Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 01-CT/TW, ngày 22/3/2016 của Bộ Chính trị về việc học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để sớm đưa Nghị quyết Đại hội đi vào cuộc sống thiết thực, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, ngày 20/6/2016 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Cùng với việc xác định mục tiêu nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”. Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định nhiệm vụ trọng tâm cần lãnh đạo, chỉ đạo là: thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng gắn với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII. Đồng thời, xác định rõ 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện: Phát triển kinh tế nhanh, bền vững; Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại; Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững được xác định là trọng tâm thứ nhất.
Việc xác định phát triển kinh tế nhanh, bền vững được căn cứ vào mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội XII của Đảng “... Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại...” và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ tỉnh “... Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc”. Đồng thời, trên cơ sở thực tiễn của tỉnh với những tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên nước. Toàn tỉnh hiện có 93.000 ha đất đang trồng cây nông nghiệp; 409.000 ha đất đã có rừng và cây đa mục đích và còn khoảng trên 300.000 ha đất trống, đồi núi trọc có thể khai thác để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn có 16.500 ha diện tích mặt nước, trong đó 15.800 ha mặt nước các hồ thủy điện thuận lợi cho phát triển thủy sản. Cùng với, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước; Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc có truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn thách thức vươn lên và 6 kinh nghiệm được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII rút ra trong công tác lãnh đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, đặc biệt là sau 30 năm đổi mới, 12 năm chia tách, thành lập Lai Châu đạt được những thành tựu có ý nghĩa quan trọng, “đã cơ bản đưa Lai Châu ra khỏi tình trạng kém phát triển”. Đây là những động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục xây dựng và phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Để Lai Châu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định: Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm với việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh về đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu..., trong đó cây lương thực được xác định với mục tiêu là đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh, tập trung mở rộng sản xuất cây trồng có lợi thế, chuyển một số vùng sản xuất tập trung sang sản xuất lương thực hàng hóa theo hướng chất lượng cao và hướng tới thị trường cao cấp; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo quy mô trang trại; phát triển thủy sản, cá nước lạnh theo quy hoạch; tập trung thực hiện mục tiêu bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng thay thế, phát triển kinh tế rừng, phấn đấu đến năm 2020 trồng mới trên 5.500 ha rừng; tập trung phát triển 3 vùng kinh tế theo quy hoạch, huy động các nguồn lực, thu hút đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển để khai thác tối đa tiềm năng của từng vùng... Trong sản xuất nông, lâm nghiệp chú trọng thu hút đầu tư phát triển, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, giống mới, đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất sản lượng, chất lượng, hiệu quả sản xuất. Thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của người dân, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, phấn đấu đến năm 2020 bình quân các xã đạt 15,5 tiêu chí, 35 - 40% xã đạt chuẩn nông thôn mới. Chú trọng phát triển công nghiệp theo quy hoạch. Quản lý chặt chẽ chi tiêu tài chính, đảm bảo nguồn lực cho thực hiện các nghị quyết, đề án, chương trình thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội. Phát triển thương mại, dịch vụ, trọng tâm phát triển sản xuất sản phẩm xuất khẩu, gắn kết chặt chẽ khâu xúc tiến thương mại với đầu tư phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, bền vững...
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới (ảnh: TP)
Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được xác định ưu tiên đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, phát triển hệ thống giao thông là nhiệm vụ đột phá với mục tiêu, nhiệm vụ được xác định: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông - Vận tải và các bộ, ngành liên quan sớm triển khai thi công tuyến đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai - Lai Châu; xây dựng và cải tạo các tuyến đường nối thành phố Lai Châu, cửa khẩu Ma Lù Thàng; sân bay Lai Châu. Phát triển hệ thống đường tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV, V; nâng cấp các tuyến đường huyện, liên xã chủ yếu đạt cấp VI, giao thông nông thôn A; phấn đấu đến năm 2020, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa, 90% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; xây dựng, nâng cấp, nhựa hóa trên 50% các tuyến đường tuần tra biên giới trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng xác định cần tăng cường bảo vệ tài nguyên và môi trường, nhằm đảm bảo cho tỉnh phát triển bền vững. Trọng tâm là Quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai, hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử sụng đất, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, khoáng sản, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chủ động ngăn ngừa, nâng cao khả năng phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ đã được xác định, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, các ngành chức năng tham mưu xây dựng các đề án, nghị quyết chuyên đề, như: Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Đề án thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020. Lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Lai Châu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”. Đây là những Đề án, nghị quyết quan trọng tạo bước đột phá, khai thác tiềm năng thế mạnh của tỉnh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững trong giai đoạn tới.
Từ những mục tiêu, định hướng cơ bản đã được xác định trên cơ sở Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và điều kiện thực tiễn của địa phương, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất định Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sẽ được triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, sớm đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống thiết thực hiệu quả, xây dựng Lai Châu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”./.