Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới
Chủ nhật - 15/11/2020 05:004.9010
Cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến việc tổ chức triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Vì vậy, một trong bốn Chương trình trọng điểm được Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh Lai Châu xác định là “Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số và cán bộ chủ chốt cấp xã”, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội tại cơ sở.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cấp xã là gần dân nhất, là nền tảng của hành chính. Cấp xã làm được việc thì mọi việc đều xong”. Cán bộ chủ chốt cấp xã là người có chức vụ, nắm giữ các vị trí quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến hoạt động của tổ chức bộ máy, làm nòng cốt trong các tổ chức thuộc hệ thống bộ máy ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng ở địa phương. Nhận thức rõ tầm quan trọng đó của cán bộ chủ chốt cấp xã, những năm qua Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp luôn quan tâm chăm lo xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng và đạt được những kết quả quan trọng.
Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết về xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng đảng và hệ thống chính trị cơ sở như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 01/10/2014 và các đề án về xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 30/9/2016 về nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2016-2020... Công tác cán bộ ở cơ sở được triển khai đồng bộ tất cả các khâu, từ công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đến đánh giá sắp xếp, bố trí sử dụng cán bộ. Trong đó, công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được coi trọng. Công tác quy hoạch được cấp ủy cơ sở tiến hành từ đầu nhiệm kỳ và được điều chỉnh, bổ sung hằng năm, chú trọng đến cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, đến nay ban chấp hành đảng bộ cấp xã có 1.381 đồng chí, có tới 1.038 đồng chí là người dân tộc thiểu số (chiếm trên 75%), 242 đồng chí là nữ (chiếm gần 20%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được coi trọng, đảm bảo toàn diện cả về chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kỹ năng lãnh đạo, quản lý đến kiến thức quốc phòng an ninh. Từ năm 2015 - 2019 Trường Cao đẳng cộng đồng, Trung tâm GDTX - Hướng nghiệp tỉnh mở 23 lớp đào tạo chuyên môn đại học, liên kết mở 05 lớp thạc sĩ. Tỉnh ủy phối hợp với Học viện Chính trị khu vực I mở 05 Cao cấp LLCT; Trường Chính trị tỉnh mở 41 lớp trung cấp; tỉnh mở hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho cán bộ các cấp thuộc đối tượng 3, đối tượng 4; trong đó các đồng chí là cấp ủy viên, bí thư, phó bí thư các tổ chức cơ sở đảng đi đào tạo, bồi dưỡng: Chuyên môn trên 300 lượt, lý luận chính trị trên 500 lượt, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đảng trên 2000 lượt. Đồng thời, thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về xã và từ xã về huyện với hàng trăm lượt cán bộ, vừa khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ, vừa góp phần củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và tạo điều kiện cho cán bộ cơ sở tự bồi dưỡng, rèn luyện.
Cùng với đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên cơ sở nói chung và cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng cũng được quan tâm. Song song với việc cử cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cấp ủy các câp chú trọng công tác giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổ chức nghiêm túc viêc tuyên truyền, quán triệt, học tập các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhận diện rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ trong kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và kiểm điểm hằng năm; phát huy tốt vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, qua đó, góp phần làm chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động của đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở.
Chất lượng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã được nâng lên, đến nay có trên 94% đồng chí đạt chuẩn trình độ văn hóa Trung học phổ thông (tăng 42% so với năm 2015), trên 98% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên (tăng 14%), gần 99% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên (tăng 7%). Đại đa số cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực, uy tín; nhiều đồng chí được rèn luyện qua thực tiễn, sâu sát cơ sở, có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chụi trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đánh giá hằng năm 100% tổ chức cơ sở đảng hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 90% tổ chức cơ sở đảng, trên 90% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không còn tổ chức cơ sở đảng yếu kém kéo dài; trên 70% chính quyền cơ sở đạt khá, tốt; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cơ sở vững mạnh đạt trên 72%.
Tuy nhiên, chất lượng quy hoạch cán bộ chưa cao, một số nơi chưa quan tâm tạo nguồn cán bộ, cơ cấu còn bất cập, thiếu cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ, công chức, viên chức trình độ, năng lực còn hạn chế; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ chưa cao, thiếu gương mẫu, cá biệt có cán bộ cấp xã còn vi phạm phải xem xét kỷ luật. Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của một số cấp ủy đảng, nhất là cơ sở đối với hệ thống chính trị và lãnh đạo nhiệm vụ chính trị còn chậm; một số cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sâu sát, quyết liệt; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng chưa được nâng cao. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền một số địa phương cơ sở có mặt còn hạn chế...
Để khắc phục những hạn chế trên, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực và trình độ, đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Tăng cường xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên; củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh...; xây dựng tỉnh Lai Châu phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế, xã hội đạt mức trung bình của cả nước”, cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết Đại hội XIV Đảng bộ tỉnh đã xác định, trong đó tập trung vào một số nội dung trọng tâm:
Quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Tỉnh ủy về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nói chung, cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng có đủ phẩm chất, năng lực, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó mật thiết với Nhân dân, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, gương mẫu, có uy tín cao với Nhân dân, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và phát triển của tỉnh trong tình hình mới. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ đối với việc tổ chức và triển khai thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương; từ đó quan tâm và coi trọng công tác quan trọng này.
Thường xuyên quan tâm làm tốt công tác tạo nguồn cán bộ cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Chăm lo, làm tốt công tác tạo nguồn và kết nạp đảng viên, nhất là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có ít đảng viên. Đồng thời, coi trọng việc rà soát, phát hiện những học sinh giỏi, xuất sắc là con em đồng bào dân tộc thiểu số để đưa đi đào tạo ở các trường phổ thông dân tộc nội trú huyện, tỉnh, cử tuyển đi học ở các trường chuyên nghiệp. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu tiên đối với học sinh người dân tộc thiểu số theo quy định; có lộ trình cụ thể để bố trí sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển theo vị trí việc làm; thực hiện tốt việc liên kết với các trường đại học, học viện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; cùng với đầu tư kinh phí đào tạo, cần phải có cơ chế, chính sách ràng buộc để cán bộ được cử đi đào tạo sau khi tốt nghiệp trở về địa phương công tác.
Tiếp tục nâng cao chất lượng quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã, lấy hiệu quả công việc, năng lực, uy tín của cán bộ làm cơ sở để quy hoạch; chú trọng quy hoạch cán bộ trẻ, cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực và có tính kế thừa; gắn quy hoạch cán bộ chủ chốt cấp xã với quy hoạch cán bộ cấp huyện. Thực hiện nghiêm túc công tác nhận xét, đánh giá cán bộ; qua thực tiễn, hiệu quả công việc kịp thời phát hiện nhân tố mới để bổ sung vào quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch đối với cán bộ không đảm bảo tiêu chuẩn, năng lực hạn chế. Thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ chủ chốt cấp xã nói riêng, quan tâm tới cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số, nội dung bồi dưỡng, tập huấn phải sát thực tiễn, phù hợp với vị trí việc làm và chức danh cán bộ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về cấp xã và ngược lại để đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; gắn luân chuyển cán bộ với việc bố trí một số chức danh cán bộ không là người địa phương.
Thực hiện nghiêm túc, dân chủ, chặt chẽ, công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, điều kiện. Quan tâm bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ đúng người, đúng việc, phù hợp với vị trí việc làm, trình độ, năng lực sở trường của cán bộ và tình hình thực tiễn nhằm tạo điều kiện để cán bộ phấn đấu, rèn luyện phát huy năng lực của bản thân. Đồng thời thực hiện nghiêm chế độ miễn nhiệm, từ chức cho thôi việc, thay thế cán bộ không đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, không hoàn thành nhiệm vụ theo phương châm “có lên, có xuống, có vào, có ra” trong bố trí, sử dụng cán bộ. Không điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện có năng lực hạn chế, uy tín thấp hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao xuống làm cán bộ chủ chốt cấp xã./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế