Lai Châu huy động sức người, sức của trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Thứ hai - 04/05/2020 05:09 1.456 0
Kỷ niệm 66 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu tự hào đã có nhiều đóng góp vào chiến thắng chung của cả dân tộc và đó cũng là động lực quan trọng để Lai Châu tiếp tục xây dựng và phát triển trong những chặng đường tiếp theo.
Đồng bào các dân tộc Lai Châu tham gia tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Đồng bào các dân tộc Lai Châu tham gia tiếp lương tải đạn phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
Cách đây 66 năm, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng, sau 55 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân và dân ta, đúng 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, Tướng Đờ Ca-xtơ-ri và toàn bộ Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Tập đoàn cứ điểm “một pháo đài bất khả xâm phạm” của chủ nghĩa thực dân bị tiêu diệt hoàn toàn, góp phần quyết định vào việc kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong niềm vui chiến thắng đó, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu phấn khởi, tự hào đã có nhiều đóng góp quan trọng.

Huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ trong chiến cuộc Đông - Xuân 1953 - 1954. Đây là một chiến dịch lớn có tầm chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với cả quốc tế. Vì vậy toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung đánh cho kỳ được”.

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng, quân và Nhân dân các dân tộc Lai Châu bước vào làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến dịch. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cho chiến dịch Điện Biên Phủ và thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau một thời gian khẩn trương làm tốt công tác chuẩn bị, quân và dân Lai Châu đã phối hợp với bộ đội chủ lực tổ chức đánh địch giải phóng Lai Châu, ngày 7/12/1953 trước sự uy hiếp mạnh mẽ của quân ta, quân địch ở thị trấn Lai Châu rút về Hà Nội và Điện Biên Phủ, các đơn vị bộ đội đang hành quân được lệnh chuyển sang truy kích bao vây tiêu diệt địch, không cho chúng tập trung về Điện Biên Phủ và ngày 12/12/1953 thị trấn Lai Châu được giải phóng. Ngay sau khi thị trấn Lai Châu được giải phóng, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng Lai Châu, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục tập trung chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thực hiện phương châm “huy động tại chỗ và tích cực vận chuyển từ hậu phương ra tiền tuyến”, Ban Cán sự Đảng tỉnh xác định: cần động viên nhân dân các dân tộc trong tỉnh với nỗ lực cao nhất góp phần cùng cả nước thực hiện bằng được quyết tâm của Đảng. Công tác trọng tâm của tỉnh lúc này là phục vụ tiền tuyến, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất để chống đói. Thi hành Chỉ thị chuẩn bị chiến trường của Bộ Tư lệnh Khu Tây Bắc, tỉnh đã thành lập Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh và các huyện. Ban chuẩn bị chiến trường của tỉnh gồm 4 đồng chí do đồng chí Trần Quốc Mạnh - Trưởng Ban cán sự Đảng tỉnh phụ trách; tại các huyện do các đồng chí phó Ban cán sự Đảng huyện phụ trách. Nhiệm vụ của Ban chuẩn bị chiến trường là đi sâu vào vùng hậu địch tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của cho chiến dịch.

Để chuẩn bị lương thực, thực phẩm phục vụ cho chiến dịch, tháng 2/1954, tỉnh đã ra chỉ thị cho các huyện nhiệm vụ đẩy mạnh tiết kiệm, tăng gia sản xuất để chống đói, vận động nhân dân không nấu rượu bằng gạo mà bằng sắn, chuối, hoa quả khác, chăn nuôi không nên dùng lương thực; vận động cán bộ các cơ quan, bộ đội ăn độn để làm gương cho nhân dân. Việc huy động dân công phải tính toán cụ thể, tránh lãng phí nhân lực để tập trung vào tăng gia sản xuất. Ở tỉnh, huyện phân công các đồng chí ủy viên Ban Cán sự theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc tăng gia sản xuất. Ở xã thành lập ban tăng gia sản xuất gồm các trung kiên và thành phần tích cực trong các đoàn thể, đại biểu của Ủy ban kháng chiến hành chính xã. Các cán bộ được phân công đến từng bản, xã điều tra khả năng lương thực còn lại sau khi nộp thuế của dân để vận động bà con cho Nhà nước vay phục vụ chiến dịch. Những cố gắng trong tăng gia sản xuất của các huyện đã giải quyết được tình trạng thiếu ăn trong nhân dân và đóng góp cho chiến dịch. Qua công tác vận động, nhân dân các huyện Quỳnh Nhai, Tuần Giáo, Điện Biên, Thuận Châu đã cho Chính phủ vay 2.663,312 tấn gạo, bán 106,098 tấn thịt, 134,658 tấn rau, chặt được 25.070 cây gỗ lát đường, góp 147.542 ngày công phục vụ chiến trường. Riêng tuyến cung cấp Pa Nậm Cúm đã huy động được 3.000 dân công, 100 thuyền và 600 ngựa đi phục vụ chiến dịch. Qua công tác thuế nông nghiệp và phục vụ chiến dịch, ta đã đào tạo được 137 cán bộ xã, 819 quần chúng trung kiên tại các thôn bản.

Trước đòi hỏi cấp bách của chiến trường, Ban Cán sự Đảng Lai Châu đã đề ra chương trình, kế hoạch công tác, xác định nhiệm vụ của tỉnh lúc này là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, xây dựng vùng mới giải phóng và tăng gia sản xuất chống đói trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ban Cán sự Đảng tỉnh phân công các đồng chí ủy viên xuống các huyện, xã trọng điểm để chỉ đạo phong trào, trưng tập một số cán bộ các ngành chuyên môn đi cơ sở, giúp cán bộ cơ sở tổ chức, huy động nhân lực, vật lực để phục vụ chiến dịch. Các ngành của tỉnh tuy mới được thành lập, còn nhiều non yếu song cũng gắng sức để phục vụ chiến dịch thắng lợi.

Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng” khắp các địa phương trong tỉnh, từ vùng thấp đến vùng cao, từ vùng tự do đến vùng mới giải phóng, đồng bào các dân tộc đã nô nức tham gia tiếp lương, tải đạn phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc Lai Châu xưa nay chỉ quen với việc quay sợi, dệt vải, nội trợ gia đình nay theo tiếng gọi của Đảng cũng đã hăng hái lên đường, chẳng quản bom đạn, hy sinh vất vả cùng nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương. Để có gạo phục vụ chiến dịch, đồng bào các dân tộc đã giã gạo vào cả ban đêm, việc mà trước đây kiêng cữ, kể cả nam giới cũng tham gia giã gạo (trước đây việc này chỉ có phụ nữ làm). Có nhiều gia đình còn mang cả ngựa của nhà đi chở vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm phục vụ từ 1 đến 2 tháng. Nhiều người đã hết thời gian theo phục vụ quy định nhưng vẫn tình nguyện ở lại, ngày đêm cùng bộ đội lăn lộn trên các tuyến đường. Đặc biệt trên tuyến đường sông Nậm Na chuyển tiếp lương thực, thực phẩm từ Phong Thổ về Lai Châu - Điện Biên Phủ. Nhân dân và du kích địa phương dọc hai bên bờ sông Nậm Na đã không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm dốc hết tâm trí và lực lượng cùng bộ đội và các đoàn vận tải vượt thác đảm bảo an toàn cho hàng nghìn chuyến bè, mảng vận chuyển lương thực, thực phẩm để cung cấp cho mặt trận.

Để công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phục vụ chiến dịch đạt kết quả cao nhất, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã phân vùng và đề ra nhiệm vụ cho từng vùng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ: vùng địch chiếm đóng phân công các đồng chí ủy viên phụ trách từng khu vực để nắm dân, nắm tình hình địch, gây dựng lại cơ sở, chỉ đạo bộ đội địa phương, dân quân, du kích tổ chức phục kích, chặn đánh những cuộc hành quân càn quét của địch vào phía ta, tuyên truyền vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ bộ đội. Vì vậy, mặc dù đời sống nhân dân vùng địch tạm chiến vô cùng gian khổ nhưng trước khi bị địch dồn đến các nơi tập trung, đồng bào đã đuổi gia súc, gia cầm vào rừng và báo cho bộ đội cứ bắt lấy để nuôi quân không để cho địch cướp. Đồng bào phía Tây Điện Biên khi cán bộ đến mua thóc cho Chính phủ đã đồng ý cho họ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để cho bộ đội ăn no đánh giặc, có ngày bộ đội đã huy động được hàng trăm tấn gạo. Đồng bào Mông vùng cao Điện Biên đã đi bộ cả ngày để mang lợn về bán cho bộ đội, tăng thêm thực phẩm để nuôi quân. Vùng ngoài (tức vùng giải phóng), những khu vực nằm kề với mặt trận có vị trí cực kỳ quan trọng bởi hệ thống giao thông huyết mạch để lực lượng hậu cần vận chuyển vũ khí, lương thực vào tuyến lửa, cán bộ của các địa phương này được phân công bám sát cơ sở, bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động nhân dân đón tiếp, giúp đỡ các đoàn dân công qua lại và gánh tiếp lương thực, thực phẩm đến các địa điểm quy định, đồng thời tích cực tăng gia lao động sản xuất lương thực, thực phẩm chống đói và tiết kiệm để cung cấp cho mặt trận.

Dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Đảng tỉnh, trong chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dân các dân tộc Lai Châu đã đóng góp được 2.666 tấn gạo (vượt 64 tấn), 226 tấn thịt (vượt 43 tấn), 210 tấn rau xanh, huy động được 16.972 dân công tính ra ngày công bằng 568.139 ngày, 348 ngựa thồ, 62 thuyền, hàng trăm mảng, góp 25.070 cây gỗ các loại để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội vượt qua. Tổng kết chiến dịch Điện Biên Phủ, toàn tỉnh đã có 700 cá nhân, 9 xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương và Khu ủy Tây Bắc tặng bằng khen về công tác phục vụ chiến dịch.

Phát huy truyền thống lịch sử Điện Biên Phủ anh hùng, quyết tâm xây dựng Lai Châu ngày càng phát triển

66 năm đã trôi qua nhưng ý nghĩa, tinh thần và những đóng góp của nhân dân các dân tộc Lai Châu vào chiến dịch vẫn còn nguyên giá trị, nó không chỉ là số liệu tổng kết công tác phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ mà một lần nữa còn cho chúng ta thấy được sức mạnh và vai trò to lớn của nhân dân trong công cuộc chống ngoại xâm, đồng thời một lần nữa khẳng định sức mạnh về lòng yêu nước của nhân dân các dân tộc Lai Châu được chứng minh và kiểm nghiệm.

Kể từ khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, Lai Châu được hoàn toàn giải phóng, trải qua hơn 60 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên Lai Châu luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, thống nhất về tư tưởng và hành động, gần dân, sát cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, đồng thời luôn gương mẫu, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng, nên có sức lôi cuốn, động viên đông đảo nhân dân tham gia các phong trào cách mạng sâu rộng. Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã một lòng, một dạ tuyệt đối trung thành với Đảng, đang tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm trong chiến đấu, vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, tập trung xây dựng Lai Châu chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, nhất là sau hơn 15 năm chia tách và thành lập tỉnh Lai Châu mới. Trong bối cảnh tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội thấp kém, lạc hậu, tỷ lệ đói nghèo cao, điều kiện, phương tiện làm việc, tổ chức bộ máy và cán bộ đang từng bước kiện toàn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Phát huy truyền thống Điện Biên phủ anh hùng, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu đoàn kết, thống nhất vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm phấn đấu vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá nhanh, văn hóa - xã hội có sự phát triển, đời sống của nhân dân từng bước được cao cả về vật chất và tinh thần; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản ổn định; chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững; Lai Châu từng bước ra khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, tình trạng kém phát triển.

Phấn khởi tự hào với những đóng góp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa là động lực quan trọng để Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Lai Châu quyết tâm phấn đấu xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trong chặng đường tiếp theo, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Tác giả: Thanh Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Văn bản mới

Số 477/CT-UBND

Chỉ thị về việc phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024

lượt xem: 1483 | lượt tải:60

Số: 07/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp phí thẩm định cấp giấy phép hoặc văn bản chấp thuận cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành nghiên cứu khoa học trong vùng biển Việt Nam

lượt xem: 2081 | lượt tải:680

Số: 08/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển

lượt xem: 2138 | lượt tải:233

Số: 09/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

lượt xem: 2300 | lượt tải:260

Số 10/2024/TT-BTC

Thông tư Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định đánh giá trữ lượng khoáng sản và lệ phí cấp giấy phép hoạt động khoáng sản

lượt xem: 1583 | lượt tải:227
  • Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V (2020-2025)

    Trong 2 ngày (27-28/7/2020) Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Lai Châu lần thứ V...

hienphapvn
  • Đang truy cập130
  • Hôm nay31,624
  • Tháng hiện tại709,929
  • Tháng trước1,034,478
  • Tổng lượt truy cập27,604,185
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
top
down