Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung
Thứ tư - 04/11/2020 03:045.1490
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định quan điểm “Phát huy mạnh mẽ tiềm năng, lợi thế, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội nhanh, bền vững. Lấy phát triển kinh tế nông nghiệp là trung tâm lan tỏa, thúc đẩy công nghiệp, thương mại, dịch vụ” và “Chương trình phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung” là một trong 04 chương trình trọng điểm. Đây là những định hướng lớn, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung của tỉnh, đòi hỏi các cấp, các ngành, nhất là ngành nông nghiệp cần cụ thể hóa và có những giải pháp phù hợp, thiết thực để thực hiện hiệu quả.
Là tỉnh vùng cao biên giới, có tiềm năng lợi thế về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp những năm qua dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh kinh tế nông, lâm nghiệp luôn được quan tâm, nhiều nghị quyết, đề án về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được ban hành và phát huy hiệu quả thiết thực. Đặc biệt trong nhiệm 2015 - 2020 Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 và huy động được gần 900 tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết.
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ và ưu tiên nguồn lực thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa trong sản xuất, gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; đồng thời tích cực thâm canh, mở rộng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đã và đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung với quy mô lớn như: lúa hàng hóa toàn tỉnh hiện có trên 3.280 ha; vùng chè được mở rộng lên trên 7.700 ha; cây ăn quả 6.200 ha, duy trì và phát triển gần 8000 ha các loại cây dược liệu (thảo quả, sa nhân, tam thất, đương quy...); chăm sóc gần 13.000 ha cây cao su; cùng với nhiều loại cây trồng mới đang có triển vọng phát triển tốt như: cây mắc ca đã có trên 3.700 ha và gần 7.500 ha cây quế..., một số nơi đang hình thành vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp công nghệ cao, như mô hình trồng dưa lưới Hà Lan trong nhà màng, cùng với hệ thống tưới cây tự động của huyện Tân Uyên...
Cùng với đó, chăn nuôi phát triển theo hướng hàng hóa cũng được đẩy mạnh, kết hợp chăn nuôi truyền thống với quy mô tập trung có kiểm soát; đang từng bước hình thành các loại hình liên kết chăn nuôi giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với các nhóm hộ, từng bước nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm; tỷ lệ tăng đàn bình quân tăng từ 4 - 5%. Nuôi trồng thủy tiếp tục được quan tâm có sự phát triển, khai thác và phát huy hiệu quả diện tích lòng hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng; duy trì và phát triển nuôi cá nước lạnh.
Kết quả trên góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản phẩm toàn ngành nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2015 - 2020 tăng bình quân 5,5%/năm; thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển khá, chất lượng tăng trưởng có tính bền vững, tạo tiền đề vững chắc để nền kinh tế tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa theo kịp xu hướng phát triển chung của các tỉnh trong vùng và cả nước. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển sản phẩm chủ lực, nông nghiệp hàng hóa còn chậm.
Trước những vấn đề trên, Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh xác định: “...đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới”, phấn đấu “giá trị gia tăng ngành nông nghiệp đạt trên 5%/năm”.
Để đạt được mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra đối với cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp. Căn cứ điều kiện cụ thể, nhất là những lợi thế của địa phương cụ thể hóa thành những chương trình, đề án để triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả. Trong đó, cần đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhằm khai thác và phát huy tiềm năng lợi thế của từng vùng, địa phương, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp, bảo đảm cho nông nghiệp phát triển bền vừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, xóa đói, giảm nghèo.
Thực hiện tốt công tác khảo sát, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Không thể có phát triển bền vững trên nền tảng sản xuất nông nghiệp thiếu quy hoạch, không tập trung. Việc quy hoạch, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung quy mô lớn sẽ giảm chi phí sản xuất, tập trung được đầu tư, có điều kiện ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, công nghiệp hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất. Trong khảo sát, quy hoạch cần chú ý tới từng đối tượng cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm tập trung, thuận lợi cho quá trình cơ giới hóa, đầu tư hạ tầng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đưa đất trống vào sử dụng, chuyển đổi các diện tích đất canh tác cây trồng hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Cùng với đó, để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút người dân, doanh nghiệp tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, với những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng hàng hóa, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường, thì các cấp, các ngành phải chú trọng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, năng lực cạnh tranh ngành, địa phương. Đẩy mạnh, cải thiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong nông nghiệp. Có cơ chế, chính sách phù hợp, tác dụng khuyến khích sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu trong sản xuất nông nghiệp. Tập trung tối đa nguồn lực và điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; thực hiện hiệu quả, thực chất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ hợp tác xã nhằm hình thành và phát triển các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, trở thành lực quan trọng phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh đầu tư hạ tầng vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; mở rộng quy mô phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản địa phương theo Chương trình "mỗi xã một sản phẩm". Phát huy sức mạnh cộng đồng, hình thành nhiều ý tưởng sản phẩm nông nghiệp đặc sản, được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp và phát triển các hình thức tổ chức kinh tế trong nông nghiệp.Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ cho người lao động về sản xuất, thâm canh, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp như: VietGAP, GlobolGAP, hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp nhà mạng, nhà lưới..., kỹ thuật canh tác trên đồi dốc phù hợp với điều kiện sản xuất của một số địa phương trong tỉnh. Triển khai thực hiện các mô hình phục tráng giống đặc sản địa phương; tổ chức sản xuất giống chất lượng tại một số địa bàn, phù hợp điều kiện tự nhiên, đặc tính sinh học cây trồng, vật nuôi tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường. Chú trọng phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; nâng cao giá trị, tính bền vững của sản phẩm. Đồng thời, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung phải gắn chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới.
Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung là chủ trương đúng đắn và phù hợp với xu thế hiện nay, vì vậy rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân các dân tộc, tạo bước đột phá thúc đẩy phát triển nông nghiệp của tỉnh một cách bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế