Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần xây dựng tỉnh phát triển nhanh và bền vững
Thứ năm - 03/12/2020 04:0318.7480
Xuất phát từ nhận thức: Sức khoẻ là vốn quý nhất của mỗi người dân và của cả xã hội. Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân là đầu tư cho phát triển. Những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân các dân tộc và đạt được những kết quả quan trọng.
Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII về “Nâng cao chất lượng công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân”, với sự tham mưu tích cực, chủ động của ngành y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân các dân tộc.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị được quan tâm đầu tư, đến nay toàn tỉnh có 03 bệnh viện tuyến tỉnh, 8 trung tâm y tế huyện, thành phố, 4 phòng khám đa khoa khu vực, 103 trạm y tế xã, phường, thị trấn, hầu hết được xây dựng khang trang, cơ bản đáp ứng được yêu cầu khám chữa bệnh cho Nhân dân. Trong đó bệnh viên đa khoa tỉnh được trang bị nhiều máy móc, thiết bị khám, chữa bệnh hiện đại kỹ thuật cao như: máy chụp ARI, CT scanner, chạy thận nhân tạo, nội soi, máy mổ nội soi... Trung tâm y tế tuyến huyện được trang bị một số máy mọc hiện đại, như máy siêu âm, máy nội soi, điện tim, mổ nội soi, chụp Xquang... các trạm y tế tuyến xã cũng được đầu tư trang sắm thiết bị đạt 80% danh mục thiết bị theo quy định của Bộ Y tế. Đội ngũ cán bộ y tế được tăng cường về số lượng, toàn ngành y tế tỉnh hiện có trên 2.800 người, luôn được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đến năm 2020 tỉnh đạt trên 12 bác sỹ/vạn dân; tỷ lệ xã có bác sỹ làm việc đạt 78,7%, 90 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế.
Công tác khám, chữa bệnh tập trung vào các mục tiêu nâng cao chất lượng chuẩn đoán, điều trị, phục vụ. Ngành y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện nghiêm Quy chế bệnh viện, các quy trình kỹ thuật chuyên môn, từng bước mở rộng dịch vụ kỹ thuật từ tuyến tỉnh đến tuyến xã; nhiều dịch vụ kỹ thuật cao được triển khai thực hiện tại các bệnh viện tỉnh và tuyến huyện. Thực hiện tốt quy hoạch, đào tạo chuyên môn các chuyên ngành về hồi sức cấp cứu, ngoại khoa, khoa sản, nhi, mắt, da liễu, tâm thần..., 3 bệnh viện vệ tinh của tỉnh đã chủ động tiếp nhận các kỹ thuật, dịch vụ y tế hiện đại do bệnh viện hạt nhân chuyển giao. Hiện nay Bệnh viên Đa khoa tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 3 bệnh viện Trung ương (Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện K); các trung tâm y tế Tam Đường, Than Uyên được chọn làm bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E Hà Nội; đây cũng chính là cơ sở để ngành Y tế tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống bệnh viện trên địa bàn tỉnh lên vị thế mới. Qua đó, chất lượng khám, chữa bệnh cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước được nâng lên rõ rệt.
Công tác phòng, chống dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số được coi trọng. Ngành y tế đã làm tốt công tác tham mưu chỉ đạo, giám sát, phát hiện sớm, xử lý các bệnh truyền nhiễm; luôn chủ động, chuẩn bị sẵn sàng thuốc, vật tư, nhân lực và phương tiện, kịp thời đáp ứng khi có dịch xảy ra, trong 5 năm qua không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2020 tỉnh đã chủ động và triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, do có sự chủ động nên khi có ca nhiễm đã kịp thời triển khai các phương án, ngăn chặn, phòng, chống không để lây nhiễm ra cộng đồng, không có ca tử vong.
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế. Nhất là chương trình phòng, chống HIV/AIDS với sự vào cuộc mạnh mẽ, có sự cam kết của các cấp, các ngành; toàn tỉnh hiện đang duy trì 8 cơ sở điều trị và 30 điểm cấp phát Methadone. Đồng thời, tăng cường truyền thông về phòng, chống các bệnh mãn tính như tiểu đương, tăng huyết áp, gắn với quản lý, điều trị bệnh nhân đúng quy định. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em được triển khai lồng ghép hiệu quả, từng bước cải thiện sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đến nay tỉnh đã hoàn thành loại trừ bệnh phong quy mô cấp huyện; việc phòng, chống mù lòa được đẩy mạnh; phát hiện quản lý, điều trị bệnh nhân lao hiệu quả.
Cùng với đó, công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe được quan tâm; hình thức, nội dung, chất lượng, hiệu quả tuyên truyền được nâng cao. Trọng tâm tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác y tế; phòng, chống dịch bệnh; chăm sóc, sức khỏe Nhân dân; công tác dân số kế hoạch hóa gia đình...; nhất là ngành y tế đã chủ động tham mưu chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chiến dịch truyền thông lồng ghép về khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chuẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước và sơ sinh; hệ lụy của mất cân bằng giới tính, khi sinh, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số...
Những kết quả trên góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra; theo đánh giá được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV thống nhất thông qua thì lĩnh vực y tế đã thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết về phát triển y tế; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh được nâng lên; chất lượng thể lực và tuổi thọ trung bình của người dân được nâng lên...
Tuy nhiên, công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân các dân tộc trong tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhất là nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực y tế, trang thiết bị kỹ thuật và đội ngũ của ngành. Bên cạnh đó, mô hình bệnh tật thay đổi; một số bệnh truyền nhiễm có sư hướng quay trở lại; các bệnh không truyền nhiễm, tai nạn, thương tích có chiều hướng gia tăng; các dịch bệnh mới, bệnh lạ diễn biến khó lường... đang đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành y tế tỉnh cần tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển lĩnh vực y tế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng dân số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra ”xây dựng Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”.
Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tập trung tuyên truyền và triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mục tiêu, nhiệm vụ của tỉnh về phát triển y tế. Trọng tâm là quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 29/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới. Tăng cường truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, đề cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và của mỗi người dân để bảo vệ và nâng cao sức khỏe; các hoạt động về y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân...
Tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế; chú trọng đào tạo nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành y tế theo hướng hoàn thiện các tiêu chuẩn về chức danh nghề nghiệp ở tất cả các tuyến để đảm bảo nhân lực khám, chữa bệnh cho Nhân dân ngay tại địa bàn. Tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật, thực hiện đầy đủ quy định về đào tạo liên tục; đào tạo qua thực hành, hướng dẫn chuyên môn cho y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kiện toàn và phát triển hệ thống khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng từ tỉnh đến cơ sở; phát huy và duy trì hiệu quả bệnh viện vệ tinh; đẩy mạnh công tác giáo dục nhân viên y tế đổi mới phong cách, tinh thần phục vụ, nâng cao y đức; xây dựng bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, hướng tới thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế; thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử đến từng người dân, tiến tới mọi người dân đều được theo dõi, quản lý sức khỏe, khám và chăm sóc sức khỏe theo định kỳ.
Tập trung nâng cao chất lượng chất lượng hoạt động của y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, dân số - kế hoạch hóa gia đình, an toàn vệ sinh thực phẩm. Triển khai thực hiện tốt công tác tiêm chủng cho trẻ em, phụ nữ có thai; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe, dân số - kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện hiệu quả phòng, chống, ngăn chặn lây nhiễm HIV trong cộng đồng; đẩy mạnh hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng các thuốc thay thế.
Tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, kế hoạch hóa gia đình vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn... Đẩy mạnh công tác tập huấn, tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, bếp ăn tập thể, đảm bảo không để ngộ độc thực phẩm đông người xảy ra trên địa bàn.
Tiếp tục bố trí nguồn lực hợp lý đầu tư xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế chưa đảm bảo hoặc xuống cấp chưa đủ điều kiện khám, chữa bệnh. Đầu tư mua sắm, bổ sung một số trang thiết bị hiện đại cho một bệnh viện tuyên tỉnh, tuyến huyện. Tập trung củng cố và giữ vững các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; đồng thời đầu tư xây dựng các tiêu chí, phấn đấu 90% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế vào năm 2025./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế