Đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân
Chủ nhật - 22/11/2020 19:369.7600
Sau 20 năm triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (gọi tắt là phong trào) đã đem lại những kết quả tích cực. Góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa xã hội ở cộng đồng dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh.
Nhận thức rõ được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ngay từ năm 2000 phong trào đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện; Ban chỉ đạo các cấp được thành lập, xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách từng lĩnh vực, địa bàn cụ thể. Tuy nhiên, đến năm 2004, tỉnh được chia tách thành lập, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, để tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện phong trào trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phong trào tỉnh, kiện toàn ban chỉ đạo các cấp; bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương, xây dựng kế hoạch hành động cụ thể của Ban Chỉ đạo. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản để triển khai thực hiện; đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ của phong trào vào các nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh theo giai đoạn 5 năm và hằng năm. Công tác tuyên truyền được chú trọng, tiến hành bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, ngoài việc tuyên truyền trên hệ thống truyền thông đại chúng, tuyên truyền miệng, Ban chỉ đạo tỉnh còn cấp phát gần 6000 tờ gấp tuyên truyền, trên 6000 buổi tuyên truyền đưa thông tin về cơ sở; tổ chức trên 1.500 hội thi, hội diễn tuyên truyền về phong trào...; qua đó đã nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy vai trò của ban chỉ đạo thực hiện phong trào các cấp; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc đã thúc đẩy phong trào phát triển và được triển khai sâu rộng trong toàn tỉnh.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, với 5 nội dung là: đoàn kết giúp nhau “Xóa đói, giảm nghèo”; thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật; xây dựng môi trường sạch - đẹp - an toàn; xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở và phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh. Cùng với đó là 7 phong trào cụ thể: xây dựng gia đình văn hóa; làng, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; học tập, lao động sáng tạo; xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến được triển khai đồng bộ và đạt được những kết quả quan trọng.
Qua phong trào đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, của công đồng trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân các dân tộc đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm xuống còn 20% (theo chuẩn mới). Nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật có nhiều chuyển biến tích cực. Các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh được quán triệt, triển khai sâu rộng và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, Nhân dân đoàn kết, hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế; xây dựng nếp sống văn hóa mới; tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Đến nay, 100% khu dân cư trong tỉnh xây dựng và tổ chức hiệu quả mô hình tự quản (mô hình “Khu dân cư phòng chống ma túy”, “Khu dân cư phòng, chống tội phạm”, “khu dân cư nó không với ma túy”, “Khu dân cư 3 không: không tội phạm, không ma túy và không tệ nạn xã hội”...); có 289 khu dân cư không phát sinh người nghiện ma túy; trên 690 khu dân cư không phát sinh tội phạm; hằng năm có trên 90% hộ gia đình, khu dân cư đăng ký và cam kết thực hiện các tiêu chí đảm bảo an ninh, thực hiện tốt quy ước, hương ước tại cộng đồng. Chất lượng môi trường văn hóa từng bước được nâng lên; các hủ tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi; đa số các hộ gia đình, khu dân cư thực hiện nghiêm túc quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Hiện nay trên địa bàn tỉnh duy trì thường xuyên 40 lễ hội của các dân tộc thiểu số; từ năm 2004 đến năm 2020 toàn tỉnh tổ chức được gần 20.000 chương trình/buổi giao văn nghệ quần chúng tại cơ sở, qua đó góp phần thúc đẩy phong trào văn, văn nghệ quần chúng phát triển mạnh mẽ. Phong trào phòng chống bạo lực gia đình chuyển biến tích cực, toàn tỉnh có trên 390 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 72 mô hình phòng, chống bạo lực gia đinh; trên 400 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững...
Các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đầu tư. Toàn tỉnh hiện có 07 nhà văn hóa cấp huyện, 93 nhà văn hóa cấp xã, 883 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (tăng 752 nhà so với năm 2004). Cùng với trên 260 sân vận động, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, bóng đá, sân vận động và nhà luyện tập thể thao đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hội họp, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí của Nhân dân.
Nội dung xây dựng tư tưởng chính trị lành mạnh được coi trọng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ban tuyên giáo các cấp đóng vai trò nòng cốt trong việc tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác giáo dục chính trị tư tưởng; chủ động đấu tranh, phản bác âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa của các thế lực thù địch. Đến nay 100% các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu dân cư; cán bộ, đảng viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và Nhân dân các dân tộc cơ bản nắm vững và tích cực thực hiện các nội dung về xây dựng tư tưởng chính trị; thể hiện sự nhất trí cao và thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ và công cuộc đổi mới đất nước. Cùng với kết quả thực hiện 7 phong trào cụ thể đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa tỉnh. Đến hết năm 2019 toàn tỉnh có trên 78.800 hộ gia đình đạt 82,5% (tăng trên 60%); 78,2% thôn, bản, khu phố đạt danh hiệu gia đình, thôn, bản văn hóa (tăng 56% so với năm 2004) và trên 95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (tăng trên 73% so với năm 2004). Phong trào toàn dân rèn luyện thể thao theo gương Bác Hồ vĩ đại phát triển mạnh mẽ, đến năm 2020 toàn tỉnh có 348 câu lạc bộ và điểm luyện tập thể dục, thể thao, trên 16.000 gia đình với trên 127.000 người tham gia luyện tập thể thao thường xuyên...
Qua đó khẳng định, sau 20 năm, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Lai Châu ngày càng phát triển cả về lượng và chất, từng bước đi vào chiều sâu. Tư tưởng, đạo đức và lối sống văn hóa lành mạnh được khơi dậy; truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và ý chí tự lực, tự cường... ngày càng được phát huy; hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao có sự phát triển và hướng mạnh về cơ sở. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, phát huy hiệu quả. Góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được đảm bảo; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa xã hội ở cộng đồng dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế. Các thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở còn thiếu, một số nơi chưa phát huy hiệu quả hoạt động. Tỷ lệ nhà văn hóa cấp xã, thôn, bản, khu dân cư chưa đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chưa thu hút được các doanh nghiệp tư nhân tham gia phong trào, xây dựng doanh nghiệp văn hóa. Phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường đạt chuẩn đô thị văn minh còn nhiều hạn chế; tỷ lệ xã, phường, thị trấn được công nhận danh hiệu “xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới’, “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” còn thấp. Công tác xóa đói, giảm nghèo ở một số địa phương vẫn càn hạn chế, kết quả chưa vững chắc; tỷ lệ hộ nghèo còn cao; tình trạng sinh con thứ 3, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân các dân tộc thiểu số; tình trạng vi phạm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vẫn còn xảy ra...
Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh các định: Tiếp tục quán triệt và triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương của tỉnh về thực hiện phong trào. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc về ý nghĩa tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện phong trào đối với sự phát triển của địa phương; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong thực hiện phong trào. Ban chỉ đạo các cấp tích cực, chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp cụ thể hóa các mục tiêu, tiêu chí của phong trào vào các nghị quyết, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong từng giai đoạn và hằng năm; bố trí nguồn kinh phí đầu tư để triển khai thực hiện hiệu quả; chú trọng xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho triển khai thực hiện phong trào. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác quản lý, sử dụng, phát huy tối đa, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa cơ sở.
Tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp cụ cho cán bộ, chuyên viên tham mưu và trực tiếp tham gia triển khai thực hiện phong trào các cấp, nhất là cấp cơ sở, đảm bảo cho phong trào được triển khai thường xuyên, liên tục, rộng khắp, phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực.
Thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện phong trào tại các địa phương, đơn vị, nhân rộng những mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo, đồng thời chấn chỉnh nhưng nơi làm chưa tốt, không hiệu quả./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế