng quan tâm là đến hết năm 2013 toàn tỉnh vẫn còn 1.073 phòng học tạm và 253 phòng học nhờ (dưới gầm sàn nhà dân, Trung tâm giáo dục cộng đồng của xã...); thiếu 1.045 phòng ở cho học sinh bán trú, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng giáo dục và duy trì tỷ lệ học sinh chuyên cần của các trường học.
Công tác xã hội hóa giáo dục có mặt còn hạn chế, việc huy động nguồn lực cho phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh chưa nhiều, nguồn đầu tư chủ yếu vẫn từ nguồn ngân sách của Nhà nước và của tỉnh; một số cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân dân chưa thực sự quan tâm đến giáo dục, chưa quan tâm đến việc học của con em mình, cá biệt có nơi còn phó mặc cho ngành giáo dục, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội một số nơi thiếu chặt chẽ, hiệu quả thấp cao. Chất lượng giáo dục tuy đã được nâng lên một bước nhưng còn nhiều mục tiêu Nghị quyết đề ra chưa đạt và khó đạt, như: về đội ngũ nhà giáo có 41% có trình độ tin học chứng chỉ A trở lên (NQ 74%), 19% có trình độ ngoại ngữ từ chứng chỉ A trở lên (NQ 52%), 29% nhà giáo là đảng viên (NQ 50%), 70% cán bộ quản lý giáo dục và 1% giáo viên được đào tạo từ trung cấp lý luận chính trị trở lên (NQ 100% và 5%)...; về chất lượng giáo dục, 7,9% học sinh lớp 3 được học ngoại ngữ theo chương trình mới (NQ 50%), học sinh THCS xếp loại lực học khá, giỏi 27,3% (NQ trên 50%), học sinh THPT xếp loại lực học khá, giỏi 26,9% (NQ trên 40%)...
Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trên, đẩy mạnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy, cùng với việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành xác định trong chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết, tập trung thực hiện 3 nhóm giải pháp cơ bản:
- Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai thực hiện Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy gắn với thực hiện Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Trong đó, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở. Tăng cường công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân với các ngành, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhân thức của các cấp, các ngành và nhân dân các dân tộc về ý nghĩa, tầm quan trọng công tác giáo dục - đào tạo đối với sự phát triển của địa phương, từ đó nâng cao trách nhiệm của toàn xã hội tham gia thúc đẩy sự nghiệp giáo dục - đào tạo phát triển bền vững.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tập trung ưu tiên những nơi khó khăn, nhất là vùng tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn, từng bước khắc phục tình trạng thiếu phòng học, học nhờ dưới gầm sàn nhà dân. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các chính sách giáo dục đối với vùng dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn.
Để duy trì tỷ lệ chuyên cần và nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở và các chính sách hỗ trợ học sinh bán trú. Tỉnh cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp bậc THCS, nhất là học sinh trong các trường dân tộc nội trú.
- Nâng cao chất lượng quản lý giáo dục và đội ngũ nhà giáo. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý giáo dục các cấp, thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai đối với các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân; tăng quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và các cơ quan quản lý giáo dục.
Ngành giáo dục tỉnh tăng cường công tác rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên, đồng thời có kế hoạch cụ thể khắc phục tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn, giáo viên yếu về chuyên môn. Phối hợp với các cấp ủy Đảng, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tỉnh, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.
Thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 04 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 29 của BCH Trung ương Đảng khóa XI là góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh, nâng cao nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, tạo điều kiện để tỉnh phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới./.