Phóng viên: Thưa đồng chí, đồng chí có thể khái lược những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế, xã hội mà tỉnh Lai Châu đạt được trong năm 2015?
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Năm 2015, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được những thành quả vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật nhất là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,05%, thu nhập bình quân đầu người đạt 18,2 triệu đồng. Nếu so với năm 2004, Lai Châu mới chỉ đạt 3,4 triệu đồng/người/năm, thì sau 12 năm tỉnh đã đạt tăng hơn 4 lần. Thu ngân sách, năm 2004 khi mới chia tách, thành lập, toàn tỉnh mới thu được 23 tỷ, thì đến năm nay đạt trên 1.000 tỷ đồng. Sản lượng lương thực năm 2015 đạt trên 196.000 tấn. Về giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội có bước phát triển tiến bộ và vượt bậc về quy mô cũng như chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh Lai Châu đã đăng cai tổ chức hội thi thể dục thể thao các tỉnh miền núi phía Bắc. Đây cũng là một trong các hoạt động mục tiêu của tỉnh là giữ gìn, bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Vào đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xấp xỉ 47%, thì đến nay tỉ lệ hộ nghèo còn 20,48%. Kết quả nổi bật đó là sản xuất nông nghiệp và phong trào xây dựng nông thôn mới. Đến thời điểm hiện nay, Lai Châu đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nhưng chỉ tiêu tiến bộ hơn cả đó là bình quân các tiêu chí từ khi phát động phong trào, Lai Châu mới đạt 2,82 tiêu chí/xã, thì đến nay đã đạt trên 11 tiêu chí/xã. Cùng với các kết quả đạt được của 5 năm trước, Lai Châu đã từng bước vượt qua khó khăn, ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn và tình trạng kém phát triển.
Phóng viên: Phát huy thành quả đạt được của năm 2015, năm 2016 tỉnh Lai Châu tiếp tục đề ra mục tiêu như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Hệ thống các chỉ tiêu đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 13 khẳng định khá rõ nét. Riêng năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đặt ở tốc độ đạt trên 17%/năm. Lý do là năm 2016, hệ thống các nhà máy thủy điện đi vào hoạt động bắt đầu truyền tải điện trên điện lưới quốc gia. Khi đó, sản lượng điện sẽ tăng lên, đồng nghĩa với nó là tổng giá trị sản phẩm kinh tế của địa phương sẽ tăng lên. Về thu nhập bình quân đầu người, Lai Châu phấn đấu đạt trên 22 triệu đồng/người, thu ngân sách phấn đấu đạt 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ giảm nghèo phấn đấu giảm 3,5%. Nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2020 Lai Châu sẽ có 50% số xã đạt chuẩn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Và như vậy, trong năm 2016 tỉnh sẽ phải phấn đấu đạt ít nhất 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Chè và cao su đã và đang là những cây mũi nhọn giúp đồng bào các dân tộc tỉnh Lai Châu xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu
Phóng viên: Tỉnh Lai Châu đã có giải pháp cụ thể như thế nào để đưa địa phương trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc vào năm 2020?
Đồng chí Đỗ Ngọc An: Với mục tiêu là tạo sự liên kết giữa tỉnh Lai Châu với các tỉnh bạn và với các trung tâm phát triển của đất nước. Giải pháp để phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh phát triển trung bình là tăng cường liên kết giữa các xã với xã, giữa các huyện với huyện, hình thành các không gian phát triển kinh tế thuận lợi và phù hợp. Chính phủ đã đồng ý cho địa phương kết nối đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai với thành phố Lai Châu và với cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng. Ngoài ra, Lai Châu cũng sẽ xây dựng các hệ thống đường nối giữa huyện Mường Tè với huyện Nậm Nhùn và huyện Sìn Hồ, kết nối với quốc lộ 32 và 4D để tạo thành vành đai giao thông. Tuyến giao thông tiếp theo là Lai Châu sẽ kết nối huyện Tân Uyên, huyện Than Uyên, Tam Đường và Sìn Hồ nối với quốc lộ 279 để từ đó tạo ra không gian phát triển nông nghiệp, du lịch, hình thành các hệ thống dịch vụ. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, để sớm thu hút, thúc đẩy kinh tế cửa khẩu phát triển.
Cùng với phát triển hạ tầng, Lai Châu sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hoạt động trong các cơ quan chính quyền tỉnh, huyện, xã. Với mục tiêu cải cách hành chính phải tốt hơn, tạo sự thân thiện với người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường tốt nhất cho người dân được yên tâm và doanh nghiệp được phát triển. Đẩy mạnh, củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực công tác của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Đây là một trong những nhiệm vụ được Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định là một trong 3 chương trình trọng tâm. Chính nó sẽ là chương trình cốt lõi, có tính lan tỏa và định hướng lãnh đạo các chương trình, nhiệm vụ khác.
Ngoài ra, Lai Châu sẽ chăm lo phát triển đạo tạo nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng đào tạo nghề, mà muốn làm như vậy thì chất lượng giáo dục phải gắn liền với đào tạo. Cho nên tỉnh sẽ vừa phải xây dựng, củng cố hệ thống trường lớp về cơ sở vật chất, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng học của học sinh. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đáp ứng ngang tầm của một tỉnh phát triển trong điều kiện mới.
Đánh giá của ngân hàng thế giới, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất cả nước. Cho nên là không thể ngày một, ngày hai có thể giảm nghèo được, mà muốn giảm nghèo thì phải có lộ trình, có bước đi, có cách thức và có mô hình rất cụ thể, thì người nghèo thoát nghèo mới bền vững. Đồng thời với giảm nghèo, tỉnh sẽ thúc đẩy nhanh sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để đảm bảo từ nay đến năm 2020 bộ mặt nông thôn của Lai Châu sẽ được đổi mới. Đời sống của nhân dân cả về vật chất và tinh thần sẽ ngày càng tiến bộ.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!