Công tác tư tưởng có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong trong công tác xây dựng Đảng, góp phần tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh. Những năm qua, Đảng bộ tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng, đạt được những kết quả quan trọng. Góp phần củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân vào dự lãnh đạo của Đảng và sự nghiệp đổi mới của đất nước, tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận trong xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được đảm bảo; đưa Lai Châu cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tư tưởng của Đảng bộ vẫn còn những hạn chế, yếu kém, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa được tiếp cận, thụ hưởng các hoạt động công tác tư tưởng, nên chưa nắm bắt, hiểu biết các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đặc biệt, một số ít còn ngại khó, ngại khổ, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của cấp trên. Một bộ phận Nhân dân còn mơ hồ, mất cảnh giác, bị kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền đạo trái pháp luật, kích động di cư tự do, tham gia “xưng, đón vua”, thành lập “Nhà nước Mông”, khiếu kiện đông người, cá biệt một số ít còn vi phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật,... gây mất an ninh trật tự ở một số địa bàn. Công tác tư tưởng chưa thực sự trở thành một trong những biện pháp quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị; chưa khơi dậy tính chủ động, sáng tạo trong Nhân dân.
Những hạn chế yếu kém trong công tác tư tưởng của Đảng bộ có nguyên nhân khách quan từ điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh. Nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là căn bản: Nhận thức về công tác tư tưởng còn hạn chế, triển khai thực hiện có lúc, có việc chưa chủ động, thiếu sắc bén; năng lực triển khai thực hiện có mặt còn yếu, phối kết hợp trong công tác tư tưởng, hoặc với các công tác khác chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tư tưởng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu...
Trên cơ sở yêu cầu thực tiễn phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, thực hiện các chủ trương, nghị quyêt của Đảng về công tác tư tưởng; Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Đề án “Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu chung là: “Tạo sự thống nhất tư tưởng trong toàn Đảng bộ, sự đồng thuận xã hội; cổ vũ, động viên các tầng lớp Nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp, đến năm 2020 đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”; và 6 nhóm mục tiêu cụ thể trong học tập lý luận chính trị, đường lối, chủ trương của Đảng, xây dựng thiết chế công tác tư tưởng đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác tư tưởng, hướng vào lãnh đạo chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác tư tưởng của cấp ủy theo nhiệm kỳ và hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể đến cơ sở; phát huy tốt vai trò của các cơ quan tham mưu thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là sinh hoạt tư tưởng, giáo dục chính trị cho cán bộ, đảng viên, bám sát việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận, hoạt động văn hóa, văn nghệ, công tác giáo dục truyền thống; tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí; đưa kênh truyền hình Lai Châu lên vệ tinh Vinasat, hoàn thành kế hoạch số hóa truyền hình mặt đất; tăng kỳ Báo Lai Châu, nâng cấp Báo Lai Châu điện tử... Tăng cường hoạt động báo cáo viên, tuyên truyền miệng từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác nắm bắt dư luận xã hội, tập trung dự báo, phát hiện sớm tình hình và có các giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề nóng, nhạy cảm. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị. Phát huy hiệu quả hệ thống bảo tàng, thư viện, tủ sách pháp luật, điểm bưu điện văn hóa xã, nhà văn hóa xã, thôn, bản, tổ dân phố trong tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các chi hội văn học, nghệ thuật. Nâng cao chất lượng sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ quan làm công tác tư tưởng - văn hóa của tỉnh.
Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, đảm bảo
sự phát triển bền vững của tỉnh
Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn; công tác giáo dục lý luận chính trị. Trọng tâm là tiếp tục nâng cao chất lượng nghiên cứu, xây dựng, ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch hành động của cấp ủy các cấp; hoạt động nghiên cứu khoa học, nhằm cung cấp các luận cứ khoa học cho việc hoạch định, phát triển trong các chủ trương, chính sách của Đảng bộ phù hợp với thực tiễn của tỉnh. Chú trọng tổng kết thực tiễn, sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Nâng cao chất lượng tổ chức học tập nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Tập trung đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học lý luận chính trị theo hướng gắn lý luận với thực tiễn; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên. Nâng cao chất lượng tổng hợp, biên soạn, cung cấp các tài liệu phục vụ công tác tư tưởng; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đấu tranh phản bác những luận điệu tuyên truyền sai trái, thù địch. Chú trọng định hướng công tác tư tưởng rõ nội dung, hình thức công tác tư tưởng đối với cơ sở phù hợp với từng vùng, từng đối tượng. Tạo môi trường, không khí dân chủ, điều kiện thuận lợi để cán bộ, đảng viên và Nhân dân bày tỏ thái độ, quan điểm, đóng góp ý kiến xây dựng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; củng cố niềm tin của các tầng lớp Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên; củng cố khối đoàn kết các dân tộc; tạo sức đề kháng phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa ngay tại cơ sở.
Tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nhất là giáo dục đạo đức cách mạng; tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nhân cách và phòng chống có hiệu quả chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng trong cán bộ, đảng viên. Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành việc làm tự giác, thường xuyên; chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu.
Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác tư tưởng các cấp; nhất là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và phương pháp nghiên cứu khoa học. Thành lập đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, cấp huyện; nghiên cứu thành lập tổ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận cấp xã; củng cố ban tuyên giáo đảng ủy các xã, phường, thị trấn. Tăng cường quản lý, định hướng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, công tác viên dư luận xã hội các cấp.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đề ra 6 nhiệm vụ để thực hiện Đề án, trong đó chú trọng đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng; trọng tâm là đổi mới, nâng cao chất lượng việc xây dựng, ban hành các nghị quyết, chương trình hành động thực hiện chỉ thị, nghị quyết, kết luận của cấp trên, đảm bảo sát thực, phù hợp với thực tiễn cơ sở. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp làm công tác tư tưởng, chủ động nắm bắt, đánh giá, dự báo diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên, quần chúng Nhân dân, có biện pháp giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm, bức xúc tại địa phương, đơn vị.
Nâng cao chất lượng hoạt động các cơ quan tham mưu công tác tư tưởng của cấp ủy các cấp. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác tư tưởng; nghiên cứu kiện toàn, củng cố ban tuyên giáo và cán bộ làm công tác tuyên giáo, tổ báo cáo viên, cộng tác viên dư luận xã hội xã, phường, thị trấn. Tiếp tục nâng cao chất lượng tham mưu của hệ thống ban tuyên giáo các cấp, nhất là việc định hướng công tác tư tưởng, đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với từng loại hình công tác tư tưởng. Nâng cao năng lực dự báo, tăng cường nắm bắt dư luận xã hội; kịp thời định hướng, ngăn chặn thông tin lệch lạc; ngăn ngừa, đấu tranh phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. định hướng, quản lý có hiệu quả hoạt động các cơ quan thông tin báo chí.
Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, các lực lượng làm công tác tư tưởng; kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức, công tác phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp giữa các cơ quan tư tưởng, văn hóa của tỉnh với cấp ủy trực thuộc tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp, các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh. Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, khắc phục tình trạng cán bộ, đảng viên ngại việc, chọn việc, không chấp hành sự phân công của tổ chức. Gắn công tác tư tưởng với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với phong trào cách mạng của quần chúng.
Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát việc triển khai thực hiện công tác tư tưởng ở cơ sở để có các bước điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn
Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ quan tư tưởng - văn hóa cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện các chương trình, mục tiêu, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội cần chú trọng quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác tuyên truyền; tập huấn, hướng dẫn tổ chức thực hiện tạo sự đồng thuận trong xã hội. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ hoạt động công tác tư tưởng ở cơ sở; nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ cấp xã, truyền thống ngành, đoàn thể. Tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng bộ đảm bảo kịp thời, hiệu quả, tránh hình thức. Biểu dương, khen thưởng những mô hình hay, việc làm tốt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác tư tưởng của Đảng bộ.
Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tư tưởng của Đảng bộ tỉnh chính là nâng cao hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức các hoạt động tư tưởng đang diễn ra trong xã hội và trong tổ chức Đảng nhằm xây dựng Đảng bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở Đảng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ đội ngũ cán bộ, đảng viên; củng cố đoàn kết trong Đảng, mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, tạo sự đồng thuận trọng xã hội. Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc” vào năm 2020./.