Bên cạnh những thành tựu vượt bậc, trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thì tỉnh vẫn còn nhiều mặt yếu kém. Đến nay, Lai Châu vẫn còn là tỉnh nghèo so với khu vực miền núi phía Bắc và cả nước; có 6/8 huyện nghèo (gần bằng 10% huyện nghèo cả nước) và có 77 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ nghèo cao thứ 2 cả nước; tổng sản phẩm bình quân đầu người mới bằng 80% bình quân của vùng và bằng 40% so với bình quân cả nước. Văn hóa - xã hội có mặt phát triển chậm; đời sống vật chất, tinh thần một bộ phận nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới còn nhiều khó khăn. Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thấp; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, điều hành của chính quyền một số nơi, trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn yếu... Để cải thiện các chỉ số phát triển so với khu vực và cả nước, cùng với việc tập trung nguồn lực khai thác các tiềm năng, lợi thế, lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo; vẫn đòi hỏi tỉnh phải có quan điểm mang tính động lực là “phát triển toàn diện, nhanh và bền vững” để “đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”.
Phát triển toàn diện chính là sự quan tâm phát triển tổng thể trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời là sự phát triển đồng đều trong nội tại của từng lĩnh vực đó; để Lai Châu có sự phát triển cân đối, hài hòa, không bị tụt hậu quá xa so với sự phát triển của các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc nói riêng và cả nước nói chung. Việc khắc phục những “điểm nghẽn”, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh bằng các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm như 5 thành tố đầu của chủ đề Đại hội là nhằm tạo ra sự cân đối giữa các lĩnh vực; tạo ra các nguồn nội lực cho sự phát triển toàn diện; đây cũng là điều kiện cần thiết để tỉnh phát triển nhanh và bền vững, vừa là mục tiêu, vừa là nhiệm vụ tổng quát, xuyên suốt nhiệm kỳ 2015 - 2020 và giai đoạn tiếp theo. Mặt khác, nhiệm vụ phát triển toàn diện, nhanh và bền vững cũng chính là sự quyết tâm của Đảng bộ nhằm khắc phục những hạn chế kéo dài được các đại hội Đảng bộ tỉnh sau thời điểm chia tách, thành lập tỉnh năm 2004 đến nay chỉ ra như: “Khoảng cách phát triển của Lai Châu còn khá xa so với các địa phương khác trong cả nước” (Đại hội XI); “Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo và còn rất khó khăn” (Đại hội XII); “Lai Châu vẫn là tỉnh nghèo...”, “...là tỉnh còn nhiều khó khăn” (Đại hội XIII).
Đồng thời, việc Đại hội Đảng bộ tỉnh lần này đề ra nhiệm vụ “phát triển toàn diện, nhanh và bền vững...” cũng là nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 của Đảng theo quan điểm phát triển là: “Phải phát triển bền vững về kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh kinh tế. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, coi chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh là ưu tiên hàng đầu, chú trọng phát triển theo chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. Phát triển kinh tế - xã hội phải luôn luôn coi trọng bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Nước ta có điều kiện phát triển nhanh và yêu cầu phát triển nhanh đang đặt ra hết sức cấp thiết. Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững” (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, H. 2011, tr. 98, 99).
Tỉnh Lai Châu trong điều kiện còn nhiều khó khăn, để vươn lên cùng với sự phát triển chung của đất nước, không có cách nào khác ngoài việc phải nổ lực phấn đấu để vươn lên để phát triển nhanh, vững chắc và toàn diện hơn; giảm nhanh và tiến tới không còn xã nghèo, huyện nghèo; nâng cao thu nhập cũng như đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc. Bên cạnh đó, sau 12 năm chia tách, thành lập tỉnh; dưới sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, hiệu quả của Trung ương; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã phát huy khối đại đoàn kết; nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, khâu đột phá để giành được nhiều thành quả quan trọng làm tiền đề vững chắc cho sự phát triển trong những giai đoạn tiếp theo. Các chính sách dân tộc được quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả, nhất là các chính sách về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm; tái định cư các công trình thủy điện; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới... đã góp phần sắp xếp lại dân cư, ổn định đời sống, sản xuất cho đồng bào các dân tộc và giảm nghèo nhanh, đây là điều kiện quan trọng cho quá trình phát triển mới.
Tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần Nhân dân các dân tộc trong tỉnh (ảnh: TP)
Kinh tế - xã hội của tỉnh đã cơ bản ra khỏi tình trạng kém phát triển; các công trình, dự án được đầu tư xây dựng đã và đang được hoàn thiện, đưa vào khai thác và phát huy tác dụng, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ nét, như hệ thông giao thông, điện lưới quốc gia, các công trình văn hóa - xã hội, các công trình thủy điện lớn, các dự án phát triển kinh tế - xã hội, đây vừa là điều kiện nền tảng vừa là động lực cho mục tiêu mới. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành nghề mới đã tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thêm thu nhập và nâng cao tay nghề, tác phong lao động cho lực lượng lao động của tỉnh; hệ thống các cơ chế, chính sách của tỉnh tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện; cùng với các dự án, công trình hạ tầng động lực cho phát triển sẽ được triển khai như: Xây dựng và cải tạo các tuyến đường nối thành phố Lai Châu, cửa khẩu Ma Lù Thàng với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; xây dựng sân bay Lai Châu..., bảo đảm kết nối nhanh hơn giữa tỉnh với các địa bàn trọng điểm trong cả nước, đây là nhưng tiền đề cần thiết để tỉnh có thể hướng tới phát triển toàn diện, nhanh và bền vững để hướng tới mục tiêu đạt trình độ phát triển cao hơn về kinh tế - xã hội.
Cùng với những đánh giá nghiêm túc, khách quan những thành tựu, cũng như những hạn chế, yếu kém của tỉnh trong những năm qua; dự báo đặc điểm, tình hình và xem xét mọi khả năng của quá trình phát triển như đã nêu ở trên, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra 10 chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020 và mục tiêu tổng quát, xuyên suốt cho cả nhiệm kỳ và những năm tiếp theo là “Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”./.