Phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi - bước tiến của giáo dục và đào tạo Lai Châu
Thứ năm - 26/01/2017 02:022.0260
Xác định vai trò, tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo, trong những năm qua thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn” các cấp ủy đảng, chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được những kết quả nổi bật, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Ngay sau khi có Chỉ thị của Trung ương, Tỉnh ủy Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động số 36-CTr/TU ngày 23/5/2012 “về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn”; Ban hành Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020”. Đặc biệt, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đã xác định mục tiêu “Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở”.
Trên tinh thần thực hiện Chỉ thị của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, phổ biến nội dung phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi (PCDGMNTNT), củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền và các ngành chức năng đã tiến hành điều tra, rà soát và đánh giá thực trạng giáo dục mầm non, bổ sung cơ sở vật chất, khuyến khích huy động trẻ 5 tuổi đến trường. Đến tháng 12/2015, tỉnh Lai Châu được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn PCDGMNTNT. Duy trì bền vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục đúng độ tuổi (PCGDTH-ĐĐT) ở 100% các xã, phường, thị trấn, đến nay, 108/108 xã đạt chuẩn PCGDTH-ĐĐT mức độ 2, trong đó có 67 xã đạt chuẩn mức độ 3. 108/108 xã đạt chuẩn PCGD-THCS, trong đó có 33 xã đạt chuẩn mức độ 2, 05 xã đạt chuẩn mức độ 3.
Công tác xóa mù chữ được tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với việc duy trì, nhân rộng mô hình Trung tâm học tập cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu học tập của người dân, hiện nay toàn tỉnh có 108/108 trung tâm học tập cộng đồng. 100% các huyện giữ được chuẩn về GDTH-XMC mức độ 1. Tỷ lệ biết chữ ở các độ tuổi hằng năm đều tăng lên rõ rệt, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 đến 60 là 82,88%. Việc Phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở được chú trọng, tập trung tuyên truyền, tư vấn nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên, học sinh và phụ huynh; thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện công tác hướng nghiệp, phân luồng đối với học sinh cuối cấp. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên hằng năm đạt 70%; học trung cấp chuyên nghiệp, học nghề tại các trường trong tỉnh đạt 3,4%.
Con em đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách giáo dục đầy đủ, ý thức học tập được nâng lên
Với điều kiện của tỉnh miền núi, bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc thực hiện các nhiệm vụ về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn có những khó khăn do địa bàn rộng, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều… ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh ra lớp và duy trì sĩ số ở các cấp học, bậc học. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, phân luồng học sinh; thực hiện công tác tuyên truyền thiếu chiều sâu, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chỉ đạo, tổ chức huy động học sinh đến lớp và duy trì sĩ số học sinh chưa thường xuyên, quyết liệt. Chất lượng PCGD-THCS ở một số xã thiếu bền vững. Tỷ lệ học sinh bỏ học còn cao. Việc phân luồng học sinh sau THCS chuyển biến chậm. Chất lượng giáo dục toàn diện còn hạn chế, chưa đồng đều giữa các vùng. Tỷ lệ người mù chữ và tái mù chữ trong độ tuổi còn cao, nhất là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và trẻ em gái. Công tác tư vấn hướng nghiệp học nghề, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học thực hiện chưa đạt hiệu quả.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu về phổ cập giáo thiết nghĩ trong thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc quán triệt, học Chỉ thị số 10-CT/TW, Chương trình hành động số 36-CTr/TU; Nghị quyết số 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016-2020”. Tập trung xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và nâng cao chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, chú trọng công tác phát triển Đảng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trong toàn ngành. Đẩy mạnh việc huy động học sinh, duy trì sĩ số và nâng cao chất lượng giáo dục; phát triển hệ thống các trường phổ thông dân tộc bán trú, nội trú. Từng bước mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp, dạy nghề. Duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm học tập cộng đồng, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài; khuyến khích dạy tiếng, dạy chữ dân tộc thiểu số ở các địa phương có điều kiện. Tăng cường công tác xã hội hoá trong PCGD-XMC qua việc huy động các nguồn lực trong xã hội; tuyên truyền, vận động các đối tượng trong độ tuổi phổ cập đến trường, đóng góp nhân lực, vật lực, trí lực cho công tác PCGD-XMC. Đồng thời làm tốt công tác thi đua, khen thưởng cho các nhà giáo và học sinh có thành tích cao trong giảng dạy và học tập nhất là trong việc phổ cập giáo dục và xóa mù chữ./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế