Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lai Châu: Cần đổi mới để đạt mục tiêu chất lượng
Thứ tư - 08/06/2016 04:231.1210
Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã đào tạo nghề cho 14.681 người, trong đó đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng cho lao động nông thôn 13.437 người, đào tạo nghề cho người nghèo 1.095 người, đào tạo nghề cho người khuyết tật 149 người.
Lai Châu mặc dù là tỉnh còn gặp nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua được sự quan tâm của Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh và sự phối hợp chặt chẽ của các các cấp, các ngành và sự nỗ lực vươn lên của cộng đồng các dân tộc. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là Đề án 1956), Hội đồng Nhân dân tỉnh đã phê duyệt Nghị quyết thông qua Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011 - 2020” với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề từ cấp tỉnh đến xã; 7/8 huyện, thành phố đã thành lập Trung tâm dạy nghề và 18 cơ sở tham gia công tác đào tạo nghề. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề của các cơ sở dạy nghề được tăng cường đầu tư đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động; công tác xây dựng và phát triển chương trình dạy nghề ngày càng hoàn thiện hơn; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề phát triển về cả số lượng và từng bước nâng lên về chất lượng. Hiện nay, một số địa phương của tỉnh đã tự cân đối nguồn ngân sách để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần tích cực trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo và chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2013 đến nay tỉnh đã đào tạo nghề cho 14.681 người, trong đó đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng cho lao động nông thôn 13.437 người, đào tạo nghề cho người nghèo 1.095 người, đào tạo nghề cho người khuyết tật 149 người. Trong tổng số người được đào tạo nghề có 2.683 người học nghề phi nông nghiệp, 11.998 người học nghề nông nghiệp. Đối tượng tham gia học nghề trên địa bàn tỉnh cơ bản là người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Trong số người đã học xong, có 11.896 người có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, góp phần nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật năm 2015 đạt 40,11%, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề chiếm 29,25%.
Nhìn chung, công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khoá học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo nhanh và bền vững. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lai Châu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh. Công tác tuyên truyền, phổ biến về dạy nghề cho lao động nông thôn chưa sát với thực tế, chưa phong phú về hình thức; việc triển khai công tác đào tạo nghề còn chậm, thiếu đồng bộ, chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quy hoạch nông thôn mới, còn quan tâm về số lượng, chất lượng còn thấp, chưa phù hợp với nhu cầu của người học và người sử dụng lao động; cơ sở vật chất, trang thiết phục vụ công tác dạy nghề, nhất là ở cơ sở còn hạn chế; đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về dạy nghề thiếu về số lượng và yếu về nghiệp vụ.
Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do trình độ dân trí của người dân không đồng đều giữa các vùng; nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp về vị trí chiến lược công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa đầy đủ, chưa đầu tư, huy động, bố trí các nguồn lực để thực hiện công tác dạy nghề; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành liên quan còn chưa thường xuyên, thiếu chặt chẽ và chưa mang lại hiệu quả cao; chưa huy động được sự đóng góp của toàn xã hội và sự tham gia của các doanh nghiệp đối với công tác đào tạo nghề.
Trong thời gian tới để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn thật sự đi vào cuộc sống, tạo được sự đồng thuận cao của người dân, tỉnh Lai Châu đã xác định nhiệm vụ quan trọng của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn là phải xuất phát từ nhu cầu học nghề của lao động nông thôn, nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo nghề của thị trường lao động gắn với công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề; chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý; xây dựng chương trình, giáo trình để nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề nông nghiệp. Tiếp tục đầu tư, huy động, lồng ghép các nguồn lực ngân sách trung ương và địa phương, các chương trình, dự án, đề án và các nguồn xã hội hóa thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh các hoạt động tư vấn học nghề, lựa chọn cơ sở dạy nghề, số lao động nông thôn học nghề; tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế