Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững
Thứ tư - 12/06/2019 04:282.0880
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của BCH TW Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Lai Châu đã đạt được những kết quả thiết thực, tạo động lực để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tiếp theo.
Nhận thức rõ việc xây dựng văn hóa và con người Việt Nam có ý nghĩa và vị trí rất quan trọng trong tiến trình cách mạng Việt Nam; văn hóa là nền tảng tinh thần, xây dựng văn hóa là tạo ra sức mạnh nội sinh để đất nước phát triển. Trong 5 năm (2014-2019) cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết số 33-NQ/TW và Kế hoạch của tỉnh với mục tiêu: “xây dựng và phát triển con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, có trí lực, có thể lực, có nhân cách, lối sống đẹp, lịch sự, văn minh”; nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người được nâng lên.
Về xây dựng con người Lai Châu phát triển toàn diện, trong đó tập trung đẩy mạnh giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; cụ thể hóa nội dung xây dựng con người phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về đạo đức, nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, ngăn chặn sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trong tỉnh. Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; nhiệm vụ nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, công tác dân số - gia đình, giảm nghèo bền vững từng bước xây dựng và phát triển con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và gia đình được quan tâm triển khai có hiệu quả. Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Việc xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét. Phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp, toàn tỉnh hiện có 1.102 đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở hoạt động thường xuyên. Công tác sưu tầm, phục dựng, tổ chức các lễ hội, bảo tồn tư liệu lịch sử, giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, thể thao truyền thống được quan tâm, nổi bật như: huyện Tam Đường đã gắn bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch; Thành phố Lai Châu, huyện Than Uyên, huyện Mường Tè chỉ đạo triển khai thực hiện tốt trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào gia đình, thôn, bản, khu phố văn hóa, đến hết năm 2018 Lai Châu có 17/98 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 777/1.140 bản, khu phố, tổ dân phố được công nhận văn hóa, trên 79% hộ gia đình được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa...
Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bản sắc, di sản văn hóa các dân tộc được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 31.000 hiện vật được lưu giữ, 26 di tích được xếp hạng và 01 bảo vật quốc gia; đã hoàn thành thực hiện kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 13 dân tộc cư trú thành cộng đồng; phục dựng 5 lễ, lễ hội; hiện trên địa bàn tỉnh duy trì tổ chức thường niên 40 lễ, lễ hội. Hoạt động văn học, nghệ thuật tiếp tục có sự phát triển; phát huy hiệu quả hoạt động của các phương tiện thông tin, truyền thông, báo chí; quản lý tốt các loại hình thông tin, mạng xã hội, kịp thời định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là trong thanh thiếu nhi, giúp hình thành nhân cách, lối sống, góp phần xây dựng văn hóa, con người Lai Châu ngày càng phát triển.
Thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư xây dựng và cơ bản phát huy hiệu quả, các huyện thành phố đã quy hoạch 80 ha quỹ đất phục vụ xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở; ngoài nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư đối với hoạt động văn hóa và du lịch trong 4 năm (2016-2019) bình quân đạt trên 85 tỷ đồng/năm; kinh phí xã hội hóa cũng thu hút được trên 954 tỷ đồng, trong đó có 900 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển văn hóa, du lịch và đào tạo nguồn nhân lực, 54 tỷ đồng dành cho đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa và hỗ trợ tuyên truyền ở cơ sở. Bước đầu hình thành và phát triển thị trường văn hóa ở Lai Châu; sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch ngày càng đa dạng, phong phú, nhất là du lịch sinh thái, du lịch kết hợp với nông thôn mới, du lịch chợ phiên, du lịch danh lam thắng cảnh...
Hoạt động giao lưu văn hóa được quan tâm lãnh đạo thực hiện có hiệu quả, trong 5 năm tỉnh và các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động giao lưu văn hóa giữa tỉnh Lai Châu với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và 3 tỉnh Bắc Lào; đồng thời thông qua các sự kiện văn hóa lớn như: Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc Tây Bắc; ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Thái toàn quốc; làng văn hóa - du lịch các dân tộc Việt Nam; ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2017 và 2018; “Tuần văn hóa du lịch di sản xanh - nơi gặp gỡ con người và thiên nhiên” năm 2017; Sắc màu văn hóa các dân tộc năm 2019... để thông tin đối ngoại về văn hóa. Qua đó, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm phong phú thêm văn hóa các dân tộc trong tỉnh và tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về miền đất, văn hóa, con người Lai Châu với các nước và các địa phương trong cả nước.
Những kết quả trên đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị của tỉnh trong sạch, vững mạnh.
Để tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh trong giai đoạn mới, Tỉnh ủy Lai châu xác định: Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 33-NQ/TW gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Nghị quyết số 33-NQ/TW trong công cuộc đổi mới và xây dựng đất nước hiện nay, nhằm phát huy tinh thần, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người; quan tâm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đặc biệt coi trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, ý thức trách nhiệm xã hội cho thế hệ trẻ.
Rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa; mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ; tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị và Nhân dân thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lai Châu, khắc phục những hạn chế, bất cập thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trong những năm qua. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về văn hoá, nhất là việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển các loại hình du lịch, dịch vụ, không để xảy ra tình trạng thương mại hóa hoạt động văn hóa; kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để du nhập các sản phẩm, loại hình văn hóa thiếu lành mạnh, trái thuần phong mỹ tục, các thông tin xấu, độc ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội.
Tiếp tục triển khai thực hiện, đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với “Phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đi vào chiều sâu, thực chất; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong thực hiện xây dựng nếp sống văn minh, đời sống văn hóa; thực hiện tốt nếp sống văn hóa công sở; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong Nhân dân.
Quan tâm bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nâng cao chất lượng hoạt động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật; tăng cường giao lưu, hợp tác văn hóa trong nước, khu vực và trên thế giới. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh đến cơ sở. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch; ưu tiên đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát, nắm tình hình; tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt; kịp thời khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện các phong trào văn hóa và xã hội hóa các hoạt động văn hóa./.
Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thôngt ư số 19/2021/TT-BTC ngày 18/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế