Trong những năm qua, bằng nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước về đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu thu được kết quả khích lệ. Số lao động nông thôn được đào tạo nghề ngắn hạn hàng năm tăng đáng kể, lao động sau đào tạo đã có việc làm và áp dụng vào sản xuất tại địa phương… Bên cạnh đó, sự liên kết, thỏa thuận giữa 3 bên: cơ sở đào tạo nghề - doanh nghiệp - người lao động trước khi tổ chức các lớp dạy nghề đã có sự thống nhất cao. Đặc biệt Ngành lao động thương binh - xã hội và các cơ sở đào tạo nghề đã bám sát vào định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để có kế hoạch đào tạo nghề phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nùng Văn Nim - Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh - xã hội tỉnh chia sẻ: Một trong những hình thức dạy nghề phổ biến và thiết thực được các cơ sở đào tạo nghề ở các địa phương trong tỉnh thực hiện trong những năm gần đây là tổ chức đào tạo lưu động. Tức là các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề cho lao động tại thôn bản, cụm bản, cụm xã. Điểm nổi bật là các lớp này tạo điều kiện cho học viên được học tại chỗ, học lý thuyết kết hợp với thực hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, nói đi đôi với làm áp dụng vào thực tế tại địa phương. Thông qua đào tạo, dạy nghề đã làm thay đổi nhận thức về nghề của người lao động, biết áp dụng những tiến bộ KHKT mới về nông - lâm - ngư nghiệp vào đời sống và sản xuất”.
Để thu hút lao động nông thôn tham gia học các ngành nghề, các Trung tâm Dạy nghề ở các địa phương thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội nông dân, Hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền, vận động, tư vấn học nghề đến tất cả các tầng lớp lao động ở cơ sở. Phổ biến các chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho các đối tượng lao động nông thôn trên địa bàn. Đồng thời, rà soát thực tế, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp để có kế hoạch liên kết đào tạo nghề. Khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, nhằm tạo việc làm mới cho người lao động. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo cũng ngày càng được mở rộng đa dạng, phong phú hơn đáp ứng nhu cầu của địa phương, cũng như người lao động. Trong đó, tập trung đào tạo, dạy các nghề: Kỹ thuật lâm sinh, trồng cây lương thực - thực phẩm, chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi trồng thủy sản nước ngọt, nuôi ong, trồng cây ăn quả…
Sau mỗi khóa học nhiều học viên đã mạnh dạn áp dụng kiến thức vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng quy mô đầu tư để từng bước phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như anh Triệu Chòi Sinh ở bản Nậm Sáng (xã Phúc Than - Than Uyên) sau khi được tham gia lớp dạy nghề ngắn hạn về trồng trọt chăn nuôi do Trung tâm dạy nghề huyện tổ chức anh đã biết áp dụng các kiến thức đã học vào sản xuất. Nhờ vậy, đến nay gia đình anh đã có 1ha thảo quả, 1ha rừng thông, 50 con dê… trừ chi phí anh thu nhập được 100 triệu đồng vươn lên thoát khỏi đói nghèo.
Thông qua lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi, thanh niên trong bản Phiêng Cưởm A, xã Mường Cang, huyện Than Uyên trồng nấm rơm
Từ chủ trương, chính sách thu hút dạy nghề, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay mỗi năm toàn tỉnh đào tạo được khoảng 5.500 lượt lao động. Trong đó, ngành nghề nông - lâm nghiệp chiếm gần 87%, còn lại là các ngành nghề phi nông nghiệp. Quan trọng hơn cả là hơn 75% lao động sau đào tạo có việc làm và vận dụng trong phát triển kinh tế. “Để hoàn thành các mục tiêu đào tạo nghề theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội XII Đảng bộ tỉnh đề ra, chúng tôi tham mưu cho tỉnh tập trung vào giải pháp lồng ghép các nguồn lực để xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Đồng thời từng bước nâng cao số lượng và duy trì chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn”, ông Nim cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện nay cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chiếm trên 72% nên lao động sau học nghề vẫn tiếp tục làm nghề cũ nhưng họ biết áp dụng KHKT vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng và hiệu quả cây trồng vật nuôi, góp phần tăng thu nhập kinh tế gia đình.
Về giải pháp nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, anh Phạm Chí Thành - Giám đốc Công ty Cổ phần Nhật Quang cho biết: Nhằm đáp ứng nhu cầu, mục tiêu cũng như chất lượng đào tạo công ty đưa đội ngũ giảng viên có trình độ, nhiệt tình và hiểu tiếng địa phương. Phương châm đào tạo là 1/3 thời lượng lý thuyết, còn 2/3 thời gian thực hành và thực hành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, tức là giáo viên trực tiếp hướng dẫn học viên trên mô hình. Qua đó giúp học viên tiếp thu các nội dung ngành nghề đào tạo một cách dễ dàng và thuận lợi hơn.
Trong thời gian tới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tiếp tục phối hợp các địa phương, các Trung tâm dạy nghề huyện, thị ưu tiên tập trung vào công tác tuyên truyền đến nhân dân. Tăng cường công tác tuyên truyền về dạy nghề, cung cấp thông tin, tư vấn giới thiệu học nghề về trồng cao su, phát triển chăn nuôi cho người lao động…