Chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Luật Tiếp công dân bằng nhiều hình thức: thông qua “Ngày pháp luật”, lồng ghép trong các hội nghị, cuộc họp, hội thi, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các lớp tập huấn về khiếu nại, tố cáo cho 817 cán bộ, công chức, trưởng bản, người có uy tín… góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo; đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các cơ quan nhà nước, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. UBND tỉnh chỉ đạo tăng cường thực hiện công khai, minh bạch các chế độ, chính sách liên quan đến người dân theo quy định; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng; tăng cường đối thoại với người dân (năm 2018 các cấp, các ngành trong tỉnh đã tổ chức 02 hội nghị, 12 buổi tiếp xúc, đối thoại với công dân; tiếp 1.344 lượt với 1.996 người/1.157 vụ việc; tiếp nhận 1.619 đơn thư, trong đó 1.532 đơn đủ điều kiện giải quyết).
Cơ quan UBKT, thanh tra, công an, viện kiểm sát, tòa án nhân dân trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao đã chủ động, tích cực phối hợp trong xử lý, giải quyết, tham mưu cấp có thẩm quyền giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo theo quy định (UBKT Tỉnh ủy tiếp nhận 55 đơn tố cáo, khiếu nại, đề nghị; ngành thanh tra thực hiện 24 cuộc thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại 32 đơn vị; ngành công an đã tiếp nhận, xử lý 185 đơn, tham mưu giải quyết 02 vụ việc quá khích, chống người thi hành công vụ trong khiếu kiện; ngành kiểm sát tiếp nhận và giải quyết 124 đơn theo quy định; ngành tòa án tiếp nhận, giải quyết 17/17 đơn).
Công tác giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Đoàn ĐBQH tỉnh, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp được thực hiện thường xuyên: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thực hiện 01 cuộc khảo sát; giám sát thường xuyên việc giải quyết khiêu nại, tố cáo của các cơ quan, tổ chức thông qua việc tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến. Thường trực HĐND tỉnh, các ban HĐND tỉnh thực hiện 02 cuộc giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, 13 cuộc khảo sát về một số lĩnh vực mà cử tri và Nhân dân quan tâm, 03 cuộc khảo sát về việc tiếp công dân, giải quyêt đơn thư khiếu nại, tố cáo, 03 đơn của công dân; đại biểu HĐND tỉnh chất vấn 01 nội dung liên quan đơn kiến nghị của công dân. Thường trực HĐND các huyện, thành phố thực hiện 05 cuộc giám sát kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp. MTTQ tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp và Hội nông dân tỉnh thẩm tra, xác minh đơn khiếu nại của 29 hộ dân tại thành phố Lai Châu... Tỉnh thành lập 1.143 tổ hòa giải ở các thôn, bản, tổ dân phố với 5.841 hòa giải viên, đã tham gia hòa giải được 555 vụ việc, trong đó hòa giải thành 457 vụ việc, 98 vụ việc đang hòa giải.
Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm chỉ đạo thực hiện (UBKT các cấp đã thực hiện 6 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 21 tổ chức đảng, 3 đảng viên trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; cấp ủy các cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang thực hiện 07 cuộc kiểm tra, giám sát đối với 02 tổ chức đảng và 05 đảng viên…), qua kiểm tra đã kịp thời hướng dẫn các tổ chức đảng trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, đồng thời chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm của tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện quy trình giải quyết tố cáo, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại cũng còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Việc phân loại, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của một số cơ quan, đơn vị chưa đúng quy định; có vụ việc giải quyết chưa kịp thời, chưa đúng trình tự, thủ tục nên công dân khiếu kiện nhiều lần. Một số cơ quan, đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm về tiếp công dân, giải quyêt khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân theo quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả một số hoạt động giám sát của cơ quan dân cử, MTTQ và các đoàn thể đối với việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo chưa cao. Việc theo dõi, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân của một số cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, trong khi đơn thư kiến nghị, phản ánh chiếm số lượng lớn trong tổng số đơn thư các cấp, các ngành nhận được…
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian tới đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo, nhất là Luật tố cáo năm 2018 cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiếm tra đối với người đứng đầu cấp ủy, UBND các cấp trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị.
Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thực hiện tiếp công dân theo quy định; chỉ đạo giải quyết đúng chính sách, pháp luật các vụ việc khiếu kiện ngay tại cơ sở; thực hiện công khai minh bạch trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh khiếu nại, tố cáo. Phát huy vai trò của trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, tổ chức hòa giải trong tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo, chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại và kết luận, quyết định xử lý đã được xác định là đúng chính sách, pháp luật.
Thực hiện công khai, minh bạch kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo; tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật. Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, tập trung chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra; quan tâm phát triển kinh tế-xã hội đối với các vùng, các địa phương, nhất là các vùng tái định cư, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; nâng cao chất lượng công tác thanh tra trách nhiệm việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; thực hiện có hiệu quả các chương trình, quy chế phối hợp trong công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động phối hợp chặt chẽ trong giải quyết những vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp.
Nâng cao chất lượng giám sát công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường giám sát việc giải quyết các vụ việc khiếu kiện phức tạp, kéo dài; chú trọng hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND. MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tăng cường nắm bắt tình hình, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp với các cơ quan nhà nước trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.../.