Những năm qua, nền nông nghiệp có bước phát triển khá toàn diện theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất tập trung, chuyên canh, phát triển sản phẩm lợi thế, nâng cao giá trị. Đã triển khai đồng bộ, kịp thời các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, phát triển chăn nuôi, khai thác thủy sản, ứng phó với khí hậu thất thường, thiên tai... Hình thành, phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung như: lúa, ngô, cao su, chè; từng bước mở rộng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với người dân. Năm 2016, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp đều đạt khá, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 206 nghìn tấn, vượt 4,4% kế hoạch; trồng mới 609 ha cây chè, vượt 59 ha so với kế hoạch, sản lượng chè búp tươi đạt 23.670 tấn, tăng 660 tấn so với năm 2015; tốc độ tăng đàn gia súc đạt 5,38%; sản lượng nuôi trồng và đánh bắt thủy sản đạt 2.290 tấn, tăng 140 tấn so với năm 2015; đã tổ chức mở mủ và khai thác trên 70 ha cao su, sản lượng mủ đạt trên 107 tấn khô. Trồng mới rừng phòng hộ 315 ha, rừng thay thế các hồ thủy điện 2.694 ha vượt 809 ha, rừng trồng từ các chương trình, mô hình khác 167 ha; khoán bảo vệ rừng trên 195 nghìn ha, khoanh nuôi rừng tái sinh gần 43 nghìn ha; thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng trên 513 nghìn ha với tổng kinh phí trên 232 tỷ đồng; qua đó, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 46,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ, quyết liệt và đạt kết quả rõ nét, bình quân mỗi xã đạt 11,9 tiêu chí; có 5 xã hoàn thành 19 tiêu chí, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 20 xã.
Những kết quả trong phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh so với trước đây là một bước tiến vượt bậc, song thực tế, phát triển ngành nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; quản lý, bảo vệ rừng một số nơi hiệu quả chưa cao; áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ. Sản xuất nông nghiệp ở một số xã vùng sâu, vùng xa còn chậm phát triển, hiệu quả thấp. Chất lượng, tính bền vững trong thực hiện các tiêu chí nông thôn mới có mặt chưa đảm bảo, nhất là các tiêu chí về thu nhập, y tế, môi trường. Đời sống của nông dân vùng sâu, vùng xa còn khó khăn. Từ thực tế đó, để nông nghiệp thực sự phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nhiệm vụ trọng tâm lãnh đạo, chỉ đạo của nhiệm kỳ, cần tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách, đề án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp giai đoạn 2016-2020; tăng cường ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để xây dựng nền nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học thân thiện với môi trường; xóa bỏ dần tư duy nông nghiệp cũ để sản xuất hàng hóa, đưa người dân tiếp cận, thích ứng với thị trường. Có chính sách đủ mạnh để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; gắn kết với bà con nông dân, các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường. Tiếp tục phát triển mạnh giao thông, thủy lợi nội đồng gắn với tổ chức tốt việc quản lý, vận hành, duy tu, sửa chữa để khai thác tối đa hiệu quả năng lực các công trình đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp; cải tạo đồng ruộng, hình thành các cánh động tập trung. Lồng ghép các nguồn lực từ các nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp để triển khai thực hiện hiệu quả các đề án trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Mô hình thâm canh lúa thuần tại bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng,
huyện Tân Uyên
Tiếp tục chú trọng phát triển cây lương thực, tập trung một số cây trồng chính là những giống lúa, ngô mới có năng suất, chất lượng cao; gắn với đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phòng, chống dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản phẩm. Duy trì và nhân rộng mô hình sản xuất lúa tập trung, sử dụng 1 đến 2 giống chất lượng cao tại các cánh đồng lớn: Hua Nà, Mường Cang, Phúc Than - huyện Than Uyên; Mường Khoa, Phúc Khoa - huyện Tân Uyên; Bình Lư, Bản Bo - huyện Tam Đường...
Tập trung phát triển sản xuất 2 sản phẩm chủ lực là cây chè và cây cao su. Quản lý tốt vùng nguyên liệu chè tập trung gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo mối liên kết bền vững giữa Nhà nước - Doanh nghiệp - Nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục hỗ trợ xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển vùng chè tập trung; đổi mới công nghệ chế biến và mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng, phát triển thương hiệu chè chất lượng cao. Tập trung chăm sóc diện tích cây cao su đã có, tiến hành khai thác mủ đối với diện tích cây cao su đã đến kỳ; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để Tập đpàn công nghiệp cao su Việt Nam đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại các vùng nguyên liệu. Có chính sách hỗ trợ và triển khai thực hiện tốt để phát triển cây ăn quả ôn đới theo các dự án, mô hình cây ăn quả tập trung đã được tỉnh phê duyệt.
Tập trung chăn nuôi đại gia súc có điều kiện thông qua các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ phương thức chăn nuôi từ tự phát nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát, làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn, phòng chống rét trong mùa Đông... để nâng cao chất lượng đàn gia súc. Chú trọng tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm, giống vật nuôi ra, vào địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giống vật nuôi; tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi công nghiệp, công nghệ cao; khuyến khích các cơ sở này sản xuất con giống cung ứng cho nhu cầu sản xuất, chăn nuôi của tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp.Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác khuyến ngư để tận dụng lợi thế phát triển các loại thủy sản đặc thù như cá tầm, cá lăng, cá nước lạnh... theo quy hoạch; khai thác hiệu quả diện tích mặt nước hiện có gắn với quản lý tốt hoạt động đánh bắt thủy sản trên các hồ; nhân rộng mô hình nuôi cá lồng trên các hồ thủy điện.
Bảo vệ diện tích rừng hiện có và khoanh nuôi, tái sinh rừng tự nhiên gắn với dịch vụ môi trường rừng; chủ động các loại vật tư, lựa chọn các giống có chất lượng để phục vụ đủ nhu cầu trồng rừng. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dụng thiết thực nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm thực hiện các quy định của Luật Bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rựng trong cộng đồng dân cư. Kiên quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm; ngăn chặn, xử lý việc phát, đốt rừng làm nương trái phép, đốt đồng cỏ không đúng quy định. Thường trực, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm lửa rừng, dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, không để cháy lây ra diện rộng.
Những vườn cây cao su rộng lớn trên đất Lai Châu đã bắt đầu
được khai thác mủ
Đưa nền nông nghiệp sản xuất theo hướng tập trung, trong đó quan tâm tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn; củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn. Tạo cơ chế thuận lợi cho kinh tế tập thể, kinh tế hộ, kinh tế trang trại và doanh nghiệp ở nông thôn phát triển. Huy động tổng hợp, xã hội hóa nguồn lực, ưu tiên ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện tối đa cho nông dân phát triển kinh tế, có tích lũy để tái sản xuất mở rộng và đầu tư phát triển. Chủ động phát huy hiệu quả nguồn lực tại chỗ, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; có chính sách tốt về lãi suất để huy động lượng vốn lớn trong hệ thống ngân hàng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản; đồng thời làm tốt công tác xúc tiến đầu tư, kêu gọi đỡ đầu tài trợ, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Các cấp ủy đảng cần có sự lãnh đạo sâu sát, thường xuyên nhằm phát huy vai trò quản lý của các cấp chính quyền, sức mạnh tổng hợp của các đoàn thể chính trị - xã hội để cụ thể hóa, triển khai chặt chẽ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 15/7/2016 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020; Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định số 174-QĐ/TU, ngày 15/7/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Phấn đấu nông nghiệp Lai Châu phát triển, nông thôn tiến bộ./.