Trong quá trình trồng và phát triển cây cao su, Công ty Cổ phần cao su Lai Châu đã gặp không ít khó khăn về thời tiết khắc nghiệt như: gió lốc cục bộ, mưa đá, nhiệt độ giảm sâu kéo dài làm giảm sự sinh trường phát triển của cây. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng nhất là đường giao thông phục vụ sản xuất, chế biến còn chưa phát triển, đường sá vận chuyển khó khăn, địa hình đồi núi dốc và chia cắt... ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng cao su. Chính vì vậy, việc nghiên cứu xác định phương thức trồng, chăm sóc thích hợp nhằm nâng cao chất lượng vườn cây là rất cần thiết.
Nhằm khắc phục những vấn đề này, ông Lê Tiến Tình - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu cho biết: “Hiện nay, vườn cây cao su của Công ty đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản do đó các yếu tố đất trồng, cây giống, thời vụ, biện pháp kỹ thuật quyết định lớn đến chất lượng vườn cây. Công ty đã căn cứ vào suất đầu tư, dựa trên quy trình kỹ thuật của Tập Đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam để áp dụng vào điều kiện thực tế khu vực triển khai dự án. Trong đó, Công ty đã chú trọng tổ chức việc nghiên cứu, làm tốt từng khâu trong quy trình, đảm bảo kỹ thuật về: đường đồng mức, phương pháp trồng, giống, xây dựng vườn ươm…”.
Hiện nay, vườn cây của Công ty luôn đạt chất lượng tốt, một số vườn cây có tầng lá và vành thân trung bình vượt các tiêu chuẩn của Tập Đoàn như vườn cây của đội Pá Khôm, Phong Thổ, Dền Thàng, Nậm Lò. Các vườn cây này có thể rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản từ 6 tháng đến 1 năm. Có được kết quả này, hàng năm, Công ty đều chủ động làm đất sớm, xây dựng kế hoạch khai hoang gối vụ, hạ đường đồng mức, đào hố từ cuối năm trước và muộn nhất vào tháng 3 của năm kế hoạch. Cùng với việc nâng cao hơn nữa chất lượng vườn cây rút ngắn thời gian kiến thiết cơ bản, Công ty từ chỗ trồng hơn 50% tum trần nay chuyển sang trồng cây bầu tầng lá và tum bầu 2-3 tầng lá. Để chủ động được nguồn giống, ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng các hệ thống vườn ươm giống tại các đơn vị sản xuất, đảm bảo 100% cây giống 2 tầng lá vào tháng 6 và tháng 7. Ngoài ra, Công ty cũng chú trọng xây dựng cơ cấu giống thích hợp khí hậu của vùng, cũng như lựa chọn giống mới có năng suất cao vào sản xuất. Những giống mới phù hợp và chịu lạnh là: IAN 873, GT 1, VNg 77-4, RRIM 712, RRIM 124 trồng ở khu vực có cao trình lớn, lộng gió.
Cán bộ Kỹ thuật Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu hướng dẫn công nhân chăm sóc cây cao su
Một nguyên tắc cơ bản trong nông nghiệp là tính thời vụ. Mặc dù có biện pháp kỹ thuật tiên tiến nhưng không triển khai đúng thời vụ thì kết quả sẽ không như mong muốn. Về vấn đề này, ngay từ đầu mùa vụ, Công ty đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về lợi ích cũng như vùng đất phù hợp để phát triển cao su. Đồng thời, tiến hành trồng mới đúng khung thời vụ, tổ chức trồng sớm vào đầu mùa mưa (cuối tháng 4) và kết thúc cuối tháng 7 của năm kế hoạch. “Đến hết năm 2012, qua kiểm kê, diện tích cây cao su đạt loại A, B (Cây sinh trưởng phát triển tốt) đạt trên 3.875/5.514 ha chiếm 70,2%. Diện tích còn lại chưa đạt yêu cầu Công ty cũng đưa ra các giải pháp chăm sóc đặc biệt như: sử dụng thảm phủ phân xanh, đào hố đa năng tích mùn, ép xanh… nhằm đảm bảo chất lượng vườn cây. Ngoài ra, Công ty cũng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ kỹ thuật ở các Nông trường cao su nâng cao trình độ chuyên môn và nắm bắt kỹ thuật đào hố đa năng, cắt cành tạo tán, trồng bầu cắt ngọn trong trồng cây cao su”, anh Đinh Văn Toại, Phó Phòng Kế hoạch-Nông nghiệp, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu chia sẻ.
Công nhân Nông trường Cao su Lùng Thàng, Công ty Cổ phần Cao su Lai Châu làm cỏ, tủ gốc giữ ẩm cho vườn cây cao su
Từ bước đầu đưa ra những giải pháp kỹ thuật hợp lý trong việc nâng cao chất lượng vườn cây, đến nay thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây cao su của Công ty đã được rút ngắn. Cây cao su đã và đang bén rễ sinh trường phát triển tốt thay thế những vạt đồi lau sậy, cỏ dại trước kia. Chỉ vài năm nữa, cao su sẽ dần phủ xanh các dải đồi, núi dọc các xã vùng thấp Sìn Hồ và bản làng khu vực biên giới huyện Phong Thổ. Qua đó, mở ra hướng mới trong việc phát triển cây công nghiệp lâu dài cũng như lợi ích và tạo công ăn, việc làm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến nay, Công ty đã trồng 5.514 ha cây cao su trên địa bàn huyện Sìn Hồ và Phong Thổ đạt 55,15% của tổng Dự án 10.000 ha. Công ty đang hợp đồng lao động được 1.662 lao động (dân tộc thiểu số chiếm 90%), trong đó 1.435 lao động trực tiếp 165 lao động gián tiếp và 62 bảo vệ. Mức lương trung bình từ 2,3 - 5,5 triệu đồng/người/tháng |