Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng thấp kém, xa các trung tâm kinh tế lớn. Nhưng với sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, Đảng bộ, Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương và thời cơ, thuận lợi, phát huy lợi thế, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tăng cao, bình quân giai đoạn 2014 - 2016 đạt 11,66% (riêng năm 2016 đạt 24,88%); GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt trên 22 triệu đồng, tăng 7,58 triệu đồng so với năm 2013; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng nhanh, năm 2016 đạt 1.865 tỷ đồng, tăng 2,78 lần so với năm 2013.
Sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển khá toàn diện, đảm bảo an ninh lương thực; đã hình thành một số vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung có giá trị kinh tế cao như Sén Cù, Tà Cù, Tẻ râu, nếp Tan Cò Giàng; tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2016 đạt trên 206,7 nghìn tấn (vượt 36,7 nghìn tấn so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra). Đã và đang hình thành, phát triển một số vùng sản xuất tập trung, cây công nghiệp có lợi thế: Diện tích cây Chè đạt gần 4,2 nghìn ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 32,5 nghìn tấn; diện tích cây cao su đạt trên 13 nghìn ha, trong đó diện tích đến tuổi khai thác trên 2 nghìn ha, có 70 ha đã khai thác, sản lượng đạt trên 107 tấn mủ khô; diện tích cây ăn quả đạt trên 3 nghìn ha... Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỷ lệ che phủ rừng đến nay đạt 46,8%. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn và tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh; đến nay, thực hiện tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 11,9 tiêu chí/xã, toàn tỉnh đã có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng cao, nhiều công trình thủy điện lớn đã hoàn thành và hòa vào lưới điện quốc gia như: Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng, Nậm Na 2, Nậm Na 3...; giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt 3,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với năm 2015. Hoạt động thương mại, dịch vụ có bước phát triển tích cực; từng bước khai thác có hiệu quả lợi thế kinh tế cửa khẩu. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng với tốc độ khá nhanh, nhất là hệ thống giao thông, điện, thông tin liên lạc, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 82% thôn bản có đường xe máy đi lại thuận tiện; 100% xã, phường, thị trấn, 90,5% hộ dân được cung cấp, sử dụng điện lưới quốc gia; 82% phòng học kiên cố và bán kiên cố; 100% xã, phường có trạm y tế, 63% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Đã hình thành chuỗi đô thị theo hướng hiện đại, mang bản sắc văn hoá các dân tộc như: Thành phố Lai Châu, thị trấn Phong Thổ, Tam Đường, Tân Uyên và Than Uyên. Hoàn thành di dân tái định cư các công trình thuỷ điện Sơn La, Lai Châu, Huổi Quảng, Bản Chát cho hơn 10.000 hộ, gắn với xây dựng nông thôn mới; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tái định cư từng bước được cải thiện, dần đi vào ổn định.
Văn hoá - xã hội có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, học sinh đi học đúng độ tuổi các cấp, thi đỗ tốt nghiệp THPT và đỗ vào các trường cao đẳng, đại học đạt khá và tăng so với các năm học trước; giữ vững đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và đạt phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, thu hút đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, phát triển, chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng đáp ứng yêu cầu; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được triển khai thực hiện tích cực, kiểm soát tốt và không để dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia. Các hoạt động văn nghệ, thể dục - thể thao, thông tin - truyền thông phát triển sâu rộng. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả, các chính sách hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề được tập trung triển khai thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân mỗi năm giảm từ 6 đến 7%, năm 2016 giảm còn 34,81%; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên.
Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc được nâng lên
Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường, duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; nắm và quản lý chắc tình hình, bảo vệ an toàn địa bàn; hoàn thành kế hoạch tuyển quân hằng năm; an ninh trên tuyến biên giới, an ninh chính trị cơ bản ổn định, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thực hiện có hiệu quả các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, ma túy; chú trọng phòng chống tội phạm môi trường. Chủ động nắm tình hình, kịp thời giải quyết một số vụ khiếu khiện đông người, đảm bảo ổn định tình hình trong Nhân dân. Qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia.
Bên cạnh những kết quả nổi bật, việc thực hiện Kết luận 70-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ở tỉnh còn những khó khăn, hạn chế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người còn thấp; sản xuất nông, lâm nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vẫn mang tính tự cung, tự cấp, trình độ canh tác lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh còn chậm; xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ, năng lực quản lý sản xuất kinh doanh hạn chế; chưa thu hút được các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp đã quy hoạch. Dịch vụ, thương mại còn hạn chế, một số chợ được đầu tư xây dựng chưa phát huy hiệu quả. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Chất lượng giáo dục không đồng đều; hoạt động khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân còn hạn chế, nhất là tuyến cơ sở, vẫn diễn ra tình trạng bác sỹ chuyển công tác, bỏ việc. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; đời sống vật chất, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn thiếu và yếu, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước,... Tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, nhất là tình hình tội phạm; hoạt động lợi dụng tôn giáo, tuyên truyền đạo trái pháp luật, xuất nhập cảnh trái phép,... còn xảy ra; tình trạng đơn thư vượt cấp, khiếu khiện liên quan đến giải phóng mặt bằng, thực hiện chính sách đền bù và hỗ trợ tái định cư các dự án thủy điện có thời điểm diễn biến phức tạp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân còn thiếu quyết liệt.
Nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh, nhưng về chủ quan là do phong tục tập quán lạc hậu, tư duy làm kinh tế của người dân và lao động nông thôn chậm được đổi mới; việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, chế biến còn hạn chế; tư tưởng ỷ lại, thụ động, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, của cấp trên còn tồn tại trong một bộ phận đồng bào, cán bộ. Nguồn lực dành cho đầu tư phát triển còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu. Các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế hoạt động trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp. Công tác chỉ đạo, điều hành và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của một số ngành, địa phương chưa rõ nét, thiếu chủ động, quyết liệt, phối hợp thiếu chặt chẽ; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu, chất lượng, năng lực công tác của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn thấp, ý thức chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính chưa nghiêm...
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kết luận số 70-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tiếp tục bám sát, thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong Kế hoạch số 77-KH/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 và hằng năm, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII.
Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền các cấp; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo năng lực, ý thức trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước; tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính; thành lập Trung tâm hành chính công và Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Du lịch - Thương mại; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế và đầu tư vào địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả, bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng kỹ thuật, đầu tư thâm canh; quan tâm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp vùng cao, vùng sâu; tăng cường liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, mở rộng các vùng sản xuất tập trung, nhất là lúa chất lượng cao, chè, quế, sơn tra,... Phối hợp xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng trang trại gắn với chủ động phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện tốt bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh rừng và phát triển rừng gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng. Kiên trì thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân vùng tái định cư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên đầu tư nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường đầu tư tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh; chú trọng các giải pháp hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng mới, chế biến nông, lâm sản,... Tiếp tục phát triển mạnh các loại hình dịch vụ thương mại và kinh tế cửa khẩu, tăng cường quản lý thị trường; phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tiếp tục huy động nguồn lực đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, ưu tiên hạ tầng trọng điểm, hiệu quả cao, tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, kinh doanh
trên địa bàn tỉnh
Thực hiện hiệu quả Chương trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, giảm tỷ lệ sinh con thứ 3, tảo hôn. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tập trung nguồn lực cho chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo và bảo đảm an sinh xã hội.
Tăng cường nắm chắc tình hình, nhất là khu vực biên giới, các địa bàn trọng điểm, duy trì nghiêm chế độ trực, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh ngăn chặn tuyên truyền thành lập "Nhà nước Mông", hoạt động tôn giáo trái pháp luật, di cư tự do. Đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm; bảo đảm ổn định trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ gắn với xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Phát huy khối đoàn kết các dân tộc, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thúc đẩy thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ thứ XIII, phấn đấu đến năm 2020, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc./.