Bài 3: Khởi sắc sự nghiệp giáo dục và đào tạoPhải thẳng thắn nhìn nhận rằng, hiện nay ngành giáo dục tỉnh nhà vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy và học hay tỷ lệ học sinh chuyên cần chưa thực sự cao. Còn nhớ cách đây chỉ vài năm thôi, khi về các xã vùng sâu, vùng xa chúng ta đều không khỏi chạnh lòng khi chứng kiến những khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các nhà trường. Cơ sở vật chất dù đã được quan tâm bằng các nguồn vốn khác nhau, song không ít lớp học chỉ là nhà tạm, mái lá, xung quanh thưng bạt hoặc vách liếp nứa, mùa hè nắng nóng, mùa đông thông thốc gió lúa. Những khó khăn đó đã khiến không ít thầy cô giáo nhụt chí, buông xuôi và tỷ lệ học sinh chuyên cần cũng vì thế luôn rơi vào tình trạng “báo động đỏ” khi các cấp học thường xuyên bỏ lớp đi làm nương với bố mẹ.
Trước thực trạng đó, bước vào nhiệm kỳ XII Đại hội Đảng bộ tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về “Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn mới”. Nghị quyết ra đời như một luồng gió mới xua tan đi những khó khăn, trì trệ của ngành giáo dục, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm cũ vốn tồn tại bấy lâu. Dưới dự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của các cấp chính quyền trong tỉnh, ngành giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận đúng thực trạng và không ngại “phơi” yếu kém, từ đó đề ra các biện pháp khắc phục và làm một cuộc “cách mạng” để đánh giá thực chất nền giáo dục, đào tạo tỉnh nhà.
Nổi bật là bậc Tiểu học và Mầm non khi tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp năm sau thường cao hơn năm trước
Ngành giáo dục và đào tạo xác định vấn đề trọng tâm là làm thay đổi nhận thức “đói cơm thì chết, đói chữ không chết” của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Một trong những giải pháp đưa ra là đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Từ đó các tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã chung tay ủng hộ học sinh nghèo để tiếp bước cho các em đến trường. Tuy vật chất hỗ trợ học sinh các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa chưa nhiều, song chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để làm thay đổi nhận thức của các bậc phụ huynh và học sinh.
Đóng góp vào sự khởi sắc của ngành giáo dục tỉnh nhà là sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành
Thực tế, các yếu tố làm nên sự khởi sắc của ngành giáo dục tỉnh nhà là kinh tế dần ổn đinh dẫn tới dân trí dần được nâng lên; sự sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, triệt để, thống nhất của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với sự nghiệp giáo dục và sự đầu tư đúng, trúng của Đảng và Nhà nước. Có được các điều kiện “thiên thời, địa lợi” đó và kết quả của ngành giáo dục và đào tạo hôm nay không thể không nói tới sự nỗ lực, ham học hỏi, lòng yêu nghề của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giảng dạy trong toàn ngành.
Cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất của Đảng và Nhà nước cũng như sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân và sự đồng lòng ủng hộ của các bậc phụ huynh, ngành giáo dục đã làm một cuộc “cách mạng” để nói không với tiêu cực và bệnh thành tích “dạy thực chất, học thực chất và đánh giá thực chất”. Việc quy trách nhiệm trực tiếp chất lượng học sinh cho từng giáo viên và ban giám hiệu các nhà trường đã “biến” mỗi thầy cô giáo trở thành tấm gương sáng cho học sinh noi theo.
Sự nỗ lực đó được đền đáp khi ý thức học tập của con em đồng bào các dân tộc dần thay đổi theo chiều hướng tích cực
Sau nhiều cuộc “cải tổ” từ những việc nhỏ đến những chủ trương lớn như thay đổi phương pháp dạy, hay đề cao chủ trương xã hội hóa giáo dục. Từ một nền giáo dục yếu kém, nhiều khó khăn, sự nghiệp “trồng người” của tỉnh hôm nay đã phát triển vượt bậc và bước đầu đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi trong tình hình mới.
Quy mô mạng lưới trường lớp không ngừng được mở rộng, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Nếu như năm học 2009 - 2010 toàn tỉnh có 392 đơn vị trường với 5.759 lớp, 104.209 học sinh và cuối năm 2009 ngành giáo dục của tỉnh mới hoàn thành phổ cập giáo dục THCS ở 23 xã, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; thì năm học 2012 - 2013 toàn tỉnh đã có 417 đơn vị trường.
Các cháu học ở mọi nơi, mọi lúc
Số lượng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục được bổ sung, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu giáo viên ở các ngành học, bậc học và hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Đặc biệt, công tác phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi được tập trung chỉ đạo và 44 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn, trong đó ngành giáo dục thị xã Lai Châu đã về đích. Các trường dân tộc nội trú, bán trú tiếp tục được xây dựng và củng cố, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em vùng đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa.
Những con số tưởng chừng như vô hồn này đã nói lên sự nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành khi chung tay vào cuộc, từ lo cở sở trường lớp, chất lượng đội ngũ giáo viên đến những việc nhỏ như tấm áo, bữa cơm. Đáng kể hơn, giờ đây ngành giáo dục của tỉnh còn được tự hào khi hằng năm có hàng trăm em thi đỗ vào các trường đại học danh tiếng bằng chính sức học tập của mình chứ không phải được đào tạo theo hệ cử tuyển, địa chỉ như trước. Giờ đây, việc đưa con em tới trường học chữ không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, thầy cô giáo mà đã trở thành việc làm thường xuyên của mỗi người dân khi họ đã nhận ra rằng học chữ con em mình sẽ có tương lai, quê hương mình sẽ bớt đói nghèo.
Niềm vui đến với ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà khi hằng năm
có hàng trăm học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học
bằng chính sức học của mình
Một trong những điều làm lên sự khởi khắc của nền giáo dục tỉnh nhà là Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc và cụ thể là các chính sách hỗ trợ nuôi ăn, học để tỉnh thực hiện mô hình bán trú dân nuôi. Thực hiện mô hình này, học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tình được lo ăn, ở, sinh hoạt phí và đồ dùng học tập. Từ mô hình này ở một vài trường, ngành giáo dục đã nhân rộng ra khắp các trường THCS, tiểu học trên địa bàn và thực sự mang lại hiệu quả khi sự học của học sinh tăng cả về chất và lượng.
Bằng chứng là sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, sự học của con em đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới đã có nhiều đổi thay, nhất là các địa bàn khó khăn như huyện Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè. Ông Lê Thanh Dương - Phó Chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ tâm sự: “Hơn 20 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, chưa bao giờ tôi thấy nền giáo dục của huyện lại có nhiều thuận lợi đến vậy. Thuận lợi ở đây là việc đưa con em đến trường giờ nhận được sự ủng hộ rất lớn của các bậc phụ huynh, dù đời sống khó khăn đến mấy họ cũng muốn con em mình đến trường”.
Đóng góp vào thành công đó phải kể đến công tác xã hội hóa giáo dục và bằng chứng là sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân hảo tâm
Nhắc đến sự khởi sắc của ngành giáo dục và đào tạo tỉnh nhà phải kể đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước cho giáo dục miền núi mà cụ thể là giáo dục vùng khó. Sẽ là thiếu sót nếu nói tới sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy và sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, lực lượng giáo viên và đặc biệt là các bậc phụ huynh trong việc ủng hộ, chia sẻ, thực hiện các chính sách hỗ trợ và công tác xã hội hóa giáo dục để tiếp bước cho các em đến trường.
Kính mời quý độc giả cùng các đồng chí đón đọc Bài 4: Vững chắc nơi biên giới Tây Bắc