Bài 2: Đột phá nông nghiệp và phát triển kinh tế vùngĐiểm nhấn tổng sản lượng lương thựcNông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lao động và là hướng phát triển kinh tế chủ đạo của tỉnh được Đại hội XII Đảng bộ tỉnh xác định là mục tiêu phát triển mang tính bền vững, dựa trên lợi thế và tiềm năng đất đai. Trên cơ sở tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TU (tháng 10/2008) về Chương trình hành động để chỉ đạo sát với tình hình thực tế về nông nghiệp, nông dân và nông thôn của tỉnh.
Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về sản xuất nông nghiệp được triển khai phù hợp, nhằm cơ cấu lại sản xuất nông, tạo ra các sản phẩm chủ lực dựa trên việc phát huy lợi thế từng vùng, từng địa phương và được ngành nông nghiệp cũng như các huyện thị chỉ đạo quyết liệt. Theo đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, các huyện, thị xã đã phối hợp với ngành nông nghiệp rà soát, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm tăng giá trị và năng suất sản phẩm và người nông dân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích cây trồng.
Thực tế cho thấy, sau hơn 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội, cơ cấu nội bộ ngành nông, lâm, ngư nghiệp có bước chuyển biến tích cực, sản xuất lương thực tăng cao, cơ bản đảm bảo an ninh lương thực và đang hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở các huyện Tam Đường, Than Uyên, Tân Uyên, Sìn Hồ như: vùng trồng cây cao su, vùng nguyên liệu chè, vùng sản xuất lúa - ngô năng suất cao và vùng nuôi trồng thủy sản cá nước lạnh.
Từ định hướng của Đảng bộ tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo bà con nông dân phát triển nhiều cánh đồng, vùng sản xuất chuyên canh điển hình có thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người nông dân; trong đó, nổi bật là sản xuất lương thực tăng cả về diện tích, năng suất, sản lượng và về đích trước 3 năm so với Nghị quyết Đại hội.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh đã hình thành nhiều cánh đồng, vùng sản xuất chuyên canh mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao
Ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện toàn tỉnh có trên 23 nghìn ha lúa và khoảng 21 nghìn ha đất trồng ngô. Để tăng được tổng sản lượng lương thực, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các huyện, thị xã tích cực vận động bà con đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, đồng thời thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ người nông dân về giống, phân bón cũng như khoa học, kỹ thuật.
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, người nông dân đã chủ động hơn trong sản xuất nông nghiệp, hằng năm đưa trên 50% cây trồng mới, giống lai vào sản xuất. Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3,88%/năm, đạt 64,6% Nghị quyết Đại hội; trong đó tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2012 đạt 177,2 nghìn tấn, vượt 7,2 nghìn tấn so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ.
Hình thành vùng kinh tế trọng điểmMột điểm nhấn trong phát triển kinh tế của tỉnh là Đảng bộ tỉnh đã tham mưu trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020. Dựa trên quy hoạch của Chính phủ, nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ tỉnh đã định hướng, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển các vùng kinh tế theo quy hoạch.
Cùng với đầu tư hạ tầng thiết yếu, các huyện, thị xã đã chủ động trong việc xây dựng vùng kinh tế dựa trên ưu thế của địa phương mình và đến nay đã hình thành 3 vùng kinh tế chính, mở ra hướng đi cũng như tương lai mới trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, vùng kinh tế động lực dọc quốc lộ 32, 4D đã được hình thành tại thị xã Lai Châu và các huyện: Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên.
Để phát huy lợi thế và tạo đà cho địa phương phát triển, thời gian qua các huyện, thị xã đã tập trung các nguồn lực đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông, lâm nghiệp và bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu là vùng sản xuất và chế biến chè tại các thị xã Lai Châu và các huyện Tam Đường, Tân Uyên với diện tích 3.151ha.
Vùng nguyên liệu chè chất lượng cao đã tạo ra các sản phẩm mang thương hiệu Lai Châu, được người tiêu dung trong và ngoài nước biết đến
Từ các vùng nguyên liệu chè đã hình thành lên các nhà máy chế biến, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người nông dân và lao động địa phương. Thương hiệu chè Lai Châu đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến là một sản phẩm đặc trưng miền múi phía Bắc.
Ngoài ra, từ lợi thế, tiềm năng nguồn nước thiên nhiên ở các địa phương đã hình thành và phát triển nghề nuôi cá nước lạnh tại các huyện Tam Đường, Phong Thổ với trên 30 nghìn m3. Sản phẩm cá hồi, cá tầm đã mang lại giá trị kinh tế cao, giúp các doanh nghiệp, tổ chức nuôi cá phát triển bền vững.
Trên cơ sở các vùng nguyên liệu rừng, cây công nghiệp, lợi thế đó đã hình thành các vùng sản xuất công nghiệp tập trung, phục vụ nhu cầu tại chỗ như: sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản ; bước đầu thu hút các doanh nghiệp trồng rừng sản xuất và đầu tư tại các huyện Than Uyên, Tam Đường, Tân Uyên. Đây cũng là vùng kinh tế phát triển nhanh các hoạt động thương mại khi đến nay đã có trên 5.200 cơ sở buôn bán, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 7.600 lao động, tăng 17,9% so với năm 2010.
Dựa trên lợi thế về đất đai, rừng núi, cộng với sự đầu tư bằng nhiều nguồn lực, tỉnh ta cũng đã hình thành vùng kinh tế nông - lâm nghiệp sinh thái sông Đà tại các huyện Mường Tè, Nậm Nhùn và Sìn Hồ. Các địa phương này đã tập trung khai thác lợi thế vùng gắn với quy hoạch, sắp xếp tái định cư các công trình thủy điện Sơn La, Lai Châu.
Cây cao su tạo nên vùng kinh tế trọng điểm tại các huyện Sìn Hồ, Nậm Nhùn, Phong Thổ, Than Uyên và Tân Uyên, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động người địa phương và được nhiều tỉnh bạn coi là hình mẫu trong phát triển nông nghiệp ở vùng cao
Tận dụng cơ hội tái định cư thủy điện, các huyện đã từng bước đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông liên vùng, đường đến trung tâm xã. Lợi thế về rừng thời gian qua đã giúp đồng bào các dân tộc địa phương có thêm nguồn thu nhập đảng kể từ phí chi trả dịch vụ môi trường rừng khi bà con thực hiện khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ và trồng rừng phòng hộ. Nổi bật nhất tại vùng kinh tế này là đã phát triển vùng trồng cao su tập trung khi đến nay đã trồng được 8.130 ha. Ngoài việc được hưởng 10% cổ phần góp đất khi thu hoạch, cây cao su sẽ giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động.
Rừng cây cao su cũng trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn
Vùng kinh tế cao nguyên Sìn Hồ (9 xã vùng cao huyện Sìn Hồ) dù mới bắt đầu khởi động, song hứa hẹn sẽ đem lại cơ hội cho người dân địa phương khi phát triển du lịch sinh thái gắn với văn hóa các dân tộc. Hiện vùng kinh tế này đang được đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch đô thị thị trấn huyện, nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đến vùng và tiểu vùng.
Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh, thành tự từ nông nghiệp mà cụ thể là tổng sản lượng lương thực cây có hạt đã tạo tiền đề cho việc hình thành và phát triển kinh tế vùng, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và tăng số hộ khá, giàu trong đồng bào các dân tộc địa phương. Nông nghiệp của tỉnh đã phát triển vượt bậc, dần thu hẹp khoảng cách với các tỉnh trong khu vực, từ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã dần được chăm lo đủ đầy hơn.
Kính mời quý độc giả cùng các đồng chí đón đọc Bài 3: Khởi sắc sự nghiệp giáo dục và đào tạo